Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp: Đi tìm một Sài Gòn xưa...

Thu Thủy
Thu Thủy
10/03/2019 14:00 GMT+7

Là chuyên gia môi trường nhưng tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp lại “rẽ trái” khi viết nhiều cuốn sách về Sài Gòn xưa .

Anh vừa từ Úc trở về VN để chuẩn bị ra mắt những tác phẩm mới. Một người ở nước ngoài gần 40 năm nhưng lại tìm về ký ức văn hóa, lịch sử, con người... nơi quê nhà.

Muốn ghi lại lịch sử con người, di sản, kiến trúc Sài Gòn

Vì sao anh lại hứng thú với việc nghiên cứu, viết sách về văn hóa, lịch sử, kiến trúc... xưa?
Tôi vui vì đã ít nhiều khơi dậy được cho các bạn trẻ sự chú ý đến các đề tài văn hóa, lịch sử về Sài Gòn và hy vọng sẽ có những người tiếp tục bổ sung hay nghiên cứu thêm về những đề tài mới phong phú có liên quan
 
Tôi làm việc ở Bộ Môi trường và di sản ở Sydney, Úc. Môi trường và di sản văn hóa có liên quan do môi trường sống ảnh hưởng đến đời sống văn hóa từ ngàn xưa cũng như tâm linh và văn hóa truyền thống có nguồn gốc từ thiên nhiên và môi trường. Riêng cá nhân tôi, sinh trưởng ở Sài Gòn với nhiều kỷ niệm và ký ức trong các thập niên 1960 và 1970. Nhiều lần tôi về VN và thấy có nhiều sự đổi thay về cảnh quan, các kiến trúc thời Pháp biến mất (như tòa nhà hòa giải, tòa nhà xưa của Hội Trí đức thể dục Nam kỳ, tòa nhà giám sát tài chính ở số 12 Lê Duẩn), đô thị hóa các vùng xung quanh và mật độ xe cộ, bê tông hóa tăng nhanh gây ô nhiễm; kênh rạch, mảng xanh càng ít.
Tôi yêu thành phố này và muốn ghi lại cũng như tìm hiểu lịch sử về con người, di sản kiến trúc, văn hóa đặc thù của Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung để chúng ta có thể chia sẻ những giá trị văn hóa, gìn giữ và phát huy di sản của một thành phố luôn mở ngay từ thuở ban đầu thành lập, chấp nhận tiếp thu đa văn hóa.
Nói rõ ra, có sự liên quan mật thiết nào giữa 2 lĩnh vực này?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp: Đi tìm một Sài Gòn xưa...
Tác giả với các cộng sự tại Bộ Môi trường và di sản, tiểu bang New South Wales (Úc) Ảnh: NVCC
Đối với nhiều dân tộc bản địa thì môi trường sống và văn hóa có sự liên hệ mật thiết. Nếu đề cập đến văn hóa đặc trưng và con người Nam bộ thì không thể không nói đến văn hóa sông nước và văn minh miệt vườn đã tác động đến lối sống, tư tưởng và giá trị trong quan niệm sống của người Nam bộ. Nhiều dân tộc bản địa như ở Úc, Canada hay ở vùng Tây nguyên VN thì họ coi rừng, sông, rạch, suối, núi là phần không thể tách rời của văn hóa và tâm linh của họ. Con người chỉ là một phần của thiên nhiên vạn vật, chỉ dùng đúng mức không phí phạm hủy hoại. Mất rừng và môi trường sống là mất văn hóa và mất tất cả. Văn hóa và môi trường vì thế liên hệ hữu cơ.
Anh ở Úc hơn 40 năm, vậy quá trình thu thập thông tin, tư liệu, đi thực tế tại VN có gì khó khăn?
- Nguyễn Đức Hiệp, sinh trưởng tại Sài Gòn
- Qua Úc du học theo Quỹ học bổng Colombo vào năm 1974
- Hiện là chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và di sản, tiểu bang New South Wales, Úc
- Tác giả nhiều bài viết về lịch sử, khoa học, văn hóa cho các báo, tạp chí chuyên môn và phổ thông trong và ngoài nước
- Các cuốn sách đã xuất bản gây chú ý: Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945; Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người (tác phẩm đoạt giải B Sách đẹp của Giải thưởng sách quốc gia 2018); Sài Gòn - Chợ Lớn thể thao và báo chí trước 1945; Thiên nhiên kỳ diệu hay thảm họa; Nghệ thuật sân khấu: hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ 19 đến 1945
Tư liệu ngày nay cũng dễ dàng truy cập được đến từ các nguồn quan trọng đã được số hóa như Thư viện quốc gia Pháp, Thư viện quốc gia VN. Ngoài ra còn có các nguồn sưu tập tư nhân, các trường đại học vẫn còn giữ các tư liệu báo chí, sách xuất bản xưa. Tìm được các tư liệu cho đề tài nghiên cứu cũng tốn nhiều thời gian và cũng tùy thuộc vào sự may mắn qua các sự liên hệ cá nhân.
Vậy điều mà anh muốn truyền tải qua những cuốn sách của mình là gì?
Các cuốn sách tôi viết chú trọng đến những khía cạnh gần với sinh hoạt cộng đồng dân cư của một vùng để họ cảm thấy nơi sinh sống có những dấu ấn văn hóa, lịch sử gần gũi trong quá khứ để cảm thấy gắn liền, thuộc về vùng đất, xã hội xung quanh nơi họ đang sống. Thể loại viết có tính cách kể chuyện mà ai cũng có thể đọc được. Phạm trù không gian của các đề tài sách nghiên cứu của tôi là vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn và Nam bộ thời Pháp thuộc (1859 - 1945). Sự giới hạn này cho phép tôi nghiên cứu không tốn nhiều công sức và dễ đọc. Sau đó thì có thể nới rộng phạm trù ra khoảng thời gian từ 1945 - 1954 và từ 1954 - 1975 hay ra không gian ở cả VN.
Thường để hoàn thành một cuốn sách, anh phải mất thời gian bao lâu và công đoạn khó khăn nhất là gì?
Một cuốn sách ra đời cũng phải mất ít nhất 1 năm chuyên tâm tìm hiểu và viết. Giai đoạn khó nhất là tổng hợp, tìm ra những điểm chính và trích dẫn từ các tư liệu trong khung nghiên cứu đã được vạch sẵn hay được chỉnh lại khi thấy cần thiết.
Quá trình nghiên cứu, anh đã bị “làm khó” ở một vấn đề nào chưa?
Thật ra tôi không có bị “làm khó” lúc nào cả. Tư liệu trong nước do các nhà sưu tập tư nhân có nhã ý cung cấp. Khi đi điền dã ở một số nơi đều được giúp đỡ khi cần như các bạn trên trang Facebook group Đài quan sát di sản, Sài Gòn xưa và nay... Những việc mình làm đều phục vụ cho việc chia sẻ, truyền bá thông tin văn hóa và lịch sử để đánh giá đúng giá trị những công trình, di sản văn hóa, kiến trúc ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trong những cuốn sách đã xuất bản, anh tâm đắc nhất là cuốn nào, vì sao?
Cuốn sách đoạt giải B Sách đẹp (Giải thưởng sách quốc gia 2018)
Mỗi cuốn sách đề cập đến các đề tài khác nhau, bảo nếu chọn cuốn nào là tâm đắc nhất thì khó. Theo tôi biết được thì cuốn Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người được nhiều độc giả phản hồi và đón nhận tốt. Cuốn Nghệ thuật sân khấu: hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ 19 đến 1945 thì tôi thích hơn vì chính tôi khi nghiên cứu đã học được nhiều điều lý thú và cảm thấy ít nhất mình cũng đã chia sẻ được những kết quả nghiên cứu đối với nghệ thuật sân khấu đặc thù và đang khó khăn để có chỗ đứng hay tồn tại trong thế kỷ 21 này.
Sách về lịch sử, văn hóa xưa rất khó để trở nên hấp dẫn. Vậy anh làm thế nào để tạo nên dấu ấn riêng cho mình?
Vì xuất thân từ ngành khoa học tự nhiên nên các đề tài tôi viết đều có tham khảo và trích dẫn khi cần. Nhưng văn phong viết sao cho giản dị và dễ hiểu để ai cũng có thể đọc mặc dù là tác phẩm nghiên cứu. Ngoài ra tôi cố gắng tổng hợp, gói ghém các thông tin thành một câu chuyện để chuyển tải đến bạn đọc. Thật ra đã có những nhà khoa học viết các sách về lịch sử, văn minh, văn hóa, khoa học cho công chúng rất thành công, trong đó có Jared Diamond, tác giả quyển Súng, vi trùng và thép, hay Carl Sagan - sách Vũ trụ. Tôi cũng chịu ảnh hưởng cách tiếp cận đề tài như vậy của các tác giả như trên.

Khơi gợi bạn trẻ chú ý đề tài văn hóa, lịch sử…

Trong quá trình thu thập, nghiên cứu, có điều gì khiến anh cảm thấy tâm đắc, ấn tượng hoặc day dứt vì chưa khám phá đến tận cùng?
Những cuốn sách gây chú ý của Nguyễn Đức Hiệp Ảnh: NVCC
Tất cả những gì tôi thu thập, nghiên cứu chỉ là một phần còn khiêm tốn và như đã đề cập ở trên còn giới hạn trong khung thời gian trước 1945 và không gian Sài Gòn - Chợ Lớn. Làm sao mà ta có thể khám phá nghiên cứu đến tận cùng? Việc này chỉ có thể được thực hiện bởi nhiều người. Tôi vui vì đã ít nhiều khơi dậy được cho các bạn trẻ sự chú ý đến các đề tài văn hóa, lịch sử về Sài Gòn và hy vọng sẽ có những người tiếp tục bổ sung hay nghiên cứu thêm về những đề tài mới phong phú có liên quan.
Khi tìm hiểu về văn hóa, con người Sài Gòn xưa, anh có sự so sánh với thời nay? Họ có sự khác biệt như thế nào và có gì thú vị?
Về cá tính thì cũng không khác gì nhiều giữa người Sài Gòn của thế kỷ trước và ngày nay. Chỉ khác là có nhiều từ trong ngôn ngữ viết và nói khác với hiện nay, và sinh hoạt xã hội, văn hóa có khác chút như sinh hoạt văn hóa ở đình chùa, hát bội, cải lương phổ thông hơn hiện nay. Người xưa đọc sách báo, văn học, sinh hoạt thể thao và giải trí ít hơn ngày nay nhưng cũng có những thành quả lớn trong những lĩnh vực này như các tác phẩm văn học của Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức…; hay của các nhà thể thao Chim và Giao trong quần vợt mà ngày nay còn đề danh.
Viết sách bây giờ nhiều người “hái ra tiền”, còn với anh thì sao?
Mục đích của tôi khi viết sách là niềm đam mê đi tìm và khám phá những thông tin và hiểu biết mới cho chính mình, và sau đó truyền tải chia sẻ đến bạn đọc. Nếu nghĩ viết sách lúc này là “hái ra tiền” thì không đúng. Nhuận bút cho cuốn sách nếu ở VN thì chắc chắn không đủ sống khi tâm sức bỏ vào cả năm cho ra một cuốn sách. Vì tôi làm việc chuyên môn ở nước ngoài nên đủ sống và không phụ thuộc vào việc có nhuận bút hay không.
Cuộc sống của anh ở Úc thế nào, ngoài thời gian làm việc ở Bộ Môi trường và di sản thì anh làm gì?
Ngoài thời gian làm việc nghiên cứu về môi trường không khí và ô nhiễm và công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, tôi bỏ thời giờ trong những ngày nghỉ để viết về đề tài lịch sử và văn hóa như đã nói trên. Đây cũng là một niềm vui, hợp với sở thích của tôi. Qua đó tôi cũng quen biết và trở thành bạn với nhiều bạn bè nghiên cứu, nhà báo, nhà văn, sưu tập ở VN.
Những đề tài sắp tới anh tâm đắc và ấp ủ để viết sách?
Những đề tài tôi dự định viết trong tương lai gần là Lịch sử điện ảnh và sân khấu kịch nghệ ở Sài Gòn và Nam kỳ, Sài Gòn - Chợ Lớn, Y tế và y khoa từ giữa thế kỷ 19 đến 1945, Từ Ba Son đến bến Nhà Rồng; Sài Gòn - Chợ Lớn: sự hình thành và phát triển tân nhạc, Sự hình thành và phát triển văn học chữ quốc ngữ ở Sài Gòn và Nam kỳ, Báo chí và văn chương người Hoa ở Chợ Lớn. Đây là những đề tài lớn cần nhiều thời gian nghiên cứu.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!

Tình yêu môi trường tự nhiên và văn hóa lịch sử

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC
       
Anh Hiệp là một nhà khoa học rất nghiêm túc. Tuy anh là tiến sĩ môi trường nhưng anh vì đam mê đã kết hợp giữa tình yêu môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử, đặc biệt là lịch sử Sài Gòn và Nam kỳ. Hai lĩnh vực này tưởng chừng trái ngược nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ. Tôi biết anh Hiệp cách đây 4 năm khi anh về VN nói chuyện cho các bạn trẻ về lịch sử, con người… Cũng như trước đó tôi biết anh Hiệp khi anh công bố những bài viết của mình trên website, báo… và có rất nhiều công trình nghiên cứu cũng hơn 10 năm về những vấn đề văn hóa, lịch sử. Anh là người chịu khó tìm đọc các nguồn tài liệu từ tiếng Anh, Pháp và đi thực tế tại VN để giải đáp các vấn đề về lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế của Sài Gòn và Nam kỳ. Hai quyển sách mới nhất là Nghệ thuật sân khấu: hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ 19 đến 1945 và Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam kỳ từ giữa thế kỷ 19 đến 1945 đều là những tác phẩm rất công phu và nghiêm túc, hấp dẫn.
Trần Hữu Phúc Tiến (tác giả sách Sài Gòn - Hai đầu thế kỷ)

Sự say mê trong nghiên cứu

Ảnh: NVCC
       
Tác giả Nguyễn Đức Hiệp là một trong những tác giả “ruột” gắn bó lâu năm với NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM. Có thể nhìn thấy ở anh sự say mê trong nghiên cứu. Tài liệu cũng chỉ là trên giấy mà thôi nhưng với cái nhìn bao quát của một nhà khoa học, anh đã lôi từ trong giấy ra, hệ thống nó lại thành những chuyên đề hết sức thú vị, cho chúng ta cách nhìn đối chiếu, ngang dọc để thấu hiểu hơn những vấn đề về lịch sử - văn hóa. Những cuốn sách của anh Hiệp tôi đọc đi đọc lại vẫn thấy thú vị.
Đinh Thị Phương Thảo (Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.