Tiến sĩ trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng quyết nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
18/12/2021 14:03 GMT+7

Là một trong 10 nhà khoa học trẻ vừa đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2021, tiến sĩ Trương Thanh Tùng tiếp tục dành hết tâm huyết của mình vào công trình nghiên cứu thuốc chữa các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19 .

Nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, 32 tuổi, công tác tại Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa thuộc Trường ĐH Phenikaa, là một trong 10 nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng của T.Ư Đoàn, ở lĩnh vực công nghệ y dược.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng tại phòng thí nghiệm

XUÂN HUY

Trong tình hình đại dịch Covid-19 làm thay đổi cả thế giới, lấy đi mạng sống của hàng triệu người, tiến sĩ Tùng cho biết các nghiên cứu trong nhóm của anh đang hướng tới tìm thuốc chữa các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19.

“Chúng tôi muốn tìm ra các loại thuốc mới với cơ chế mới trong cuộc chiến kháng kháng sinh và thuốc thay thế kháng sinh”, Thanh Tùng cho biết thêm.

Theo tiến sĩ Tùng, hiện nay, nhiều công ty dược và nhóm nghiên cứu trên thế giới tập trung chính vào những căn bệnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn như ung thư, đái tháo đường, Alzheimer… nhưng đầu tư rất ít cho các bệnh truyền nhiễm. Hậu quả là thế giới không kịp trở tay khi đại dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, Ebola bùng phát.

"Bên cạnh đó, đối với các nước nghèo, quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì vấn đề kháng kháng sinh là rất cấp bách. Do đó, tìm thuốc thay thế kháng sinh là một chủ đề nghiên cứu mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam", tiến sĩ Tùng nói.

Hiện nhóm của tiến sĩ Tùng được xem là nhóm nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam đi theo hướng “quorum sensing” để tìm thuốc mới thay thế kháng sinh. "Quorum sensing" là cách các vi khuẩn “giao tiếp’” với nhau, qua đó chúng “thông báo” cho nhau về vật chủ, từ đó gây ra các biểu hiện tăng sinh, nhiễm trùng cho con người.

Nhóm của tiến sĩ Tùng sẽ tìm cách ức chế con đường này mà không cần tiêu diệt các vi khuẩn góp phần điều trị những căn bệnh nhiễm khuẩn nặng. Đó là điều khác biệt so với các loại kháng sinh hiện nay. Thành công của nghiên cứu sẽ có thể cứu được sinh mạng của hàng triệu người bệnh đa kháng thuốc vì các bệnh nhiễm trùng nặng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong lớn tại Việt Nam hiện nay.

Nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao

Được biết, tiến sĩ Tùng tốt nghiệp ngành dược Trường ĐH Dược Hà Nội. Khi còn là học sinh THPT, anh từng đạt giải nhì môn hóa tỉnh Hải Dương và giải giải 3 môn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thời sinh viên, Tùng cũng đạt nhiều giải thưởng và bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập.

Tiến sĩ Tùng trong thời gian làm trợ lý giáo sư tại ĐH Pittsburgh, Mỹ

HƯƠNG TRANG

Trong năm cuối của ĐH, anh đã có một bằng phát minh sáng chế quốc tế được bảo hộ về các chất có khả năng điều trị ung thư trúng đích và là sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Dược Hà Nội có công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế uy tín.

Sau đó, Tùng lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Copenhagen và nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Aarhus (Đan Mạch) rồi sang Mỹ làm trợ lý giáo sư ĐH Pittsburgh. Đến tháng 12.2019, anh về nước và trở thành giảng viên khoa dược Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội).

Đến nay, tiến sĩ Tùng đã công bố hơn 25 công trình khoa học quốc tế thuộc lĩnh vực y dược, trong đó có nhiều công trình được tiến hành hoàn toàn tại Việt Nam. Anh còn là thành viên ban biên tập của nhiều tạp chí và phản biện cho nhiều tạp chí hàng đầu thế giới của các nhà xuất bản như Nature, Springer Nature, Elsevier, Wiley…

Tiến sĩ đạt giải thưởng Quả cầu vàng cho biết: “Các công trình của tôi và nhóm cho thấy các hoạt chất mới có hoạt tính mạnh, tiềm năng cao và được chủ biên các tạp chí đánh giá cao. Hiện tại, chúng tôi đang thử nghiệm các chất mới để sản xuất và sắp tới sẽ tung ra thị trường những sản phẩm thay thế kháng sinh dùng ngoài da".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.