Theo CNN, tiền tệ lao dốc là dấu hiệu mới nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo ở Venezuela. Giá thực phẩm lên cao ngất hay sự thiếu hụt lớn thức ăn và thuốc men vây quanh dân Venezuela nhiều năm qua và còn tệ hơn nữa trong năm nay. Lạm phát ở quốc gia Nam Mỹ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho là tăng lên 1.660% vào năm sau. Nước này đã chìm trong suy thoái suốt ba năm.
Ngày 1.11, 1 USD đổi được 1.567 bolivar. Đến ngày 28.11, 1 USD ngang giá với 3.480 bolivar theo tỷ giá hối đoái phi chính thức được sử dụng rộng rãi và được trang Dolartoday.com theo dõi.
“Đó là loại tiền tệ lao dốc cực nhanh. Chẳng ai muốn giữ một thứ có giá thấp hơn 50% trong một tháng”, đối tác quản lý Russ Dallen tại hãng Caracas Capital Markets nói.
Có vài yếu tố đứng sau đợt lao dốc gần nhất của bolivar. Chính phủ Venezuela buộc phải bơm tiền vào hệ thống tài chính, vì tiền tệ trong lưu thông hiện không đủ để thanh toán cho hàng hóa vốn trở nên đắt đỏ hơn nhiều.
Mùa hè vừa qua, chính phủ quốc gia Nam Mỹ tăng 100% số lượng bolivar trong một tháng. Song từ lúc đó, tỷ lệ bơm tiền tăng tốc. Số lượng tiền bolivar trong lưu thông tăng 130% so với cách đây một năm, theo thống kê của ngân hàng trung ương.
Khi giá trị nội tệ giảm đáng kể, người dân Venezuela đang tuyệt vọng đổi đồng bolivar mình có để lấy đô la Mỹ, đồng tiền được xem là có giá trị và ổn định hơn. Điều này khiến USD khan hiếm, thậm chí còn đẩy giá trị USD lên thêm so với bolivar.
tin liên quan
Giá thức ăn Venezuela tăng vọt giữa cảnh người dân chịu đóiĐầu năm nay, Venezuela trải qua tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng. Hiện tại, thực phẩm bắt đầu tái xuất trên các kệ hàng trong siêu thị song giá cả thì lại “trên trời” với hầu hết người dân.
Dưới đây là bốn sự kiện và tình trạng đến sau việc đồng bolivar lao dốc.
Thứ nhất, giá lương thực tăng vọt trong mùa thu năm nay khi chính phủ ngừng thực hiện một số biện pháp kiểm soát giá cả sau đợt khan hiếm lương thực. Nhiều nhà cung ứng ngừng bán thức ăn vì lệnh kiểm soát giá buộc họ phải bán lỗ. Giờ đây, khi biện pháp trên được dỡ bỏ, thức ăn trở lại trên kệ hàng siêu thị nhưng với mức giá “trên trời” mà chỉ số ít người Venezuela đủ tiền mua.
Thứ nhì, chính phủ mới đây tăng 40% lương tối thiểu. Tiếp theo, Venezuela vừa mở cửa hoàn toàn biên giới với Colombia hồi đầu mùa hè này, cho phép người dân Venezuela đến và đổi tiền để mua thức ăn, thuốc men. Động thái này làm tăng nhu cầu USD và thêm nhiều đồng bolivar ra khỏi lưu thông. Cuối cùng, chính phủ cắt giảm lượng tiền mặt yêu cầu tại các ngân hàng Venezuela. Việc này hỗ trợ phần nào số bolivar trong lưu hành.
Chính phủ Venezuela rất cần tiền mặt giữa cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp và nước này thì cần thanh toán nợ. Venezuela hiện trễ hạn thanh toán một khoản nợ nhỏ và có thể chính thức vỡ nợ vào giữa tháng 12. Dầu thô là nguồn thu chính của Venezuela và lúc này, có vẻ chưa có dấu hiệu nào kết thúc cuộc khủng hoảng tiền mặt của quốc gia Nam Mỹ.
Chuyên gia Siobhan Morden, trưởng chiến lược thu nhập cố định thuộc Nomura Holdings nhận định: “Đây hoàn toàn là đồng tiền vô giá trị. 1.000 đến 2.000 rồi 3.000. Tiền đang rơi tự do”.
tin liên quan
Venezuela đến hạn trả nợĐất nước kẹt tiền đang nợ nhiều hơn số tiền họ có trong ngân hàng trung ương.
Bình luận (0)