'Tiến thoái lưỡng nan' với dự án chống ngập 10.000 tỉ

27/09/2024 06:19 GMT+7

Dứt điểm tiếp thì phương án nào cũng không ổn; dang dở thì doanh nghiệp khốn đốn, người dân khổ sở; mua lại dự án thì gánh nặng đè lên ngân sách TP... Đó là tình cảnh trớ trêu tại một trong những dự án trọng điểm từng được kỳ vọng sẽ đưa TP.HCM thoát cảnh ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa.

7 năm, 4 lần ngừng thi công, 1 cơ chế riêng và lời hứa về đích

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án (DA) Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (DA chống ngập 10.000 tỉ đồng). Theo UBND TP.HCM, DA còn tồn đọng 3 khó khăn, vướng mắc lớn.

'Tiến thoái lưỡng nan' với dự án chống ngập 10.000 tỉ- Ảnh 1.

Cống Mương Chuối, thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã hoàn thiện 93%

ẢNH: T.N

Đầu tiên là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với DA đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến DA thuộc tiêu chí DA quan trọng quốc gia. Trong trường hợp này, DA trong quá trình thực hiện có khả năng phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỉ đồng. Hiện nay, luật Đầu tư công và luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư DA đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi.

Khó khăn thứ hai là không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. Nguyên nhân xuất phát từ việc Ngân hàng (NH) BIDV không đủ cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 để trình NH Nhà nước (NHNN) thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Hiện chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư/doanh nghiệp (DN) DA tiếp tục thi công, hoàn thành công trình.

Một vướng mắc khác tại DA là chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT. Do tổng mức đầu tư DA có sự thay đổi, thời gian thực hiện DA đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để đảm bảo cơ sở pháp lý thì cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh DA. Tuy nhiên, thực tế, thủ tục điều chỉnh tổng thể DA rất phức tạp do quy định của pháp luật, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay. Do đó, TP.HCM đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể DA.

Đây là lần thứ 3 TP.HCM phải "cầu cứu" Chính phủ về DA chống ngập 10.000 tỉ. Năm 2020, lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam thậm chí đã xin "trả lại" DA do không gánh nổi chi phí phát sinh lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Chủ đầu tư cũng cảnh báo công trình đứng trước nguy cơ trở thành DA "treo" vĩnh viễn bởi với nguồn lực của TP.HCM, việc mua lại toàn bộ DA là rất khó khả thi. Theo đề xuất của UBND TP, ngày 1.4.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40 về việc tiếp tục triển khai DA giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, giai đoạn 1. 

Trên cơ sở đó, UBND TP cho gia hạn hoàn thành DA đến năm 2023, đồng thời làm việc với NHNN, BIDV để tháo gỡ việc tái cấp vốn và giải ngân cho DA. Dù vậy, phải tới tháng 1.2023, phụ lục hợp đồng mới được ký kết và 2 tháng sau, công trình mới được tái khởi động. Tuy nhiên, DA lại tiếp tục vướng với thủ tục giải ngân theo yêu cầu từ NH. TP.HCM loay hoay mãi không có lối ra. Tháng 9.2023, Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm tổ phó, từ đó gỡ vướng cho DA thông qua Nghị quyết 98 và Nghị quyết số 40 của Chính phủ.

Thế nhưng, như bản báo cáo mới nhất của UBND TP.HCM, khó khăn vẫn hoàn khó khăn, DA vẫn chưa thể về đích như đã hẹn và UBND TP tiếp tục chờ Chính phủ có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 40.

Có thể đưa dự án vào vận hành ngay?

Tháng 6.2016, công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng chính thức khởi công, đặt mục tiêu kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Thời điểm đó, hệ thống ngăn triều trở thành kỳ vọng lớn của người dân TP bởi nỗi ám ảnh hễ mưa là ngập đã đeo bám gần 20 năm. Bởi vậy, dù khối lượng công trình rất lớn nhưng phía chủ đầu tư được giao thời gian thi công chưa đầy 2 năm, dự kiến khánh thành vào tháng 4.2018. Gần 7 năm trôi qua, sau 4 lần ngừng thi công, lời hứa về đích của công trình cấp bách này vẫn chưa được thực hiện.

Đáng nói, hàng rào chắn từ những phần cống đã hoàn thiện của DA ngăn triều còn vô tình chặn dòng chảy, gây ùn rác, chất thải tại nhiều khu vực dòng kênh. Dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đoạn cặp bên đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Bến Vân Đồn (Q.1, Q.4), nước thải quyện cùng bèo, rác nổi lềnh bềnh trên dòng kênh bốc mùi hôi thối. Các vị trí cống ngăn triều thuộc DA này tại khu vực Q.7, Q.8 cũng không ít lần bị phản ánh tình trạng công trường, lô cốt án ngữ quá lâu, ảnh hưởng tới giao thông và đời sống người dân. Người dân TP chỉ còn biết ngao ngán thở dài khi nhìn DA đã hoàn thành tới 93% khối lượng thi công nhưng đã dừng gần 4 năm trước vạch đích.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, đánh giá vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chất lượng công trình. Trước mắt, DA đã đạt 93% về mặt kỹ thuật, các cơ quan chuyên môn của TP cần nghiên cứu tỷ lệ này đã đủ để đưa công trình vào vận hành ngay, giải quyết vấn đề bức thiết của TP về ngập lụt, về môi trường được không? Trong trường hợp này, nếu các hạng mục của DA có thể khai thác được thì nên tính phương án đưa vào vận hành trước để "cứu" người dân khỏi ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, tính hiệu quả của DA trong bối cảnh triều cường ngày càng dâng cao, công trình đã chậm trễ quá lâu, cần được xem xét và công khai minh bạch cho người dân được biết.

Đi vào nguyên nhân gốc rễ, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhìn nhận DA ngăn triều 10.000 tỉ có rất nhiều tính chất chậm trễ giống như một số DA khác, đều phải tạm dừng ngay trước vạch đích, không phải vì thiếu tiền mà có tiền cũng không giải ngân được. Điều này cho thấy đang có bất cập mang tính hệ thống trong việc triển khai các DA của TP. Theo ông, mỗi DA đều trải qua quy trình từ quy hoạch, ý tưởng cho tới báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi, rồi mới đấu thầu, thi công. Trong quá trình đó, các cơ quan chuyên môn và chuyên gia phải tính rất sát về các kịch bản từ vốn cho đến kỹ thuật, công nghệ, điều kiện tự nhiên, giải tỏa mặt bằng… DA nào ở TP.HCM cũng làm đúng quy trình, nhưng kết quả cho thấy chất lượng của từng bước trong quy trình có vấn đề. Cơ quan chuyên môn chưa tính đúng, tính đủ được hết các kịch bản. Điều đáng nói là các vướng mắc chủ yếu mang tính hành chính, giải quyết các mối quan hệ, những yếu tố này hoàn toàn có thể giải quyết được.

"TP.HCM đã được trao cơ chế đặc thù bằng Nghị quyết 98, trên tinh thần những đề nghị vượt ra bên ngoài khung cơ chế hiện hành thì có thể giải quyết theo Nghị quyết 98. Thế nhưng cái gì cũng vướng, cái gì cũng phải trình Chính phủ thì cơ chế đặc thù với cơ chế vượt trội còn ý nghĩa gì? Nghị quyết 98 đã là cơ sở pháp lý rồi nhưng TP cứ phải loay hoay đối chiếu với các luật chung. Chính sự loay hoay, quẩn quanh với các luật chung mới làm cho các DA bị chậm đi. Nếu vẫn cứ thế này thì những giá trị của Nghị quyết 98 sẽ không thể phát huy", TS Nguyễn Hữu Nguyên thẳng thắn nhận xét.

Để khắc phục thiếu sót liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư, UBND TP.HCM kiến nghị xem xét điều chỉnh phương án thanh toán hợp đồng BT đã ký kết, theo hướng thanh toán bằng quỹ đất trước cho nhà đầu tư tương ứng với phần giá trị DA BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng tiền để đảm bảo phù hợp với quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT với nội dung như nêu trên sẽ có đủ cơ sở để thanh toán các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.