4, 5 năm trước, game show Đi tìm ẩn số, Ai là triệu phú… công bố giải thưởng cao nhất 100, 120 triệu đồng đã làm ngất ngây bao người. Nhưng xem ra những con số này giờ là chuyện nhỏ.
|
Chưa bao giờ giải thưởng cho người thắng của các game show, chương trình truyền hình thực tế lại cao ngất như hiện nay. Giọng hát Việt: 500 triệu đồng, Ngôi nhà âm nhạc: 300 triệu, Hợp ca tranh tài: 500 triệu, Vietnam’s Got Talent: 400 triệu, Bước nhảy hoàn vũ: 120 triệu (cùng 80 triệu quà tặng), The Amazing Race - Cuộc đua kỳ thú: 300 triệu..., đặc biệt Một phút để chiến thắng có giải thưởng lên đến 1 tỉ đồng.
|
Số tiền thưởng kỷ lục của Một phút để chiến thắng vừa được công bố đã lập tức tạo nên sự chú ý. 10 thử thách với 10 trò chơi dẫu không dễ dàng nhưng vì tiền thưởng quá lớn đã tạo thêm sự hưng phấn cho người chơi. Đôi bạn Ngọc Thanh - Vũ Minh, đến từ Nha Trang, thổ lộ: “Những trò chơi của game show này rất đời thường như: 1 phút rút hết bao nhiêu khăn giấy trong hộp, đổi vị trí lon mà không bị rớt, bỏ tiền vào chai lấy ra chai không bị ngã, ném phi tiêu vào quả táo… nhưng cực kỳ khó chinh phục. Nhóm tụi em mỗi đứa mỗi khả năng, đang ngày đêm miệt mài mong kiếm… vài trăm triệu chứ chưa dám mơ 1 tỉ”. Nghe thế, nhưng sau 3 ngày thi đầu tiên, thí sinh đoạt giải cao nhất của game show này cũng chỉ kiếm được 50 triệu, còn ban tổ chức tiếp tục tìm kiếm người giỏi hơn. Trước đó, 2 bé Đăng Quân - Bảo Ngọc sau chiến thắng Vietnam’s Got Talent có trong tay 400 triệu đồng cũng làm nhiều em nhỏ và các bậc phụ huynh “sốt”. Không phủ nhận tài năng thực sự của 2 bé, song chỉ với 4-5 lần xuất hiện trên truyền hình đã có trong tay số tiền lớn như thế càng củng cố tâm lý háo hức đi thi vì “thi vui là chính, tiền thưởng là… thật” của đám đông.
Còn nhớ, Vietnam Idol 2010 sau khi công bố giải thưởng “khủng” nhất sau 2 mùa là 20.000 USD (gần 400 triệu đồng thời điểm năm 2010), lập tức số lượng thí sinh đăng ký tăng lên đến 15.000 người. Trong mùa giải năm nay, với số tiền thưởng tăng thêm 200 triệu, ban tổ chức đang mong chờ con số thí sinh sẽ đạt đến mức như năm 2010. Tuy nhiên, có vẻ như khó đạt được con số này khi hiện tại có đến 3-4 cuộc thi ca hát lớn đã và đang diễn ra đều treo giải rất cao.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa (đơn vị mua bản quyền nhiều chương trình về VN), khẳng định: “Theo tôi, giải thưởng cao là do yêu cầu từ phiên bản gốc. Nghe thì nhiều nhưng so với số tiền thưởng ở nước ngoài thì chúng ta chỉ bằng 1/10. Tiền giải thưởng lớn cũng tùy thuộc vào cấu trúc chương trình, rồi nội dung, mức độ đầu tư… Khi đầu tư số tiền lớn thì số lượng khán giả theo dõi cũng đông hơn, các nhà đài cũng bán quảng cáo được nhiều hơn và giá cao hơn”. Theo tìm hiểu của PV, đối với các game show, trò chơi truyền hình “nóng” hiện nay trên VTV3, giá một lần quảng cáo tăng lên gấp 2, 3 lần (từ 160 - 180 triệu đồng cho 1 lần phát) so với các kênh truyền hình khác.
Sự quan tâm của các nhà tài trợ dành cho những cuộc thi mang tính giải trí và có đông đảo khán giả theo dõi là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi qua những cuộc thi này, thương hiệu của họ sẽ được biết đến nhiều hơn. Nhưng từ đây cũng chạnh nghĩ, biết đến khi nào những thí sinh nỗ lực mang về giải thưởng cho VN từ các cuộc thi âm nhạc, toán học, vật lý… quốc tế được ưu ái như vậy?
Dạ Ly
>> Đón xem “siêu đầu bếp” tranh tài
>> Chương trình truyền hình mới cho giới trẻ
>> Hồ Trung Dũng thông minh hơn… học sinh lớp 5
>> Sao Việt tranh tài hợp ca
>> Chiếm lĩnh sàn diễn
>> Việt Nam vô địch trò chơi truyền hình
>> Gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình
>> Chiếc nón kỳ diệu
>> Siu Black đang "máu" bỗng… cúp điện
>> Sao Mai - Điểm hẹn" bắt đầu mùa mới
>> Mỹ Tâm làm giám khảo Vietnam Idol 2012
Bình luận (0)