Tiền tỉ có tạo ra tác phẩm hay ?

06/12/2013 03:20 GMT+7

Không có nhiều tiền không thể làm ra được tác phẩm hay thường là câu cửa miệng của nhiều người trong ngành điện ảnh, sân khấu.

Vở Chiếc áo thiên nga được đầu tư 1,8 tỉ đồng với hơn 500 diễn viên, nghệ sĩ - Ảnh: Minh Châu
Vở Chiếc áo thiên nga được đầu tư 1,8 tỉ đồng với hơn 500 diễn viên, nghệ sĩ - Ảnh: Minh Châu 

Điện ảnh:  Đầu tư “khủng” vẫn bị thờ ơ

Đạo diễn Đào Bá Sơn cũng nhất trí với quan điểm trên, song ông cho đây là vấn đề hai mặt: “Chưa chắc nhiều tiền đã làm được phim hay, nhưng tiền quá ít cũng khó tạo nên tác phẩm hay. Phim hay, phim có giá trị cao còn tùy thuộc vào đề tài, tài năng của từng đạo diễn và ê kíp làm phim, ngoài ra còn có cả yếu tố may mắn nữa. Chính vì vậy ở nhiều nước, họ đầu tư theo kiểu chọn mặt đạo diễn”.

 

Nếu chúng ta không có cái nhìn thông thoáng, cởi mở trong các khâu kiểm duyệt thì dù có hô hào, động viên, đầu tư bao nhiêu tiền của đi nữa cũng sẽ chỉ cho ra những bộ phim khô cứng mà thôi

Nhà biên kịch
Nguyễn Thị Hồng Ngát

Một nhà biên kịch có tên tuổi trong ngành (xin giấu tên) cho biết, việc phim không hay cũng bởi nhiều nguyên nhân. Nhưng riêng về vấn đề kinh phí đầu tư khi tiền đến tay đoàn phim cũng đã bị “hao hụt” đi một khoản rất lớn so với con số trên giấy đã duyệt bởi qua nhiều tầng nấc. Điều này chắc chắn gây khó khăn cho những người làm phim, dẫn tới tác động không nhỏ tới chất lượng bộ phim.

Bà Dương Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, thừa nhận: “Không phải có tiền nhiều là làm phim tốt, cũng không phải tiền ít là làm phim không hay. Trên thực tế, điện ảnh nhiều nước đã chứng minh có nhiều phim hay mà kinh phí cho phim đó không lớn. Điện ảnh Iran là một điển hình về việc làm phim với kinh phí ít tốn kém”.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát  trăn trở: “Làm sao có được một tác phẩm mang tính trường tồn nếu trong con người nghệ sĩ chỉ toàn những điều lo lắng vụn vặt riêng tư, không mang nỗi lo của thời đại đang sống?”.  Bà Ngát nói thêm: “Nếu chúng ta không có cái nhìn thông thoáng, cởi mở trong các khâu kiểm duyệt thì dù có hô hào, động viên, đầu tư bao nhiêu tiền của đi nữa cũng sẽ chỉ cho ra những bộ phim khô cứng mà thôi”. Nhiều khán giả cũng nhận xét nhiều phim được nhà nước đầu tư lớn nhưng không tới được người xem, hoặc có được xem cũng cảm thấy xa lạ bởi cách làm khô cứng. “Phim không thấm, không chạm được vào trái tim người xem thì làm sao cảm nhận được cái hay? Có đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ cũng vô ích” - một khán giả trẻ nói.

Phim truyền hình 33 tập Thái sư Trần Thủ Độ (đạo diễn Đào Duy Phúc) được đầu tư tới 57 tỉ đồng, đã được công chúng mòn mỏi trông chờ trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Thế nhưng, phải tới ngày 21.10.2013, tức là đúng 3 năm sau, khán giả mới có cơ hội xem phim này.

 

Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, nhưng nhà nước có dám giao đâu. Không lẽ chờ hoài, bây giờ chúng tôi chuẩn bị đầu tư 1 tỉ cho vở kịch lịch sử Hồ Quý Ly. Làm thì vui đó, nhưng cũng buồn vì nhận ra mình rất cô đơn, thiếu bàn tay chăm sóc

Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn

Phim hợp tác Việt - Trung 19 tập Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (đạo diễn Cận Đức Mậu - Tạ Huy Cường) tuy được đầu tư tới 109 tỉ đồng nhằm kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhưng bị khán giả phản đối kịch liệt tới mức nhà đài hủy lệnh phát sóng vào tháng 6.2013. Nguyên do bởi mọi khâu từ thiết kế, phục trang, quay phim, đạo cụ… đều mang đậm màu sắc Trung Quốc, khiến bộ phim bị la ó và tẩy chay. Tương tự, đầu tư tới 60 tỉ đồng nhưng phim truyền hình 40 tập Huyền sử thiên đô chỉ chiếu được một nửa rồi “treo án”.

Sân khấu: Tiền tỉ có thể hoành tráng ? 

Lẽ ra các sân khấu công lập phía nam phải là đơn vị được nhà nước giao nhiệm vụ trọng đại làm nên những tác phẩm lớn. Nhưng sân khấu công lập ở đây nếu là mảng kịch thì teo tóp, biên chế chỉ vài nghệ sĩ, còn đơn vị cải lương thì lực lượng hùng hậu nhưng kinh phí chưa bao giờ dám duyệt cho dựng vở với số tiền “khủng”. Thành ra cả năm chỉ thấy vở tầm tầm vài chục triệu hoặc hơn trăm triệu đồng là cùng.

Sân khấu xã hội hóa lại tập trung rất nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng khổ thay, chính vì các ông bà bầu phải móc tiền túi ra đầu tư nên họ tính toán rất kỹ, không dám phiêu lưu. Trước tiên là nội dung, đa số dựng hài, dựng ma, dựng tâm lý nhẹ nhàng cho dễ bán vé. Sau nữa, về hình thức, cũng không dám phóng tay quá mạnh, cố gắng gói ghém trong 50 - 100 triệu đồng, lâu lâu mới thấy vở lên tới 300 - 400 - 500 triệu đồng như Nỏ thần, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, các chương trình Ngày xửa ngày xưa. Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn nói: “Tâm huyết thì có, nhưng chúng tôi cũng phải liệu cơm gắp mắm để bảo đảm nồi cơm của hàng trăm anh em”.

Thực ra, cũng từng có những nghệ sĩ máu lửa như Hoa Hạ và NSƯT Quốc Hùng của Nhà hát Trần Hữu Trang, tự xoay xở dựng vở lớn trong những hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Năm 2007 Kim Vân Kiều tốn 1 tỉ đồng, và năm 2008 Chiếc áo thiên nga 1,8 tỉ quả là dũng cảm. Nhà thi đấu Quân khu 7 rộng mênh mông đã trở thành “sân khấu” cho hơn 500 diễn viên nghệ sĩ, trong đó có 60 nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng, 20 danh cầm cổ nhạc từ các tỉnh được mời về, rồi dàn nhạc nhẹ, dàn nhạc hát bội, 4 - 5 nhóm múa… Những thử nghiệm âm nhạc táo bạo, những đại cảnh đẹp lộng lẫy đã trở thành ấn tượng khó quên trong lòng người xem. 

Nhắc lại để thấy không hẳn chúng ta không đủ sức làm, nhưng quan trọng là tiền tỉ ấy phải có gì mới lạ cho công chúng thì họ mới mua vé. Tuy nhiên trong giai đoạn này, kinh tế càng khó khăn hơn, thì những táo bạo cỡ đó chắc phải cần một “bà đỡ” là nhà nước. Ông Huỳnh Anh Tuấn nói: “Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, nhưng nhà nước có dám giao đâu. Không lẽ chờ hoài, bây giờ chúng tôi chuẩn bị đầu tư 1 tỉ cho vở kịch lịch sử Hồ Quý Ly. Làm thì vui đó, nhưng cũng buồn vì nhận ra mình rất cô đơn, thiếu bàn tay chăm sóc”.

Có lẽ, nhà nước nên dùng phương thức hỗ trợ “hậu kiểm”. Nghĩa là, đơn vị nào đã dàn dựng xong thì hội đồng nghệ thuật đi xem và đánh giá, rồi quyết định rót tiền. Như thế an tâm hơn là đưa tiền trước, vì sợ chẳng làm cho xứng đáng với tiền tỉ ngân sách. 

Hoàng Kim - Ngọc Bi

>> Hoãn phát sóng "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long
>> Không chiếu phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long
>> Thái sư Trần Thủ Độ' lên sóng
>> Phim Thái sư Trần Thủ Độ bị loại khỏi giải Cánh diều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.