Tiên trách kỷ

11/05/2012 03:33 GMT+7

Chuyện thương lái Trung Quốc dùng hộ chiếu du lịch qua Việt Nam len lách tới tận các chợ đầu nguồn và cả nhà dân để thu mua nông sản, thực phẩm, thủy hải sản là chuyện khó tin nhưng có thật. Và đã xảy ra từ ít nhất vài năm nay. Vậy mà khi được phóng viên báo hỏi, một quan chức của tỉnh Cà Mau - một trong những địa phương có nhiều thương lái Trung Quốc “đóng đô” nhất - đã trả lời tỉnh queo: “Chưa nghe báo cáo. Sẽ tìm hiểu vụ việc sau”.

Bà con ở Đất Mũi (Cà Mau) đã là nạn nhân bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ, lừa gạt, nhiều người mất cả hàng tỉ đồng. Một số thương lái Trung Quốc sau khi gây được quan hệ mua bán đã tiến tới… lường gạt rồi bỏ trốn. Chuyện xảy ra ngay tại địa phương mình như thế mà không biết, kể cũng lạ!

Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như những nước láng giềng từ trước nay cũng đã có nhiều quan hệ mua bán qua đường tiểu ngạch. Nhưng “sáng kiến” dùng hộ chiếu du lịch để “đột nhập” vào Việt Nam rồi thu gom hàng hóa thì nhất định phải được coi là chuyện không bình thường! Thương nhân mà giả danh khách du lịch để vào tận “bếp núc” nhà người ta thu gom hàng họ thì đã là giả danh, là phạm pháp rồi. Huống chi, còn đóng đô ở địa phương cả năm trời mà chẳng thấy cơ quan chức năng nào “thăm hỏi” cả. Chợt nhớ câu tuyên truyền từ thời bao cấp: “Dù cho bão táp mưa sa - Khách lạ tới nhà phải báo công an”, với người nhà còn phải thế, huống chi với người nước ngoài. Một khi ta đã mở toang “cửa nhà” cho “khách lạ” vào, thì chuyện mất mát hay nguy hiểm hơn, là chuyện “khách” biết “nhà ta” có những cái gì và cất giấu ở đâu... để có những toan tính lâu dài là vô cùng nguy hiểm.

Và, cũng phải hỏi, vì sao thương lái Trung Quốc, đường sá không thông thạo, lại có thể tung hoành ngang dọc trong một thời gian dài ở những nơi xa khuất như Đất Mũi Cà Mau? Ai dẫn đường giùm họ, ai liên kết với họ, và ai cung cấp thông tin cho họ? Để cuối cùng, chính những người hợp tác làm ăn với họ lại là nạn nhân bị họ lừa gạt, tiền mất tật mang?

Chuyện thương lái Trung Quốc thu gom hàng họ làm xáo trộn thị trường Việt Nam là chuyện dễ thấy, nó không chỉ phá vỡ thế cân bằng cục bộ của thị trường, mà còn dẫn tới nguy cơ phá vỡ cân bằng trong sản xuất, nguy cơ tàn phá môi trường do ồ ạt trồng một loại cây “bán được cho Trung Quốc” như cây sắn. Đã có bao bài học cay đắng từ quá khứ tới hiện tại về chuyện thương lái Trung Quốc thu mua rễ hồi, móng trâu... rồi tới cây huỳnh đàn (gỗ sưa) khiến ta khi “được vạ thì má đã sưng”. Ông cha ta đã nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Khoan hãy trách móc các thương lái Trung Quốc, kể cả trách họ đã lừa đảo, mà nên tự trách mình đã nhẹ dạ, cả tin, tham bát bỏ mâm, sẵn sàng cho người ta lợi dụng, lừa gạt mình.

Chuyện “nhẹ dạ” này không chỉ ở người dân, mà còn ở các cấp chính quyền. Không chỉ có “hậu quả nghiêm trọng” từ chuyện thương lái Trung Quốc thu mua nông sản thực phẩm, mà sâu xa hơn, còn là những hậu quả nghiêm trọng về an ninh quốc gia khi chúng ta thoải mái “mở cửa” theo kiểu này.

Thanh Thảo

>> Vụ thương lái Trung Quốc mua cua quỵt nợ: Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an
>> Thương lái Trung Quốc mua cua quỵt nợ
>> Thương lái Trung Quốc đổ xô mua gốc ngâu
>> Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu - Kỳ 2: Xứ dừa phải nhập khẩu dừa
>> Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu
>> Cạn kiệt dược liệu quý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.