Trong 3 kết luận thanh tra về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh và H.Củ Chi mà Thanh tra TP.HCM mới công bố đều có điểm chung là chính quyền đã không vào cuộc xử lý từ đầu, cán bộ làm chưa hết trách nhiệm. Về nguyên nhân khách quan, 3 địa phương nêu trên có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều lao động và sinh viên nên nhiều người dân vì nhu cầu nhà ở, vì lợi nhuận đã vi phạm pháp luật về xây dựng và đất đai. Nhưng không vì thế mà đổ hết lỗi cho người dân bởi những sai phạm kéo dài xuất phát từ sự yếu kém, buông lỏng của chính quyền địa phương với đủ ban bệ.
Những công trình vi phạm rộng hàng chục ngàn mét vuông nằm ngạo nghễ trên đất nông nghiệp chứ không phải “cây kim sợi chỉ” mà chính quyền địa phương nói rằng không biết. Chưa kể, nhiều công trình vi phạm mà điển hình là khu ẩm thực Bình Xuyên (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) kéo dài
17 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đáng lo ngại hơn là tình trạng tách thửa tùy tiện, phân lô bán nền đã hình thành những khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và an sinh xã hội; đầu nậu bán đất, bán nhà xong rồi ung dung hưởng lợi trong khi nhà nước phải gánh trách nhiệm đầu tư hạ tầng đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người dân... Những bất hợp lý này sẽ không xảy ra nếu cán bộ, chính quyền địa phương vào cuộc xử lý từ đầu, chủ động phối hợp tìm giải pháp thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Không chấp nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tái diễn từ năm này qua năm khác, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 23 (tháng 7.2019) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý trật tự xây dựng và đã mang lại hiệu quả bước đầu. Chỉ thị này gắn trách nhiệm phát hiện, xử lý công trình vi phạm với đảng viên, lãnh đạo quản lý sở ngành và địa phương. Điều đó cho thấy dù trật tự xây dựng có phức tạp đến mấy nhưng nếu cán bộ, đảng viên thấy được trách nhiệm của mình thì sẽ có giải pháp kéo giảm, tiến tới chấm dứt.
Bình luận (0)