Những cơ quan nào được sử dụng tiền từ xử phạt vi phạm giao thông?
Theo điều 2 Nghị định 176 năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2025), quy định cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước gồm:
- Bộ Công an (điểm a khoản 1 điều 2)
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác tại địa phương ngoài đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 điều 2 tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (điểm b khoản 1 điều 2).
- Bộ Công an được sử dụng kinh phí thu từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt, đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Kế hoạch sử dụng tiền như thế nào?
Tại điều 3 Nghị định 176 quy định, cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện, nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với số tiền thu từ xử phạt và 30% số tiền thu từ đấu giá biển số xe năm trước liền kề đã nộp vào ngân sách nhà nước. Sau đó, gửi cơ quan có liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định của pháp luật.
Đối với kinh phí thu từ xử phạt, Bộ Công an đề xuất phương án bố trí kinh phí cho Bộ Công an và các địa phương. Đồng thời tổng hợp cùng báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Công an để gửi cơ quan có liên quan tổng hợp theo quy định.
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước của Bộ Công an thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Căn cứ vào kinh phí thu từ xử phạt được bố trí, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập phương án phân bổ ngân sách cho các cơ quan tại địa phương quy định tại điểm b khoản 1 điều 2 Nghị định này.
Đồng thời, trình HĐND cùng cấp quyết định và gửi Bộ Công an, cơ quan có liên quan tổng hợp theo quy định. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đã bố trí thực hiện theo quy định của luật Ngân sách nhà nước và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trường hợp nguồn kinh phí chi thường xuyên, hoặc các nguồn khác từ ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, thì được sử dụng nguồn kinh phí thu từ xử phạt này, và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Nội dung chi tiền của Bộ Công an
Đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện.
Xây dựng, vận hành, quản trị, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông.
Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình, trung tâm chỉ huy, trụ sở, nơi làm việc, nơi tạm giữ phương tiện.
Thuê tài sản (nhà, đất, phương tiện, trang thiết bị và tài sản khác) phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Chi xăng, dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Giải quyết vụ, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông. Khắc phục sự cố, phòng, chống ùn tắc, xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Chi công tác phí, hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Vận hành đường dây nóng, các ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Sơ kết, tổng kết, tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai nhiệm vụ, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
Chi vật tư, văn phòng phẩm, in hồ sơ, tài liệu. Điện duy trì hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông. Cước phí bưu chính, thông tin liên lạc phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Khảo sát, đánh giá, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế độ, chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tổ chức nghiên cứu, điều tra thống kê, thực hiện đề tài khoa học, tiến hành hoạt động thử nghiệm, phát triển sản phẩm, dịch vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm.
Nhập dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Hợp tác quốc tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Các nội dung chi khác thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định.
Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cảnh sát giao thông và người cung cấp thông tin được hưởng bao nhiêu?
Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1 vụ, việc.
Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), 1/2 ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.
Mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng khác tại địa phương trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban ngày không quá 100.000 đồng/người/ca, tối đa 10 ca/tháng. Riêng đối với ca đêm không quá 200.000 đồng/người/ca, 1/2 ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.
Mức chi cho các nội dung chi khác thực hiện theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)