Tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ đến từ đâu?

Quý Hiên
Quý Hiên
26/09/2024 19:26 GMT+7

Chuyên gia địa kỹ thuật đã nhận định ban đầu về cơ chế của dòng lũ bùn đá tại Làng Nủ sau chuyến đi thực địa ở đây.

PGS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường ĐH GTVT, đã có chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ, xã Long Khánh, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và có một số thông tin bước đầu về cơ chế của dòng lũ bùn đá tại thôn Làng Nủ.

Tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ đến từ đâu?- Ảnh 1.

Chụp màn hình

Tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ đến từ đâu?- Ảnh 2.

PGS Nguyễn Châu Lân (áo kẻ) trong chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ sau trận lũ bùn lịch sử rạng sáng 10.9

ẢNH: NCL

Lũ bùn đá khác với lũ thông thường

Chia sẻ với Báo Thanh Niên, PGS Nguyễn Châu Lân cho biết, lũ bùn đá là một trong số hàng loạt thiên tai có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người và cơ sở hạ tầng. Dòng lũ bùn đá khác với dòng lũ thông thường ở chỗ dòng lũ bùn đá có cả đất, đá và nước. Khi có trượt lở đất đá, nếu có độ chênh lệch về độ cao và mưa tích lũy thì sẽ tạo dòng chảy. Trong dòng chảy đó có đá ở phía trên, dòng nước chảy phía dưới, tạo ra sự va chạm rất lớn. Trên đường đi của dòng lũ, bùn lẫn đá dịch chuyển sẽ phá hủy nhà cửa và các công trình nằm trong dòng chảy của nó.

Cơn lũ thảm khốc Làng Nủ: Tiếng gầm ám ảnh, chết chóc đến từ đâu?

Về cơ bản, lũ bùn đá thường có 3 phần. Phần phát sinh trượt lở ban đầu giúp cung cấp vật liệu cho dòng chảy. Phần thứ hai là dòng chảy chính với kênh dẫn có độ dốc lớn, thường là các khe suối trong điều kiện thông thường. Phần tiếp theo là vùng lắng đọng của lũ bùn đá, là vùng hình quạt tại hạ lưu nơi các vật liệu của lũ xòe ra trên một diện tích rộng.

Lũ bùn thường xảy ra khi có mưa lớn hoặc mưa dài ngày tại nơi có địa hình dốc (chữ V) và đất bề mặt rời rạc. Các tham số quan trọng để tạo xác định xảy ra một trận lũ bùn đá gồm: cấu trúc của bề mặt đất thể hiện qua các đặc trưng hình thái lưu vực như diện tích, chiều dài, chiều rộng, độ dốc, mật độ sông, suối, hình dạng lưu vực..

Nhưng khối lượng bùn đá rất lớn đổ ập xuống thôn Làng Nủ xuất phát từ đâu và tại sao lại có thể có một khối lượng rất lớn bùn đá đổ ập xuống như thế trong bất thình lình dăm bảy phút với mức công phá đủ xóa sạch một ngôi làng?

Từ ngày 9.9 có thể đỉnh núi Con Voi đã sạt trượt

Theo phân tích của PGS Nguyễn Châu Lân, trận lũ sáng 10.9 tại thôn Làng Nủ có vị trí phát sinh trượt lở là núi Con Voi. Các vật liệu tạo dòng chảy chủ yếu là gneiss biotit, đá phiến thạch anh biotit, thấu kính đá hoa. Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774 m, vùng ảnh hưởng dưới cùng (thôn Làng Nủ, là vùng lắng đọng bùn đá) có cao độ 160 - 200 m. Chiều dài dòng lũ bùn đá (từ đỉnh núi Con Voi xuống thôn Làng Nủ) là 3,6 km. Diện tích ảnh hưởng của dòng lũ bùn đá là khoảng 38 ha.

Tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ đến từ đâu?- Ảnh 3.

Kết quả mô phỏng trận lũ sáng 10.9 tại thôn Làng Nủ

ẢNH: NCL

Sau khi nhập dữ liệu vào mô hình, PGS Nguyễn Châu Lân nhận được kết quả mô phỏng như sau: chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15 m, nơi sâu nhất khoảng 18 m, vận tốc dòng chảy lớn nhất là 20 m/giây (rất lớn). Thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 - 15 phút.

PGS Nguyễn Châu Lân nhận định, tại khu vực xã Bảo Khánh, vào lúc 5 giờ sáng 9.9 đã có mưa rất lớn, đạt mức 57 mm trong 1 giờ. Với cường độ mưa này, tình trạng trượt lở đất đá đã có thể xảy ra từ ngày 9.9. Lượng mưa tích lũy ngày 9.9 là 500 mm. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu (phần thứ nhất) từ ngày 9.9. Nhưng ngày 9.9, người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.

PGS Nguyễn Châu Lân giải thích: "Theo tính toán của chúng tôi, diện tích trượt lở khu vực đỉnh núi Con Voi khá lớn. Nhưng dòng chảy của nó bị co hẹp lại ở cách điểm phát sinh trượt khoảng 2 km. Sau đoạn co hẹp đó thì dòng chảy rộng ra. Chúng tôi nhận định cơ chế trượt của dòng bùn đất có sự gián đoạn trước khi lũ đổ xuống thôn Làng Nủ. Trước hết các vật liệu trượt ở vị trí trên đỉnh (bao gồm đá phiến, các vách đất) rồi xói mạnh dọc theo khe. Sau đó khối vật liệu này tắc ở vị trí co hẹp dòng chảy, vì thế nó có thể tạo đập dâng tạm thời, khối vật liệu bị ứ lại ở cái đập tạm thời đó, chưa ào xuống thôn Làng Nủ".

Xử phạt công ty đăng video 'Quả báo Làng Nủ' gây phẫn nộ

Tiếng gầm từ đâu?

Theo PGS Nguyễn Châu Lân, như đã nói ở trên, lượng mưa tích lũy trong ngày 9.9 ở khu vực xã Bảo Khánh là 500 mm. Vào ngày xảy ra lũ bùn ở thôn Làng Nủ, lượng mưa tích lũy ở đây đạt 633 mm, đây là mức rất cao, bằng 1/4 lượng mưa trung bình cả năm ở Lào Cai. Đến 6 giờ sáng 10.9, do áp lực của nước dâng lên mà đập tạm bị vỡ, lũ bùn đá tràn và lan rộng xuống phần quạt do địa hình phẳng bên dưới (là thôn Làng Nủ).

Tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ đến từ đâu?- Ảnh 4.

Theo PGS Nguyễn Châu Lân, vị trí co hẹp trong dòng chảy tạo đập tạm cách đỉnh trượt khoảng 2 km

ẢNH: NCL

Phân tích trắc ngang cho thấy vị trí co hẹp dòng chảy (cách đỉnh khoảng 2 km) có chiều rộng 100 m, chiều cao dòng chảy tối đa chỗ cao nhất là 35 m. Trường hợp mặt cắt lớn hơn thì chiều cao dòng chảy là 60 m. Vị trí mở rộng mặt cắt phía dưới (dòng bùn tràn rộng ra) rộng khoảng 300 m.

Theo bài viết "Ám ảnh tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ" đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 12.9, khoảng gần 6 giờ sáng 10.9, nghe tiếng nổ phát ra từ ngọn núi sau nhà, một người dân chạy ra soi đèn pin thì thấy trên ngọn núi Con Voi bốc khói. Ít phút sau, lại có thêm tiếng nổ nữa khiến bùn đất vươn lên khoảng 50 - 60 m rồi ụp xuống những ngôi nhà bên dưới. 

"Tiếng gầm, hoặc người khác thì nghe thấy tiếng nổ như bom, có thể do tiếng vỡ của đập tạm, hoặc của các khối đá va vào nhau khi đập tạm bị vỡ", PGS Nguyễn Châu Lân nói.

PGS Nguyễn Châu Lân nói: "Trước các dữ liệu và kết quả phân tích mà chúng tôi có được, có thể tạm thời kết luận nguyên nhân gây lũ bùn đá phá hủy thôn Làng Nủ là do mưa lớn trong ngày 9.9 và lượng mưa tích lũy trong 3 ngày bão số 3 quá lớn, gây trượt lở khối lớn, tích tụ vật liệu vào đoạn co hẹp, tạo đập tạm thời. Đập này vỡ vào khoảng 6 giờ sáng ngày 10.9, vận tốc dòng chảy quá lớn kèm bùn đá đã xóa sạch thôn Làng Nủ".

Theo PGS Nguyễn Châu Lân, thực tế cho thấy một số nhà dân khu vực hình quạt phía dưới vẫn an toàn, nhờ vị trí đủ cao so với phạm vi dòng chảy của lũ. Qua đó cho thấy, nếu lượng mưa giờ lớn hơn 40 mm, lượng mưa tích lũy trên 200 mm, cơ quan chức năng có thể xem xét để cảnh báo người dân về nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, từ đó xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để giúp người dân tìm cách phòng tránh an toàn.

Vị trí thôn Làng Nủ là vị trí đứt gãy địa chất. Đây là trí nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra. Chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này.

"Tuy nhiên, để có thêm những thông tin chính xác về nguyên nhân gây ra cơ chế lũ ở thôn Làng Nủ sáng 10.9, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, đo đạc hiện trường để xác định nguyên nhân chính xác của dòng bùn tích tụ, từ đó xác định các khu vực tương tự có địa hình, địa chất, dòng chảy tương tự. Có thế chúng ta mới đưa ra được những khuyến cáo cần thiết phục vụ vấn đề quy hoạch, giúp người dân tìm được các vị trí an toàn để ở", PGS Nguyễn Châu Lân đề xuất.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.