Từ thảm họa thiên tai Làng Nủ: Cần 'cứu trợ' tâm lý để người dân sớm vượt nỗi đau

Phạm Hữu
Phạm Hữu
26/09/2024 09:46 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc tích hợp hỗ trợ tâm lý sớm vào các chương trình cứu trợ vật chất là vô cùng cần thiết để giúp nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, vượt qua cú sốc và khủng hoảng sau thảm họa.

    Có nhiều vấn đề khi nói về tâm lý của một người hay cộng đồng sau khi trải qua thiên tai, điển hình cụ thể là những người dân đang sống trong vùng ảnh hưởng của bão Yagi suốt gần một tháng qua.

Nỗi đau tâm lý đè nặng sau thiên tai

Tiến sĩ, bác sĩ y tế cộng đồng Nguyễn Thị Minh Tân (giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM), dẫn lời 2 chuyên gia nước ngoài Jame và Gilliland về can thiệp khủng hoảng, thì đây là nhận thức về một sự kiện hoặc tình huống khó khăn không thể chịu đựng được, vượt quá khả năng và cơ chế đối phó của một người. Do đó, cá nhân sẽ chịu ảnh hưởng với mức độ dựa trên khả năng ứng phó trước thảm họa.

Theo các số liệu thống kê từ WHO, gần như mỗi người khi trải qua thiên tai, thảm họa đều sẽ gặp các vấn đề về tâm lýxã hội, nhưng dần được cải thiện theo thời gian.

Có khoảng 22% những người từng đối diện với thảm họa trong vòng 10 năm có thể gặp các vấn đề như trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, cả rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt.

Từ thảm họa thiên tai Làng Nủ: Cần 'cứu trợ' tâm lý để người dân sớm vượt nỗi đau- Ảnh 1.

Anh Lý Sầu Dỉ (trái) bàng hoàng khi nhớ lại cảm giác bất lực nhìn vợ con bị đất đá vùi lấp hôm 10.9

Ảnh: Đình Huy

Khủng hoảng này thường đến đột ngột, bất thường, không mong đợi, gây ra nhiều mất mát, nên ngay trong giai đoạn này, người dân vùng bão lũ phía bắc có thể trải qua vấn đề tâm lý bất ổn về cảm xúc, sốc cảm xúc. Tuy nhiên, ảnh hưởng tâm lý ở mỗi người và mỗi cộng đồng sẽ khác, không phải ai cũng trải qua vấn đề tâm lý tương tự nhau. Đồng thời, không phải tất cả mọi người khi trải qua thiên tai hay thảm họa đều mắc những vấn đề về rối loạn căng thẳng sau sang chấn, trầm cảm hay bệnh lý tâm thần.

Theo chuyên gia tâm lý, can thiệp khủng hoảng Vũ Thị Xuân Lan (chuyên viên tâm lý, phòng khám tâm lý Menthy), thiên tai có tác động rộng, ảnh hưởng lên môi trường vật lý, tâm lý và sinh mạng con người. Ngoài ra, trẻ em là một trong những đối tượng có nhiều nguy cơ ảnh hưởng từ thiên tai bởi khả năng ứng phó của trẻ yếu hơn so với người lớn.

Những mất mát sau bão Yagi: trẻ em có thể bị ảnh hưởng tâm lý lên đến 10 năm

Trường hợp ở Làng Nủ (Sa Pa, Lào Cai) vừa rồi là một điển hình trong nhiều trường hợp đã từng xảy ra ở Việt Nam.

Việc nhiều người trong gia đình mất đi cùng lúc và chỉ còn một người sống sót trong thiên tai thì bà Lan cho biết đó là mất mát vô cùng lớn. Họ phải đối mặt tình trạng liên khủng hoảng hoặc khủng hoảng chồng khủng hoảng. Với trẻ em có thể gặp phải những chấn thương, mất vĩnh viễn người thân của mình, mối quan hệ xung quanh, làng xóm, bạn bè… Sự mất mát này khiến nạn nhân bất ổn về cảm xúc, sốc cảm xúc, tuyệt vọng, sợ hãi, bất lực.

Một số khác cảm thấy tê liệt tâm lý như: choáng váng ngơ ngác, bối rối, dễ bị kích động. Trong giai đoạn đầu, những phản ứng trên là bình thường. Vì vậy can thiệp khủng hoảng sớm là rất cần thiết để sàng lọc và hỗ trợ cho nạn nhân trong thảm họa.

Từ thảm họa thiên tai Làng Nủ: Cần 'cứu trợ' tâm lý để người dân sớm vượt nỗi đau- Ảnh 2.

Người dân bị ám ảnh vì sạt lở xảy ra ở Yên Bái hồi giữa tháng 9

Ảnh: Thanh Niên

Mở rộng hơn với khu vực miền Trung, tiến sĩ Tân nhìn nhận bão lũ ở đây có tính chu kỳ lặp lại, người dân có chuẩn bị để đối phó và đương đầu với các cơn bão lũ từ nhiều việc liên quan. Đây là sự chuẩn bị để hạn chế những mất mát và đối diện của cộng đồng trước bão lũ. Những ảnh hưởng về vật chất, thể chất và tâm lý, từ đó sẽ ít hơn vì có sự chuẩn bị trước.

Liệu pháp nào cho các nạn nhân?

Theo bà Lan, các giai đoạn giúp người dân có thể khác nhau, tùy thuộc vào các mức độ của thiên tai nhưng nhìn chung có 3 bước, đó là: cứu hộ, chuyển tiếp, tái thiết lập.

Việc nhiều người trong gia đình mất đi cùng lúc và chỉ còn một người sống sót trong thiên tai đó là mất mát vô cùng lớn. Họ phải đối mặt tình trạng liên khủng hoảng hoặc khủng hoảng chồng khủng hoảng. Với trẻ em có thể gặp phải những chấn thương, mất vĩnh viễn người thân của mình, mối quan hệ xung quanh, làng xóm, bạn bè… Sự mất mát này khiến nạn nhân bất ổn về cảm xúc, sốc cảm xúc, tuyệt vọng, sợ hãi, bất lực.

Chuyên viên tâm lý Vũ Thị Xuân Lan

Trong giai đoạn cứu hộ cần đảm bảo an toàn, ổn định nơi ở, lương thực, giấc ngủ và các nhu cầu về thể lý khác. Sự ổn định này là nền tảng tạo cân bằng cảm xúc, hạn chế những ảnh hưởng tâm lý đến người dân vùng bão lũ. Khi ảnh hưởng của thiên tai giảm đi, lúc đó sẽ vào giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, cần phân tầng nguy cơ và xác định ưu tiên cứu trợ; cần sự tham gia của chuyên gia và cộng đồng tại địa phương, có thể dựa trên các cơ sở cộng đồng hay trường học.

Bước đến giai đoạn tái thiết lập cần phát triển thêm các dịch vụ để hỗ trợ tăng cường sức khỏe tâm thần, tâm lý cho người dân, đặc biệt các nhóm người địa phương với cộng đồng đã gánh chịu hậu quả do thiên tai.

"Cần sự tích hợp hỗ trợ tâm lý xã hội vào các chương trình cứu trợ tổng thể và sự hợp tác giữa cứu trợ về y tế và vật chất. Điều quan trọng là can thiệp trong và sau thiên tai sao cho phù hợp văn hóa của địa phương để được sự đồng lòng của người dân mới đạt hiệu quả", chuyên gia Lan chia sẻ.

Trong khi đó, tiến sĩ Tân cho biết phần lớn người dân sẽ dần ổn định tâm lý gặp phải sau giai đoạn thiên tai. Với góc độ về hệ thống hỗ trợ, mỗi nạn nhân sẽ có các nguồn lực giúp đỡ vượt qua căng thẳng. Nguồn lực đầu tiên chính từ bản thân họ như khả năng ứng phó, nhân cách sẵn có như dễ dàng chia sẻ các vấn đề của mình.

Kế đến là từ những người thân trong gia đình, bạn bè hay những người quan trọng khác. Sự giúp đỡ từ gia đình đóng vai trò lớn để mỗi người có thể sử dụng các nguồn trợ giúp ngay lập tức khi gặp khó khăn. Nguồn lực kế tiếp từ cộng đồng, sẽ đệm thêm cho nạn nhân để họ có thể có cơ hội phục hồi.

Từ thảm họa thiên tai Làng Nủ: Cần 'cứu trợ' tâm lý để người dân sớm vượt nỗi đau- Ảnh 3.

Một phụ nữ ở Làng Nủ (Sa Pa, Lào Cai) dựa lưng vào quan tài cầu trời khấn Phật mong sớm tìm được người thân

Ảnh: Đình Huy

Khi bước dần sang giai đoạn chuyển tiếp hay giai đoạn tái thiết lập, các hệ thống hỗ trợ về vật chất và tinh thần cần tích hợp dần và bổ túc cho nhau để xác định thứ tự ưu tiên và phối hợp hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Tân cho rằng: "Rất cần sự tham gia của cộng đồng tại vùng chịu ảnh hưởng của bão bởi chính họ là người sẽ có được tiếng nói về các dịch vụ hay các hướng hỗ trợ phù hợp với các vấn đề mà các nạn nhân đang đối diện".

Về sức khỏe tinh thần, các vấn đề tâm lý xã hội, cần sự tham gia của các chuyên gia can thiệp khủng hoảng hoặc các ngành như: công tác xã hội, tâm thần kinh, tâm lý trị liệu, giáo dục… Khi đội ngũ này phối hợp, việc hỗ trợ các vấn đề tâm lý cho người dân sẽ được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và bền vững. Đội ngũ can thiệp khủng hoảng nên tham gia vào các đoàn cứu hộ để họ có thể thực hiện việc can thiệp sớm nhất.

Ngoài ra, chuyên gia Lan nói rằng trẻ em ở vùng bão lũ rất cần sự quan tâm tích cực, phù hợp từ người thân cận và cộng đồng. Đây là nguồn lực mạnh mẽ trợ giúp trẻ ổn định, an toàn và tin tưởng. Từ đó, trẻ có cơ hội cân bằng lại tinh thần, có động lực để vượt qua một số khó khăn nhất định. Trẻ em là đối tượng cần được ưu tiên để chăm sóc, theo dõi, can thiệp sớm. Khi trẻ có chấn thương về tâm lý sau thiên tai vì những chấn thương sớm, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ rối nhiễu tâm lý trong quá trình phát triển sau này.

Từ thảm họa thiên tai Làng Nủ: Cần 'cứu trợ' tâm lý để người dân sớm vượt nỗi đau- Ảnh 4.

Gặp lại những người còn may mắn sống sót sau trận lở đất, người đàn ông ở Làng Nủ (Sa Pa) không cầm được nước mắt

Ảnh: Tuấn Minh

"Chúng ta vẫn luôn hy vọng trẻ em Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ tiếp tục được bảo vệ, chăm sóc, và được dạy những kỹ năng ứng phó thích hợp theo lứa tuổi. Ví dụ chúng ta thấy ở Nhật Bản thường gặp các trận động đất và trẻ em ở Nhật luôn được dạy về kỹ năng sinh tồn, ứng phó với tình huống động đất", bà Lan nói.

Cuối cùng, tiến sĩ Tân nói rằng ngoài chuyện trị liệu bằng y khoa thì với những đồng bào dân tộc thiểu số, thường theo các tôn giáo, văn hóa khác nhau cần được tôn trọng và để nhiều người dân địa phương tham gia hỗ trợ mới đạt hiệu quả tốt nhất cho nạn nhân. Tôn giáo, triết học và tâm linh là những yếu tố bổ trợ thiết yếu không kém so với y khoa hiện đại đối với một số cộng đồng, nạn nhân trong thời điểm sau thiên tai.

"Chúng ta cần tôn trọng và biết cách tích hợp nguồn lực về văn hóa, tôn giáo của mỗi cộng đồng vào các hỗ trợ tâm lý cho người dân. Việc hiểu về văn hóa địa phương khu vực trợ giúp sẽ giúp ích rất nhiều cho đội ngũ tham gia thực hiện các hỗ trợ can thiệp. Các yếu tố phục hồi từ tâm linh, tôn giáo có sức mạnh rất lớn trong việc phục hồi tinh thần sau thảm họa, đặc biệt đối với một số cộng đồng và địa phương vùng bão lũ", TS Tân nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.