'Tiếng hạt nảy mầm' đầy tính nhân văn, sao lại nỡ mạt sát...

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/10/2024 17:38 GMT+7

Khi bài thơ 'Tiếng hạt nảy mầm' của tác giả Tô Hà (in trong sách Tiếng Việt lớp 5) được chia sẻ trên một diễn đàn của các giáo viên, những người quan tâm đã đọc và... tranh cãi, một số ý kiến còn chê bai thậm tệ khiến dư luận dậy sóng.

Được biết, bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà là bài số 5 trong tuần 3 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đối với bài thơ này, học sinh sẽ thực hiện yêu cầu tham gia trò chơi "nghe từ ngữ, đoán âm thanh".

'Tiếng hạt nảy mầm' đầy tính nhân văn, sao lại nỡ mạt sát... - Ảnh 1.

Mọi việc ồn ào khi bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà được chia sẻ trên một diễn đàn của các giáo viên

Cụ thể, đề bài ra sau phần yêu cầu chơi trò chơi với cách chơi: Một bạn nêu từ ngữ chỉ âm thanh, một bạn đoán đó là âm thanh của sự vật, hiện tượng nào: tí tách - tiếng mưa rơi', để trả lời cho câu hỏi: chi tiết nào giúp em nhận ra đây là lớp học của trẻ khiếm thính (mất khả năng nghe và nghe kém)? Theo em, những khó khăn, thiệt thòi của các bạn học sinh trong bài thơ là gì? Cô giáo đã gợi lên trong tâm trí học trò những hình ảnh và âm thanh nào của cuộc sống?...

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả có 3 tác phẩm nằm trong bộ sách Chân trời sáng tạo, từng là giáo viên văn, từng là hiệu trưởng một trường cấp 2 ở Cà Mau cho biết, bà thật sự đau lòng khi bài thơ Tiếng hạt nảy mầm bị chê bai, thậm chí mạt sát.

"Bài thơ rất trọn vẹn, dùng từ rất đắt"

Theo nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, bài thơ Tiếng hạt nảy mầm giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động, dễ thương và dễ hiểu. Trẻ khi được học bài thơ này sẽ hiểu và thông cảm hơn với trẻ khuyết tật khiếm thính. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn bởi sự đón nhận những con người lạc quan dù họ không hoàn hảo.

'Tiếng hạt nảy mầm' đầy tính nhân văn, sao lại nỡ mạt sát... - Ảnh 2.

Bài học trong sách thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

"Bài thơ xúc động bởi ý nghĩa nhân văn mà Tô Hà làm được. Sự hòa nhập cuộc sống bình thường dẫu muôn trùng khó khăn của trẻ khiếm thính được nhà thơ 'chụp' lại vô ngần trong trẻo, như một bản nhạc nảy lên trong tịch mịch im lặng của thế giới âm thanh không thể chạm vào. Bối cảnh bài thơ được viết cho một lớp học khiếm thính. Bạn hình dung không gian im lặng, hoàn toàn im lặng, mọi âm thanh không thể nào được trẻ khiếm thính cảm nhận được dù vang động đến đâu. Các em học ngôn ngữ ký hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô. Và, như hạt nảy mầm trên đá, hoa nở trong sa mạc, âm thanh cuộc sống ùa về trên bàn tay cô, trong ánh mắt ngập tràn yêu thương... Bỏ qua sự cảm tính của Hà, thì bài thơ vẫn rất trọn vẹn, dùng từ rất đắt, chọn lọc", nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà phân tích.

Bàn luận về hai câu thơ bị một số người "lên án" thậm tệ: "Cánh sẻ vụt qua song/Hót nắng vàng ánh ỏi", nhà văn cho rằng: "Ví dụ từ mà mọi người lên án "Hót nắng vàng ánh ỏi", nhiều người chê nhà thơ dùng từ sai, lẽ ra là "óng ả" chứ sao lại "ánh ỏi". Hãy cùng tìm hiểu nghĩa từ nhé! Ánh ỏi: ngân vang, vút cao. Vậy thì tiếng chim hót trong nắng nó ngân vang vút cao hay nó phải màu vàng? Đến lúc này chúng ta đều biết vì sao nhà thơ dùng từ 'ánh ỏi' mà không là từ 'óng ả' hay từ nào đó khác". 

'Tiếng hạt nảy mầm' đầy tính nhân văn, sao lại nỡ mạt sát... - Ảnh 3.

"Bài thơ xúc động bởi ý nghĩa nhân văn mà Tô Hà làm được", nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nhìn nhận 

Ảnh: CHỤP TỪ SÁCH

Từ đó, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà thẳng thắn bày tỏ quan điểm, rằng: "Tiếng Việt giàu và đẹp nhờ vào những biện pháp tu từ này. Văn chương nghệ thuật, sứ mệnh là gì? Là hướng thiện! Là vì sự tốt đẹp của con người!. Vậy thì với ngôn từ đặc sắc, ý nghĩa bao dung, bài thơ này chỗ nào không xứng? Chỗ nào đáng lên án. Cho đến bây giờ, Hà vẫn không thể hiểu một bài thơ hay đến như vậy (về ý nghĩ, về câu từ, về nghệ thuật) lại bị mạt sát nặng nề đến như vậy...". (Còn tiếp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.