Tiếng hát ở chốn …đèn dầu

29/10/2012 10:03 GMT+7

Dù chưa có điện lưới quốc gia, nhưng người dân ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, H. Bù Gia Mập (Bình Phước) vẫn say mê với CLB "Vầng trăng cổ nhạc”.

Trong một lần đi công tác, chúng tôi tìm đến thôn Cây Da bởi nghe ở khu vực này có một CLB đờn ca tài tử nổi tiếng trong thôn. Vượt quãng đường đất đỏ dài hơn 5km, chúng tôi gặp bà Huỳnh Thị Đồng (50 tuổi, ngụ thôn Cây Da)- Chủ nhiệm CLB “Vầng trăng cổ nhạc”. Sau một hồi trò chuyện, mặt trời đã mất dạng, thôn Cây Da chìm vào trong bóng đêm. Bà Đồng tâm sự: “Gia đình tôi về đây lập nghiệp từ năm 1995. Ở đây buồn lắm, xa khu trung tâm xã (khoảng 15 km), đất rộng người thưa, nên đã 20 năm nay ánh điện là ước mơ xa xỉ của người dân chúng tôi. Không điện, mọi nhu cầu sinh hoạt giải trí tối tăm. Ban ngày thì đầu tắt mặt tối với công việc nương rẫy, tối xuống khoảng 8 giờ là cả xóm tắt đèn dầu đi ngủ”.

CLB đờn ca tài tử 
Một buổi sinh hoạt tại CLB thôn Cây Da - Ảnh Nhật Văn

Cũng chính từ việc tăm tối đó, từ năm 2007 CLB "Vầng trăng cổ nhạc" của thôn Cây Da đã ra đời, với mục đích ban đầu chỉ để mua vui cho gia đình, bà con lối xóm. Bà Đồng kể, ban đầu CLB được thành lập, các loại đàn (guitar bass, tranh, cò, organ) cũng được bà lên tận TP.HCM mua về. Nhưng ngặt nỗi không có điện, lấy gì để rước tiếng đàn và giọng hát của người biểu diễn được ngân nga, vang xa. Bà Đồng quyết định vay gần 5 triệu đồng để đầu tư máy phát điện.

Nhưng bà Đồng rất phấn khởi, vì tối nào nhà cũng đông người, trở thành điểm hẹn sinh hoạt ca hát cho gần 30 hộ dân nơi đây. Mới đầu thành lập, người hát thì có, còn người biết chơi đàn thì không. Máu văn nghệ nổi lên, bà Đồng lại đầu tư tiền cho con trai, con rể đi học đàn, nhạc tại Nhà hát Trần Hữu Trang, CLB Quang Huy (Bình Dương), thậm chí còn thuê cả thầy về nhà dạy đàn. “Những cháu còn lại ở nhà, tôi cho luyện ca vọng cổ và tập những vở Phạm Công Cúc Hoa, trích đoạn đời cô Lựu, Đào Tấn… Chỉ sau 2 năm, CLB đã được kiện toàn và chuyên nghiệp cả về người chơi nhạc và nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu”, bà Đồng phấn khởi kể.

CLB đến nay đã có 20 thành viên, chủ yếu là con cháu, dâu rể trong nhà và một số bà con láng giềng kề cận. Phấn khởi hơn, là sau một năm ra đời, CLB được xã cử đi lưu diễn ở huyện và được mời tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng của tỉnh hằng năm, tham gia Lễ hội quả điều vàng Việt Nam – Bình Phước năm 2010… Từ những đóng góp đó, năm 2007 CLB chính thức trở thành thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử của tỉnh Bình Phước.

Nhật Văn

>> Đờn ca tài tử ở Phú Quốc
>> Đờn ca tài tử kết duyên điện ảnh
>> Đờn ca tài tử phô diễn lực lượng
>> 70 năm sưu tầm tư liệu đờn ca tài tử
>> Đệ trình UNESCO hồ sơ đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Đờn ca tài tử
>> Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho đờn ca tài tử
>> Đề xuất Đờn ca tài tử thành di sản văn hóa thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.