Tiếng kêu cứu từ lưu vực sông Mê Kông

29/05/2017 09:30 GMT+7

Hiện trạng sông Mê Kông đang ngày càng nguy kịch do tác động ở thượng nguồn đe dọa sự phát triển bền vững toàn khu vực.

Trong hai ngày 29 và 30.5, Trường ĐH Cần Thơ sẽ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển, Trung tâm con người và thiên nhiên, Diễn đàn Các nhà báo môi trường VN tổ chức hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mê Kông và câu chuyện ở ĐBSCL - VN”. Đây là diễn đàn đối thoại đa phương giữa chuyên gia, báo giới và cộng đồng nhằm đưa ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng nguồn gây ra.
Trong những năm trở lại đây, ĐBSCL ngày càng trở nên dễ tổn thương trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan bởi biến đổi khí hậu. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hằng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ mau chóng đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng cường diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn. Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính sông Mê Kông khiến vấn đề an ninh nguồn nước ở hạ châu thổ sông nói chung và ĐBSCL của VN nói riêng càng trở nên bức bách.
Chặt nát dòng sông
Trong thư gửi đến Thanh Niên, chuyên gia về quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Viện Công nghệ châu Á (Thái Lan) Nophea Sasaki cho biết ngư dân Campuchia đang bị ảnh hưởng nặng nề vì các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Hàng triệu người nước này đang sinh sống bằng cách đánh bắt trên dòng sông và hồ Tonle Sap nhưng nguồn cá cung cấp khoảng 1/3 thực phẩm cho hơn 15 triệu dân cả nước đang sụt giảm nghiêm trọng.
“Chỉ riêng về mặt sinh thái, các hoạt động ở thượng nguồn như việc xây đập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài thủy sản cần vùng nước rộng lớn để di cư và sinh sản. Bất cứ hoạt động ngăn dòng chảy nào cũng góp phần làm suy thoái hệ sinh thái”, ông cảnh báo. Không chỉ ở Campuchia, lo ngại đang lan rộng toàn khu vực khi sự can thiệp vào dòng chảy sông Mê Kông đang tiếp diễn bất chấp cảnh báo của giới khoa học.
Bên cạnh các đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc ở thượng nguồn, nhiều dự án thủy điện khác được xúc tiến trên dòng chính sông Mê Kông. Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) đang tiến hành các bước tiền tham vấn đối với dự án đập thủy điện Pak Beng, nằm trong chuỗi dự án 11 đập thủy điện sẽ “chặt nát” dòng Mê Kông đoạn chảy qua Lào. Theo MRC, con đập được thiết kế nằm trên dòng chính và có tổng công suất 912 megawatt, với khả năng xả nước gần 6.000 m3/giây.
Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers), đập Pak Beng sẽ có ảnh hưởng lớn đến vùng hạ lưu ở Lào, Thái Lan và Campuchia, còn khu vực ĐBSCL của VN sẽ chịu tác động nặng nhất. “Ngoài tình trạng ngăn cản sự di cư của các loài thủy sản, dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL như thay đổi dòng chảy và chu kỳ lũ cũng như giảm lượng phù sa và năng suất nông nghiệp”, bà Maureen Harris, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức này, cho biết.
Thủy sản bị “dội bom”
Ngoài ra, sông Mê Kông còn sắp bị cho nổ tung nhiều cồn bãi trong kế hoạch nạo vét đoạn dài khoảng 900 km từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến tỉnh Luang Prabang ở Lào. Theo kế hoạch, Tập đoàn quốc doanh xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) đang khảo sát trước khi tiến hành nạo vét nhằm phục vụ tàu trọng tải đến 500 tấn thay vì dùng các tàu 60 tấn trên dòng chảy hiện nay. Chuyên san The Conversation dẫn lời chuyên gia Alan Marshall tại Đại học Mahidol (Thái Lan) nhận định điều này chẳng khác gì Trung Quốc sắp “dội bom” lên đầu nhiều loài thủy sản. “Hàng trăm cồn giữa sông đoạn chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Lào sẽ bị thổi bay”, ông phân tích.
Cũng theo ông Marshall, tác hại từ việc thay đổi dòng chảy đối với an ninh nước và lương thực trong khu vực chưa hề được tính đến dù nguy cơ vô cùng lớn. Ông cho rằng sẽ rất thiển cận nếu đặt cược nguồn tài nguyên to lớn này chỉ để tăng một ít doanh thu từ giao thương với nước ngoài của Trung Quốc. Mới đây, hoạt động thăm dò trong dự án nạo vét thậm chí còn thọc sâu sang biên giới Thái Lan dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của các chuyên gia môi trường và cộng đồng địa phương.
Trước thực trạng hiện nay, chuyên gia Tổ chức Bảo tồn WWF Marc Goichot nhận định với Thanh Niên rằng cần mở rộng khái niệm “quản lý nguồn nước” thành “quản lý lưu vực sông” đa quốc gia. Theo ông, cần thấy rõ vai trò quan trọng của sông Mê Kông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nhất là ở ĐBSCL. “Không nên phá hỏng tương lai của mọi ngành kinh tế chỉ vì lợi ích ngắn hạn của một lĩnh vực duy nhất là năng lượng. Dù năng lượng là yếu tố then chốt nhưng thủy điện không phải là lựa chọn duy nhất tại lưu vực sông Mê Kông”, ông khuyến cáo. Trong khi đó, chuyên gia Sasaki kêu gọi tham vấn minh bạch hơn nữa về phát triển thủy điện để tối ưu hóa lợi ích, đồng thời giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Quyết liệt hơn, bà Harris khẳng định: “Phải khẩn cấp dừng xây thêm đập và tạm ngưng các dự án đang xây dựng để nghiên cứu thêm về tác động xuyên biên giới và dài hạn của chúng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.