Tiếng ốc u trên đảo Lý Sơn

25/10/2017 14:02 GMT+7

Mỗi bận diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ai cũng nghe sau hồi thổi ốc u giục giã mới đến lúc tiễn hình nhân binh phu xuống thuyền để đi Hoàng Sa.

Hiệu lệnh chỉ huy, liên lạc cho cả đoàn thuyền binh phu chính là con ốc u thổi lên từng hồi dài, ngắn.
Trên đảo Lý Sơn, tiếng ốc u còn là còi báo động cướp biển; trang bị cho những nhóm tuần sương bảo vệ mùa màng cho người dân xứ đảo tỏi.
Hơn 60 năm ôm… con ốc u
Đến nhà ông Võ Chú (83 tuổi) ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, hỏi về chuyện thổi ốc u, lão ngư tóc bạc phơ phơ quay vào buồng cầm ra con ốc to, màu vàng giới thiệu: "Đây là con ốc u. Nó theo tui từ ngày chưa có vợ". Mân mê con ốc u, lão ngư kể duyên nghiệp vì sao mình thổi ốc u đến tận bây giờ.
Cha ông Chú thổi ốc u hay nhất ở đảo. Thấy cha thổi ốc u, đêm đêm lại vác đi tuần tra, ông Chú thấy thương cha. Trong một bữa cơm chiều, ông Chú nghe cha mình nói, thổi ốc u khó tìm người thay. "Đi tuần ban đêm không thổi ốc u được thì làm sao bắt trộm nên người biết thổi phải gánh vác", ông Chú kể. Từ ngày đó, ông Chú tập thổi ốc u. Cha ông biết, nói "gia truyền" chi cái nghề "rát cổ, thóp bụng" này. "Con thổi được, sẽ thay cha đi tuần sương", ông Chú đáp.
Gần 20 tuổi, thổi rành ốc u, ép hơi thổi được từng hồi dài, ngắn, dồn dập, thư thả, ngân nga... ông Chú chính thức thay cha lo việc tuần sương (tuần ban đêm). “Tui khỏe, thổi ốc u hay nên hồi 20 tuổi được bầu làm trưởng nhóm tuần sương. Đến giờ đã hơn 60 năm rồi”, ông Chú nói.
Con ốc u ngày đó màu không láng, sáng vàng đẹp như bây giờ. Để có con ốc to chừng 3 - 4 kg này không phải dễ, bởi nó chuyên sống trong hang đá dưới đáy biển. Mỗi bận chiều mát, nó mới ra khỏi hang ăn mồi, sau đó nếu phát hiện có mối nguy hiểm là chui vào hang ngay. Ông Chú bắt được nó là nhờ kiên nhẫn rình vài ngày ở cửa hang đá gần bên đảo Bé (thuộc đảo Lý Sơn, nay là xã An Bình). Con ốc này giờ láng bóng bao nhiêu thì chủ của nó - ông Chú, không thể cưỡng lại thời gian, đã nhăn nheo bấy nhiêu.
Hơn 60 năm thổi ốc u, ông Chú bảo, thổi nó khó nhất là lúc làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ này, chỉ có pháp sư cho phép mới được thổi, tùy hồi dài, ngắn hay thổi thúc giục 2, 3 hồi làm một. Cứ sau ngày lễ này, vì phải nén hơi liên tục, bụng ông Chú cuộn cứng lại. “Ốc u có khi thổi hơi dài đến 5 phút. Lúc tiếng u…u…u phát ra là lúc uốn lưỡi lấy hơi, để tiếp tục thổi liền ngay sau đó. Ốc u thì nhiều người thổi được, nhưng thổi theo điệu, theo bài, ngắn dài, giục giã, vang ngân xa mấy trăm mét, thậm chí cả ngàn mét thì cả đảo bây giờ chỉ còn có 3 người. Mai mốt tui đi rồi, không biết còn ai thổi ốc cho ngày lễ khao lề”, ông Chú trầm ngâm, mắt nhìn ra con sóng bạc xa xa.
Tiếng ốc u trên đảo Lý Sơn1
Ông Võ Chú và con ốc u đã theo ông mấy mươi năm

tin liên quan

Họ tộc 'kình ngư'
Ở Quảng Trị, nếu nhắc đến cảng cá và làng chài lớn nhất thì đó chắc chắn phải là TT.Cửa Việt (H.Gio Linh). Và ở thị trấn cửa biển này, không họ tộc nào "hùng mạnh" bằng họ Bùi Đình, khi hàng trăm con em đang dong thuyền lớn nhắm hướng ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ...
Ngủ ngon nhờ tiếng ốc u
Ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, bảo: "Đêm không nghe tiếng ốc u, bỗng thấy nhơ nhớ". Thời thơ ấu và thanh niên của ông Bút luôn gắn với con ốc u. Sau năm 1975, những ai biết thổi ốc u thường được vinh dự đứng vào hàng ngũ dân quân, đêm đêm được ôm súng đi tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên đảo.
Cứ mỗi xã có một trung đội dân quân có vài ba người biết thổi ốc u. Mỗi đêm đi tuần, trung đội chia ra làm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 1 người biết thổi ốc u. Liên lạc với nhau trong đêm, những tiểu đội này dùng ốc u thổi lên, không theo bài bản, không hay như ông Võ Chú nhưng họ cũng nhận ra quân mình. “Đêm đêm, bà con dân đảo, cứ nghe tiếng ốc u của dân quân, ai cũng thấy an tâm, ngủ yên hơn. Bởi tỏi, hành đã có người bảo vệ. Những đêm không nghe tiếng ốc, bà con thấy như thiếu vắng gì đó”, ông Bút nói.

Tiếng kèn, hay tù và, trống rất dễ bị tiếng sóng làm tan đi, nhưng tiếng trầm hùng của con ốc u thì xuyên qua sóng, không loãng, nhầm với tiếng nào khác

Ông Nguyễn Cậu

Rồi ông Bút kể, mấy trăm năm trước, đảo Lý Sơn là nơi thuận tiện cho tàu thuyền đi ngang ghé vào lấy nước và lương thực để tiếp bước hải hồ. Những nhóm người lên đảo không phải ai cũng hữu ý. Có kẻ lên đảo vờ tiếp nước ngọt, lương thực, nhưng dò xét, nếu điều kiện thuận lợi là cướp bóc, thậm chí còn chiếm đảo. Để chống lại cướp biển, người dân đảo Lý Sơn dùng đội bảo vệ tuần tra và dùng ốc u liên lạc. Khi phát hiện bọn cướp tấn công vào đảo, đội tuần tra thổi từng hồi ốc u dồn dập, khẩn cấp. Bà con sống trên đảo tập trung trai tráng, dân binh đến chống lại. Đến lúc đánh lui cướp biển, ốc u lại ngân lên từng hồi êm ái, báo hiệu sự bình yên trở lại.
Trầm hùng theo sóng binh phu
Ra Lý Sơn nghe câu: “Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”. Câu ca dao chỉ những ai từng dự lễ này mới biết: Xưa, mỗi bận tế sống những đội binh phu "người đi thì có, người không thấy về" ra làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa, sau những hồi ốc u cất lên dồn dập, đoàn binh phu tức tốc xuống thuyền giong thẳng ra khơi. Giữa muôn bề sóng dữ, đoàn binh phu có 5 chiếc thuyền, trong đó thuyền chánh đội chỉ huy đi giữa, 4 thuyền binh phu khác đi xung quanh.

tin liên quan

Vĩnh biệt người gác miếu thờ Hoàng Sa đời đời
Tin cụ Võ Hiển Đạt, người thâm niên 60 năm gác miếu thờ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn, rời cõi tạm để về với tổ tiên hôm 16.2.2017 ở tuổi 85 đã làm cho tất cả những ai quan tâm đến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa- đều cảm thấy hụt hẫng. 
Một bận trò chuyện với ông Nguyễn Cậu, nguyên là Trưởng ban Khánh tiết lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của đảo Lý Sơn, tôi mới biết, giữa trùng khơi bão bùng, thuyền chánh đội và 4 thuyền binh phu liên lạc với nhau qua tiếng ốc u. Ông Cậu cho biết: Tiếng kèn, hay tù và, trống rất dễ bị tiếng sóng làm tan đi, nhưng tiếng trầm hùng của con ốc u thì xuyên qua sóng, không loãng, nhầm với tiếng nào khác.
Sau lần gặp ấy, tôi thắc mắc, chánh đội thổi ốc u như thế nào để triệu tập quân, chỉ huy đoàn thuyền? Chuyến ra đảo Lý Sơn gần đây, tìm ông Nguyễn Cậu thì ông đã về với tổ tiên. Trở lại nhà ông Võ Chú trong một đêm mưa hỏi chuyện, thì ra lão ngư này cũng rành chuyện của binh phu. Theo ông Chú, từ thuyền chánh đội, nghe thổi 3 tiếng, các thuyền binh khác thổi lại 3 tiếng, xem như không có bất trắc gì. Thuyền chánh đội thổi 6 tiếng là hiệu lệnh cho các thuyền trưởng về thuyền chánh họp bàn. Thuyền chánh đội thổi 9 tiếng là báo động có địch, chuẩn bị nghênh chiến. Ông Chú nói: “Nếu binh phu yểu mệnh, chánh đội mang chiếu ra quấn thi thể binh phu cùng với thẻ bài, thả xuống biển, tiếng ốc u 3 hồi thê lương nổi lên tiễn biệt. Sống kiếp binh phu, ra biển xông pha hồ hải cũng từ tiếng ốc u, chết đi cũng tiếng ốc u đưa tiễn”.
Khi ra đến đảo Hoàng Sa, một thuyền binh phu làm nhiệm vụ tiến vào đảo trước, nếu thấy có người thì thổi ốc u một hơi dài báo hiệu cho các thuyền và binh phu khác biết chừng. "Thổi một hơi thôi, vì thổi nhiều sợ bị phát hiện. Còn nếu xảy ra chiến đấu thì người cầm ốc u phải thổi liên tục để báo hiệu cho cả đội binh phu đến ứng cứu", ông Chú kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.