Nhìn cây nêu và lá cờ phướn tung bay trong gió, không chỉ biết năm mới đang đến mà còn rưng rưng nỗi niềm quê xứ...
tin liên quan
Tết Việt xưa & nayTết Nguyên đán VN còn được gọi là tết Cả, tết Ta, tết Âm lịch, tết cổ truyền; bắt đầu từ 23 tháng chạp (đưa ông Táo về trời) đến ngày mồng 6 (hạ nêu). Tết được chia thành 3 giai đoạn là cuối năm - giao thừa - đầu năm.
Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (cuốn Hạ): Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc gọi là lên nêu... với ước nguyện cầu điềm lành cho năm mới và tránh những xấu xa trong năm cũ. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng thì hạ nêu…
Như vậy trong phong tục đón tết xưa của tổ tiên, cây nêu là một biểu tượng khá quan trọng của mỗi nhà. Đón tết cổ truyền ngoài Bắc, cây nêu cũng là một trong 6 “món” không thể thiếu như đã ghi trong một câu đối cổ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Hồi học tiểu học, buổi học cuối năm cô giáo đọc chuyện cổ của Nguyễn Đổng Chi cho cả lớp nghe. Chuyện rằng: Tục trồng nêu là để ngăn trừ loài quỷ chiếm đất nước của con người. Con người chỉ làm thuê và nộp sản vật cho quỷ. Người phải cầu cứu đức Phật giúp đỡ. Phật bảo con người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang nên quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai theo phương thức "ăn ngọn cho gốc”.
Sang mùa sau quỷ lại chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại dạy người trồng lúa, quỷ lại hỏng ăn nên tuyên bố “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật bèn cho người giống cây bắp (ngô) để gieo trồng. Quỷ ăn cả “gốc lẫn ngọn” nên người được tất cả trái bắp mang về làm lương thực. Tức tối, quỷ lấy lại đất đai không cho người canh tác nữa...
Từ đó, hàng năm vào dịp tết là những ngày quỷ từ biển vào thăm đất liền thì người ta trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, linh phong có tiếng động phát ra khi có gió để bọn quỷ tránh đi. Ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa cho quỷ sợ. Người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày tết để cấm cửa loài quỷ…
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời. Truyền thuyết cho rằng từ ngày này ma quỷ thường nhân cơ hội này về quấy nhiễu. Từ lễ dựng nêu cho đến ngày hạ nêu vào ngày mồng 7 tháng giêng. Lễ thượng nêu phải có bàn cúng trang nghiêm để cầu mưa thuận gió hòa, tổ tiên độ trì cho con cháu…
Ở huyện đảo Lý Sơn, nêu được dựng lúc nửa đêm 23 tháng Chạp, tại Âm Linh Tự, bên cạnh đình cổ xã An Hải, là nơi thờ phụng các bậc tiền nhân anh dũng hi sinh khi tự nguyện gia nhập đội hùng binh Hoàng Sa hàng trăm năm trước. Cây nêu đảo Lý Sơn có gắn biểu tượng con chim công, theo tín ngưỡng dân gian miền biển là để đuổi yêu trừ ma quỹ: Một lá cờ hội mang ý nghĩa “Nghinh xuân - mộc điểu - thượng kỳ” bên cạnh lá cờ Tổ quốc. “Biểu tượng con chim công được treo trên thân cây nêu với hi vọng xua đi những gì kém may mắn, cầu trời yên biển lặng để có một năm mới an cư lạc nghiệp, gọi là Nhất điểu…”, một bô lão ở Lý Sơn giải thích.
tin liên quan
Ký ức ngày xuân: Cả làng cúng âm linhVề vùng nông thôn vào những ngày cuối năm âm lịch, ta thường nghe các cụ già đọc hai câu ca dao này: Lo chi mả lạng mồ hoang/Hai mươi tháng Chạp có làng dẫy đưa...
Tại đô thị cổ Hội An, cây nêu ngày tết năm nào cũng có ở nhiều đình làng. Từ sáu năm nay, hội thi dựng nêu để thu hút du khách và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đã được tổ chức do một ban “Phục dựng cây nêu ngày tết kết hợp nghệ thuật sắp đặt lồng đèn” thuộc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản chủ trì. Nêu dựng nêu từ 29 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng tại gần 50 địa điểm là các di tích, đình, miếu, nhà thờ tộc, cơ quan, đơn vị.
Trên cây nêu có cờ hội vuông cỡ lớn (loại cờ ngũ hành, giữa lòng màu đỏ hoặc vàng, diềm ngoài màu xanh hoặc màu tím sậm) được treo bên dưới tán lá của cây tre. Cờ hội có hình vuông cạnh 1,15m hoặc 1,3m. Treo cùng với cờ hội là lá phướn, ngày xưa phướn được làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế...
Ngày nay, lá phướn có thể được thay thế bằng vải màu đỏ có nội dung mang ý nghĩa tốt đẹp, mừng năm mới, cầu quốc thái dân an... Trên cây nêu ở Hội An còn nơi còn treo thêm một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang biểu tượng cho “tứ tung ngũ hành”...
Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phục dựng cây nêu giữa bầu trời là để cầu may mắn, bỏ qua những điều muộn phiền, những hơn thua tranh giành trong cuộc sống và hòa lòng cùng thiên nhiên đất trời. Cây nêu ngày Tết vì vậy mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”…
Với ý nghĩa đó, nhiều nơi đã khôi phục lại cây nêu với một thân cây tre thẳng, còn nguyên ngọn, gốc rễ được dựng ở khoảng đất trống; dưới ngọn tre được buộc một dải vải điều có ghi những lời cầu nguyện hoặc lời chúc năm mới bằng quốc ngữ. Một cái giỏ tre đựng cau trầu rượu và các phẩm vật khác theo phong tục từng vùng miền. Cây tre biểu tượng cho sức mạnh và tâm hồn VN, vững vàng trong mưa gió, giông bão…
Bình luận (0)