Như Thanh Niên thông tin, mặc dù quy định đã có, nhưng trên thực tế tiếng ồn vẫn “tra tấn” khắp nơi. Tại TP.HCM, về đêm rất nhiều quán cà phê, quán nhậu... chĩa loa hướng thẳng ra đường, mở nhạc công suất lớn nhằm thu hút, lôi kéo khách hàng. Nhiều gia đình là hàng xóm của các quán xá này liên tục bị tra tấn bởi tiếng ồn.
Để giải quyết nạn tiếng ồn “khủng bố” đòi hỏi phải triển khai những biện pháp cương quyết |
NHẬT THỊNH |
Trong khi đó, nói về việc xử phạt, ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết từ khi Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực đến nay, quận chưa xử phạt trường hợp nào theo phương pháp xác định tiếng ồn vượt quy chuẩn. Lý do, “vì muốn xử phạt phải đo tiếng ồn bởi đơn vị độc lập chứ không phải cầm máy xuống đo rồi xử phạt”.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết trên thực tế việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn còn bất cập do việc đo và phân tích âm thanh phải là đơn vị được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Nghị định 127/2014/NĐ-CP của Chính phủ; do vậy các cơ quan của quận không đủ thẩm quyền đo và phân tích âm thanh để có căn cứ xử lý vi phạm.
Trong khi nhiều nơi “than khó”, thì tại Đà Nẵng chính quyền cơ sở và cơ quan công an đã tiến hành kiểm tra, phạt nặng nhiều vụ việc vi phạm, mà “không có lấn cấn gì”. Điển hình, ngoài mức phạt 140 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày do vi phạm về độ ồn vượt quá quy chuẩn từ 20 đến dưới 25 dBA đối với quán TST Beer Garden (tại P.Thuận Phước, Q.Hải Châu) hồi cuối tháng 8.2022, ngày 24.1 Công an TP.Đà Nẵng cũng tham mưu UBND TP.Đà Nẵng ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng đối với chủ cơ sở kinh doanh M.N (tại P.Thuận Phước) do vi phạm về độ ồn vượt quy chuẩn...
Vì sao nơi làm được, nơi không ?
Đó là thắc mắc của nhiều bạn đọc (BĐ) trước nạn “khủng bố” tiếng ồn. BĐ Bao Water viết: “Xử lý như Đà Nẵng vừa rồi là đi vào lòng người: phạt 140 triệu và đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày”. Rồi BĐ này phản ánh chuyện cười không nổi: “Còn ở chỗ tôi từ sáng tới tối mở loa bán hàng, nhạc sàn “phá” bà con, người già 80 tuổi chịu không thấu phải làm phòng cách âm. Gọi ông 1022 từ 9 giờ sáng, ông 1022 gọi ông phường, ông phường gọi ông khu vực, tới chiều tầm 16 giờ mới thấy cửa hàng mở nhạc nó chửi đổng “đứa nào báo mở loa”… Sau đó nhận được tin nhắn từ ông 1022 đã xử lý, không có ai mở nhạc. Làm việc kiểu đó thì thua”.
TP.HCM là đô thị lớn nhưng tệ nạn ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, quán xá, nhà trọ công nhân… thật sự khủng khiếp. Mong cơ quan chức năng dẹp ngay vấn nạn này cho dân nhờ!
Quy Duong
Không chỉ riêng karaoke, tiếng pô xe gắn máy độ cũng khủng khiếp không kém.
Hoàng Nhựt Trần
Chỉ cái việc ô nhiễm tiếng ồn mà làm hoài không xong thì bao giờ mới bằng được Singapore?
Phuoc Trung Nguyen
Quy định thì không thiếu, chỉ thiếu người thực thi.
Tân Trần
BĐ khainguyen091757@gmail.com kể: “Bạn tôi sống ở nước ngoài nói rằng hầu hết khu dân cư đều tĩnh lặng. Nếu ai đó gây huyên náo, ầm ĩ thì cư dân chỉ cần báo cảnh sát. Họ đến ngay, lần đầu nhắc nhở, nếu còn tái phạm thì xử lý ngay lập tức. Họ đâu cần đem “máy đo tiếng ồn do Bộ TN-MT ký” để đo đâu? Chỉ cần lỗ tai người nghe không chịu nổi là đủ rồi”.
“Muốn làm thì sẽ tìm cách, không muốn làm thì viện lý do lý trấu. Cứ nhìn chính quyền Đà Nẵng là biết, họ làm rốt ráo, có viện dẫn “vướng mắc” gì đâu”, BĐ Phong ý kiến.
Cần quyết liệt và đồng bộ
Để sớm dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn, BĐ Lão Nông Tri Điền góp ý: “Cần có giải pháp tổng thể. Thứ nhất, các nhà đài từ T.Ư đến địa phương thường xuyên phát lời nhắc nhở mọi người không được mở âm thanh công suất lớn làm phiền hàng xóm, phải coi mở loa công suất lớn là vi phạm pháp luật; giao đoàn thanh niên, hội phụ nữ tổ chức vận động bà con không mở loa công suất lớn làm phiền mọi người. Thứ hai, thành lập tổ phản ứng nhanh xử phạt chủ cho thuê loa lẫn người hát karaoke gây phiền xóm làng khi có phản ảnh. Thứ ba, công chức, viên chức, người lao động… tại các cơ quan ký cam kết không để gia đình và bản thân vi phạm về tiếng ồn. Thứ tư, cơ quan chức năng tịch thu các xe kéo chở loa, xe tự chế lưu thông trên đường... Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tôi tin không gì là không thể. Việc cấm đốt pháo, chúng ta đã làm thành công, không lẽ lại bất lực trước vấn nạn karaoke gây ồn sao?”.
Trong khi đó, BĐ Han cho rằng: “Đà Nẵng có người dám chịu trách nhiệm và dám làm... Còn các địa phương khác thì chờ gì? Nếu không ai làm, vậy mời Đà Nẵng cho người tới hỗ trợ chống dịch “karaoke” này giùm”. Cùng quan điểm phải quy trách nhiệm cụ thể, BĐ Trí viết: “Có một thứ ô nhiễm nghiêm trọng hơn rất nhiều là nạn xả rác. Vấn nạn này kéo dài bao nhiêu chục năm nay mà không có ai bị phạt hay lực lượng thi hành công vụ là ai, chịu trách nhiệm thế nào, cũng không rõ ràng. Giờ ra đường đâu đâu cũng thấy rác, rác từ đường phố đến kênh rạch, kinh khủng là rác... Phải quy trách nhiệm cụ thể, với ô nhiễm tiếng ồn cũng vậy”.
Bình luận (0)