Tiếng thở dài giữa thịnh tình

05/04/2015 07:00 GMT+7

Dù tấm thịnh tình nước chủ nhà đối đãi đoàn nhà báo ASEAN đầy sự hào sảng, nhưng tôi vẫn gặp đâu đó trong đoàn những tiếng thở dài...

Dù tấm thịnh tình nước chủ nhà đối đãi đoàn nhà báo ASEAN đầy sự hào sảng, nhưng tôi vẫn gặp đâu đó trong đoàn những tiếng thở dài...

>> Ký sự trên đất Ấn

Người dân địa phương sống trong một khu ổ chuột tại thành phố Kolkata, trung tâm thương mại, tài chính và kinh doanh chính của khu vực đông Ấn Độ và các bang Đông Bắc  - Ảnh: ReutersNgười dân địa phương sống trong một khu ổ chuột tại thành phố Kolkata, trung tâm thương mại,
tài chính và kinh doanh chính của khu vực đông Ấn Độ và các bang Đông Bắc  - Ảnh: Reuters
Đoàn xe đưa phóng viên 9 nước Đông Nam Á (trừ Brunei) quay trở lại khách sạn sau khi kết thúc ngày cuối cùng của Đối thoại ASEAN - Ấn Độ (Đối thoại Delhi lần thứ 7) bị tắc lại trong giao thông hỗn loạn của New Delhi. 17 nhà báo trong đoàn vẫn chưa thể dứt ra khỏi đầu hàng loạt những tuyên bố, tham luận, hiến kế về chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ trong suốt hai ngày diễn ra đối thoại (11 - 12.3). Và có lẽ các nhà báo sẽ vẫn cứ miên man nghĩ về “Hướng Đông”, “Hành động hướng Đông” như cách tốt nhất để giết thì giờ nếu không có sự xuất hiện bất thình lình của những người ăn xin trên đường phố.

Chênh chao giàu - nghèo

Tranh thủ lúc giao thông tắc nghẽn, người ăn xin len lỏi vào từng khoảng cách những chiếc xe, hướng ánh mắt đau đáu vào bất cứ ai ngồi từ bên trong nhìn ra. Khoảng cách giữa họ và những người bên trong xe thật gần. Cũng thật gần là khoảng cách của đoàn xe báo chí ASEAN về khách sạn 5 sao Oreboi mà Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã chu đáo thu xếp. Gần đến mức những người ăn xin này chỉ cần hướng mắt lên một chút là đã có thể thấy được cái khách sạn sang trọng đó hiện ra lừng lững. Lừng lững như cái khoảng cách vênh vao giàu nghèo ở Ấn Độ, vẫn cứ đang lặng lẽ được phơi bày.

Từ cái khách sạn 5 sao này hay bất cứ chỗ sang trọng nào ở New Delhi, anh chỉ cần lái xe 5 phút là đã thấy được sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp đến mức nào

Rajeev Kaistha,
hướng dẫn viên du lịch

 “Từ cái khách sạn 5 sao này hay bất cứ chỗ sang trọng nào ở New Delhi, anh chỉ cần lái xe 5 phút là đã thấy được sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp đến mức nào”, ông Rajeev Kaistha, hướng dẫn viên du lịch, nói với PV Thanh Niên trong chuyến đi thăm các di tích lịch sử ở Delhi vào ngày 13.3.

Mới đây, Liên Hiệp Quốc cũng công nhận tình hình chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng gia tăng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trở thành thách thức to lớn đối với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, hay Indonesia.

Ông Kaistha đúc kết: “Chúng tôi hiểu rõ sự chênh lệch giàu nghèo giữa Old Delhi và New Delhi lớn đến mức nào. Nhưng chúng tôi đã chấp nhận nó từ lâu nay và sống với hiện tại của mình. Bằng lòng với khác biệt giữa Old Delhi và New Delhi cứ như là chấp nhận khác biệt giữa ông và cháu trong một đại gia đình”.

Khi đoàn đi qua khu Old Delhi, những hình ảnh hiện ra trước mắt bỗng nhiên giống đến lạ lùng những gì cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khắc họa trong bài hát Ghế đá công viên. Giữa một Delhi hiện đại và đang vươn mình phát triển, vẫn có thể thấy “người già co ro, chiều thiu thiu ngủ” hay “em bé lõa lồ, khóc tuổi thơ đi”. Để khi đoàn xe lướt thật nhanh qua họ, tôi biết sau lưng mình sẽ là những “người già ho hen, ngồi im tiếng thở” và “em bé lõa lồ, suốt đời lang thang”.

Câu hỏi ấy rơi vào thinh không

Ấn Độ tiếp đãi đoàn nhà báo ASEAN trọng thị đến mức không ít người trong cuộc phải thấy áy náy. Ăn ở sang trọng chỉ là một khía cạnh. Khi đoàn đến hai bang Assam và Meghalaya (thuộc vùng đông bắc, khu vực trọng yếu để kết nối Ấn Độ với ASEAN), còn có xe hộ tống dẫn đường và toàn được lãnh đạo cấp cao nhất tiếp.

Vừa đến Assam, đoàn được lãnh đạo bang mời dùng bữa tối trên sông. Xe hộ tống dẫn đoàn chạy rất nhanh khiến bụi mịt mù, bay phủ cả vào những gian hàng bán rau củ ven đường của người dân nghèo địa phương. Xe đoàn lao vun vút, nhưng tôi dường như cảm nhận được những ánh mắt có phần ngơ ngác sau lưng.

Để lên được chiếc thuyền ăn tối, đoàn phải đi ngang một bãi cát vắng vẻ nên thơ. Đây cũng là nơi tình tự của các cặp trai gái địa phương. Nhằm tiện lợi cho chúng tôi, đoàn xe hộ tống đã pha đèn rọi sáng cả bãi cát. Và khi phải đối diện những cặp mắt ngơ ngác của các đôi tình nhân bị “phá rối”, chúng tôi cũng chưa chắc giữa mình và những người trẻ đó, ai mới là người bối rối hơn. Một nhà báo nữ Singapore lầm bầm: “Làm ơn, tắt ngay mấy cái đèn pha đó đi”. Nhưng có lẽ vì giọng nhà báo này không đủ lớn, nên những lời ca cẩm đó chỉ có cát mịn dưới chân nghe thấy.

Bữa tối hôm ấy, nhiều thành viên trong đoàn báo chí nói với tôi họ có chung cảm giác lạo xạo trong miệng những hạt bụi mà vì để mở đường cho chúng tôi, đoàn xe hộ tống đã khiến chúng bay vào gian hàng rau củ của người dân bản địa.
 Người dân địa phương buôn bán quà lưu niệm tại thành phố Shillong (bang Meghalaya, thuộc vùng đông bắc Ấn Độ) - Ảnh: Sao Phal Niseiy Người dân địa phương buôn bán quà lưu niệm tại thành phố Shillong (bang Meghalaya, thuộc vùng đông bắc Ấn Độ) - Ảnh: Sao Phal Niseiy
Khi ra boong tàu ngắm sông về đêm, chúng tôi len lén nhìn về bãi cát xem có ánh mắt hằn học nào đang hướng về chiếc thuyền kiêu sa đang lừng lững trôi hay không.

Một nhà báo trong đoàn nói: “Tôi cứ mãi tự hỏi, với vai trò làm báo, chúng ta có cần phải được cho ở sang như thế, được đối đãi như yếu nhân như thế? Tôi rất quý lòng hiếu khách của chính phủ Ấn Độ và thiện ý của một vị chủ nhà muốn dành cho khách của mình những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng, để cho nhà báo “sướng” quá cũng là một cách làm “hư” nhà báo. Có ai trong chúng ta, sau một ngày trời rong ruổi qua các cuộc gặp gỡ với toàn quan chức, đã tự mình bỏ ra ngoài để tìm hiểu tâm tư và trò chuyện với người dân bản địa chưa? Tôi chắc là rồi trong đoàn nhà báo này, thế nào cũng sẽ có những tấm hình đầy hãnh diện trên Facebook về các cuộc gặp, về những chuyến đi, về những tiếp đãi. Thế nhưng, tôi vẫn cứ nghĩ rằng, đó chưa phải là một “chuyến đi” thực sự của một người làm báo”.
 Một em bé ăn xin trên đường phố thủ đô New Delhi - Ảnh: An Điền Một em bé ăn xin trên đường phố thủ đô New Delhi - Ảnh: An Điền
Trong buổi tiệc giao lưu vào ngày cuối cùng của chuyến thăm với các nhà báo địa phương tại phố núi mù sương Shillong (bang Meghalaya), không khí trao đổi tranh luận đang sôi nổi thì một nhà báo bản địa đứng dậy và đặt câu hỏi với cả đoàn: “Các bạn đã gặp, phỏng vấn người dân bản địa nào ở đây chưa, hay chỉ đi gặp toàn quan chức thôi?”. Câu hỏi ấy rơi vào thinh không. Không khí cũng bỗng nhiên trầm lắng hơn hẳn. Một số nhà báo ASEAN tìm đến khung cửa sổ của khách sạn sang trọng mình đang ở, nhìn xuống những mái nhà bên dưới, tự ngẫm về những phận người xác xơ bên trong.

Ngày tiếp theo, đoàn rời Shillong để đến Kolkata -  trung tâm thương mại, tài chính và kinh doanh chính của khu vực đông Ấn Độ - để từ đó mỗi thành viên quay về nước mình. Tại sân bay Kolkata, trong lúc chờ chuyến bay, chợt có một nhà báo lặng lẽ lấy ra những quyển sách ảnh mà lãnh đạo các địa phương tặng đoàn. “Nặng quá, mang về không nổi đâu”, anh này nói khi để chúng ở lại sân bay. Một nhà báo khác tiếp lời: “Sao lại bỏ ở đây, không nên. Tôi đã để lại trong phòng khách sạn. Làm vậy hành lý sẽ nhẹ hơn”.

Chắc hẳn hành trang về nước của những nhà báo đó sẽ nhẹ hơn. Nhưng cũng có nhiều nhà báo khác vẫn mang về hết những món quà kỷ niệm đó. Hành lý của họ sẽ trĩu nặng hơn, nhưng có lẽ không phải vì những quyển sách ảnh, mà còn vì cả những hình ảnh mắt thấy tai nghe bên lề các chuyến đi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.