Tối tối, khi hồi trống phát trên hệ thống loa truyền thanh vừa dứt cũng là lúc các em học sinh trên địa bàn xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) ngồi vào bàn học bài.
|
19 giờ, hệ thống loa truyền thanh của xã Nga Thạch bắt đầu phát đi một khúc nhạc dạo chừng một phút. Tùng! Tùng! Tùng!... Một hồi trống vang lên.
Tiếng trống vừa dứt, giọng phát thanh viên nam trầm ấm: “Hội khuyến học xã Nga Thạch xin thông báo: Đã đến giờ vào học buổi tối, yêu cầu các em học sinh vào góc họp tập của mình. Đề nghị các vị phụ huynh vặn nhỏ đài, ti vi, nói chuyện vừa phải để các cháu tập trung tư tưởng học tập. Xin chân thành cảm ơn!”.
Tiếp đó, nữ phát thanh viên “giọng chuẩn” đọc lại thông điệp này một lần nữa.
Chương trình truyền thanh đặc biệt chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 3 phút. Làng quê lại trở nên tĩnh lặng trong màn đêm.
Tại các ngõ xóm, các ông bố, bà mẹ tự giác vặn nhỏ ti vi trong khi các cô cậu học trò bắt đầu ngồi vào bàn học. Lũ trẻ lớp một ê a đánh vần. Học sinh cấp 2 và cấp 3 miệt mài với từng bài toán, câu văn, công thức hóa học...
Cán bộ khuyến học và giáo viên các trường tiểu học, THCS của xã được phân công phụ trách địa bàn từng xóm “dạo” qua khắp các ngõ, nhắc nhở học trò còn ở ngoài đường hay những gia đình còn mở ti vi to và nói chuyện ồn ào.
Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh xã Nga Thạch yêu mến gọi tiếng trống phát trên loa mỗi tối là tiếng trống hiếu học.
Mai Thị Hà Trang, học sinh lớp 9B Trường THCS Nga Thạch, cho biết: “Tiếng trống vang lên như một hiệu lệnh, một lời nhắc nhở. Nghe tiếng trống là cháu ngồi vào bàn học ngay. Các bạn của cháu cũng vậy. Những ngày mưa bão hoặc bị mất điện, không được nghe tiếng trống, chúng cháu cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó”.
“Cha đẻ” của tiếng trống hiếu học xã Nga Thạch là ông Phạm Xuân Phương, một thầy giáo về hưu. Năm 2009, Hội khuyến học xã Nga Thạch được thành lập, ông giáo Phương được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội. “Ông chủ tịch” ngay lập tức phát động phong trào tiếng kẻng học tập.
“Cả xã có 9 xóm. Mỗi xóm có một chi hội khuyến học. Mỗi tối, các chi hội cử người đánh kẻng nhắc nhở các cháu học sinh học bài”, ông Phương cho biết.
Tiếng kẻng đã phát huy tác dụng nhưng ông Phương nói rằng, theo thời gian, tiếng kẻng cứ mai một dần, hôm được, hôm mất.
Không chấp nhận để tiếng kẻng học tập chết yểu, ông Phương tham mưu và được lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đồng ý tổ chức thực hiện tiếng trống hiếu học trên hệ thống loa truyền thanh của xã.
Hội khuyến học ký hợp đồng với cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã, ghi tiếng trống hiếu học vào đĩa CD và phát lúc 19 giờ hằng ngày, liên tục 6 ngày/tuần, trừ tối thứ 7.
Theo ông Phương, tối thứ 7 là khoảng thời gian để các cháu học sinh thư giãn sau một tuần học tập nên tiếng trống hiếu học không vang lên trên loa.
Tiếng trống hiếu học đã tạo nên sức bật cho phong trào học tập của xã Nga Thủy. “Nhiều năm rồi, ở xã này không có cháu nào bỏ học giữa chừng. Năm học vừa qua, có 41 cháu, chiếm trên 50% số học sinh lớp 12 của cả xã thi đỗ đại học và cao đẳng, hàng trăm cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và cấp trường”, ông Phương khoe.
Theo ông Phương, trong 5 năm trở lại đây, xã có 1 học sinh giỏi quốc gia, 28 học sinh giỏi cấp tỉnh, 460 học sinh giỏi cấp huyện và 1.494 học sinh giỏi cấp trường.
Quang Duẩn
>> Lòng hiếu học nơi cõi chùa thanh tịnh
>> Chăm lo học sinh hiếu học
>> Biểu dương các gia đình hiếu học
>> Một dòng họ người Thái hiếu học
>> Vinh danh gia đình, dòng họ hiếu học
>> Học bổng cho học sinh hiếu học
Bình luận (0)