Những câu chuyện chủ nhà trọ tốt bụng, hào sảng không còn là chuyện mới mẻ, song sẽ không bao giờ dư thừa khi tiếp tục nói về những tấm lòng biết trao đi điều tốt đẹp, niềm tin, tình thương với những mảnh đời phải mưu sinh hối hả giữa thị thành.
Khoảng sân rộng mở
Ngoài đường, nắng tháng 5 hầm hập như đổ lửa, nhưng vào nhà trọ của vợ chồng cô Nguyễn Thị Phương Lân (74 tuổi) trên đường Huỳnh Tấn Phát (P.Tân Thuận Đông, Q.7) thì mát dịu, vì sân rất rộng và nhiều cây cối.
Vợ chồng cô Lân đều là người TP.HCM gốc. Cô chú vay ngân hàng xây trọ năm 2004 và cho thuê đến nay cũng đã gần 20 năm. Người thuê trọ quen gọi cô Lân là "bà Bảy" hơn, bởi bà Bảy hào sảng, tốt bụng và quan tâm người thuê lắm.
Chẳng nói đâu xa, hồi dịch Covid-19, suốt mấy tháng trời, sân rộng của nhà cô Lân lúc nào cũng có người vì đây coi như "điểm tập kết" lương thực, thực phẩm, từ rau củ đến gạo, mắm muối… để chuyển đi, phân phát cho bà con.
Những câu chuyện về các chuyến xe hàng hóa đến nửa đêm rồi chị em khu trọ cùng nhau phân loại, đóng gói hay những ngày cả khu trọ cùng nhau nấu cơm cho các bác sĩ quân y, tình nguyện viên tá túc ở đây để chống dịch… vẫn còn in trong trí nhớ của cô Lân.
Nhưng không phải đợi lúc bĩ cực như dịch dã thì khoảng sân nhà cô Lân mới rộng mở. Nơi đó vẫn là điểm sinh hoạt của khu trọ vào dịp đặc biệt suốt bao nhiêu năm qua, nơi mà cô Lân trao đi những gói quà, nhu yếu phẩm cho công nhân, các bao lì xì đỏ thắm cho các em nhỏ dịp lễ, tết; cũng là nơi để chính quyền địa phương xuống tuyên truyền, tư vấn pháp luật...
Với 3 dãy phòng trọ và 33 phòng, đa số người thuê trọ của cô Lân đều là công nhân đi làm ở khu chế xuất Tân Thuận (Q.7). Như chị Chi đã ở đây từ những ngày đầu phòng trọ mới xây; giờ chị đã 46 tuổi, may gia công tại nhà và tận dụng không gian nhỏ trước phòng để bán hàng tạp hóa. "Ở lâu tới vậy, nhưng bà Bảy chưa bao giờ lên giá phòng, còn lúc dịch dã, bà Bảy miễn, giảm tiền phòng mấy tháng nữa", chị Chi nói.
Còn cô Nhung (50 tuổi) ở cùng con cháu đều coi bà Bảy như người nhà. Đang cảnh gia đình khó khăn quá vì mất việc, hỏi bà Bảy đóng tiền nhà, bà Bảy liền xua tay "thôi khi nào có thì đóng, có ít đóng ít, cứ lo mà trang trải cuộc sống trước".
Những vị khách thuê chia sẻ công nhân di cư đến đây, thuê trọ rồi gắn bó luôn những 18, 19 năm, có trường hợp 3 thế hệ cùng chung sống, ấy cũng bởi vì "bà Bảy thương người lắm".
Tử tế giữa đời thường
Nhưng không chỉ mình cô Lân mang trong mình "chất ngọc" bình dị và tử tế giữa đời thường như thế. Rất nhiều chủ nhà trọ ở đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam này cùng vẽ nên bức tranh sinh động đáng quý về lòng hào hiệp, nghĩa tình.
Như "triết lý" sống của chủ nhà trọ Nguyễn Thị Tuyết Thương (đường Nam Hòa, P.Phước Long A, TP.Thủ Đức) rằng "sống là chia sẻ với nhau" và "hạnh phúc không phải khi mình có nhiều tiền" vậy.
Khu trọ của chị Thương có tới 120 phòng với hơn 200 người lao động (chủ yếu là nhập cư) thuê. Nhưng hơn 10 năm nay, tiền phòng luôn bình ổn, hồi dịch Covid-19, chị Thương còn miễn phí luôn tiền phòng, có nhu yếu phẩm gì cũng gửi các công nhân. Ước tính các khoản hỗ trợ lên tới 400 triệu đồng nhưng chị chủ trọ thấy chuyện đó "gọn hơ", không nề hà gì.
Gương mặt chị Thương lúc nào cũng hân hoan, nhiệt huyết. Tết thì loay hoay mấy ngày liền đi mua quà cho công nhân lao động; ngày thường thì cố gắng kết nối thêm nhà hảo tâm để hỗ trợ gia đình khó khăn rồi làm công tác "quản gia" khi đi từng phòng hỏi han công ăn chuyện làm, ai mất việc thì chị giới thiệu việc.
Hàng chục năm qua, TP.HCM đã triển khai vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn giảm hoặc không tăng giá nhà trọ. Đáng lưu ý, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp tại TP.HCM đã có nhiều hoạt động vận động giảm giá cho thuê phòng trọ để hỗ trợ cho công nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong đợt dịch Covid-19 và đạt được kết quả cao.
Như số liệu thống kê của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, tới tháng 9.2021, TP.HCM đã vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng. Hình ảnh các chủ trọ dán, treo biển thông báo giảm giá tiền thuê cho người lao động lan tỏa khắp các diễn đàn, góp phần đồng hành cùng chính quyền TP.HCM và san sẻ khó khăn với người lao động qua giai đoạn khó khăn, ác liệt của dịch bệnh.
Như gia đình của anh Nguyễn Văn Phú (quê Sóc Trăng) mất việc hồi trước tết 2023, hai vợ chồng còn con nhỏ nên đời sống rất khó khăn. Nhờ "mối mang", chị Thương giới thiệu ngay cho vợ anh Phú làm việc ở một trường mầm non, còn anh Phú thì làm bảo vệ cho một công ty gần nhà. Nhờ vậy mà gia đình trụ qua đợt đó, đời sống thậm chí dư dả hơn xưa. "Nhà tôi vượt qua khó khăn này cũng nhờ vào tấm lòng của bà chủ trọ", anh Phú chia sẻ.
Nhưng chị Thương lắc đầu khiêm tốn bảo việc làm của mình không thấm là đâu so với biết bao tấm chân tình của người dân ở Sài Gòn này với những hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế hơn mình.
Chị Thương nói mình cũng đã từng là công nhân, cũng đã từng mưu sinh, nên giờ thấy người lao động di cư đến và chọn nơi mình tá túc, chị "bắt gặp" mình trong đó. Chị thấy con người giữa gánh nặng áo cơm phải đối mặt hằng ngày, giữa những trăn trở, mong muốn được hỏi han… và chị hiểu là chị cần cho đi, chia sẻ…
Bình luận (0)