Nhưng làm sao để ước mơ ấy thành hiện thực, khi 4 chị em côi cút phải sống cùng ông bà ngoại ở một vùng quê nghèo khó với ngày hai bữa sắn khoai?
Năm 2002, bố của Nhật, ông Nguyễn Đức Em, là một giáo viên toán, bị tai nạn giao thông qua đời, cậu bé Nhật lúc ấy mới chỉ 5 tuổi. Đến năm 2009, mẹ Nhật cũng qua đời vì bị bệnh ung thư, để lại bầy con 4 đứa cho ông bà ngoại, trong đó cô con gái đầu lại bị bệnh bại não do di chứng chất độc da cam.
tin liên quan
Cậu bé 10 tuổi ước mơ làm CSGT trước lúc qua đời: 'Muốn ngồi trên mô tô'Do sức khỏe quá yếu nên cháu bé từng được Công an TP.Đà Nẵng giúp thực hiện ước mơ trở thành một CSGT đã qua đời.
Nhật là con trai thứ ba trong nhà. Những ngày ấy, mấy đứa trẻ sống như những cái rẫy khoai, mà nói như bà ngoại các em là chỉ biết “có gì ăn nấy”. Bài viết về gia cảnh của Nhật do tôi chấp bút cùng một đồng nghiệp ở Đài PT-TH Quảng Trị được đăng trên Báo Thanh Niên vào tháng 10.2009 đã gây xúc động mạnh cho bạn đọc. Và từ đó, với sự giúp đỡ nghĩa tình, cưu mang của rất nhiều nhà hảo tâm, mấy chị em Nhật đã vượt qua được một đoạn đời.
|
Mẩu đối thoại đầu tiên sau 7 năm gián đoạn từ Nhật là: “Cháu mừng quá, cháu muốn cảm ơn các cô chú ở Báo Thanh Niên thật nhiều. Cháu đã vượt qua được một giai đoạn, nhưng bây giờ phải “cày” tiếp mới có tiền ăn học, chú ạ”.
Hỏi ra mới biết, ngoài giờ lên giảng đường, Nhật phải đi phụ việc cho một quán ăn ở Huế, mỗi ngày đều đến tối mịt mới về. Cứ băn khoăn mãi với những câu hỏi vấn vương trong đầu, cô chị bệnh tật, đứa em còn nhỏ ở với ông bà ngoại đã già yếu, Nhật đi làm thêm kiếm tiền ăn học là phải rồi. Nhưng em sẽ sắp xếp cho việc học hành ra sao, khi sinh viên ngành y phải đối diện với áp lực học tập rất căng thẳng?
tin liên quan
Một ngày giúp nữ 9X xinh đẹp bị ung thư máu thỏa ước mơ làm cô giáoNữ sinh 19 tuổi Phạm Thị Huỳnh Nga, học khá giỏi suốt 12 năm liền nhưng bị ung thư máu và điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành cô giáo mầm non, được chơi đùa cùng với các bé thơ dễ thương.
Chia sẻ thông tin ấy với ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, một nhà hảo tâm từng đến thăm nhà của Nhật vào tháng 11.2009, ông Lợi vui lắm và gửi lời chúc mừng đến chàng trai rất ý chí Quang Nhật, nhưng tôi vẫn chưa dám mở miệng nói gì về sự giúp đỡ tiếp theo, để Nhật bớt khó khăn trong quá trình học tập.
Mười ngày sau, khi biết rằng mình khó có thể giữ mãi ý định ấy trong đầu, tôi đánh bạo trình bày với ông Lợi, để thêm một lần nữa Báo Thanh Niên làm cầu nối cho vòng tay nhân ái. Thật vui mừng là ông Lợi đồng ý ngay với một gói tài trợ học bổng dài hạn cho Nhật, đến khi ra trường: 5 năm học tiếp theo với 12 triệu đồng/năm. Bản tin trao học bổng cho sinh viên Nguyễn Đức Quang Nhật đăng ngày 24.12 vừa qua đã được ông Lâm Tấn Lợi chia sẻ ngay trên Facebook của mình!
|
Báo tin vui này đến Nhật, em gửi cho tôi một email, trong đó có những lời rưng rưng xúc động: “Cậu bé lớp 6 ngày nào những tưởng sẽ không được tiếp tục viết ước mơ đến trường. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các cô chú ở Báo Thanh Niên đã giúp sức viết bài để kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, nên cháu mới được như ngày hôm nay…
Cháu tiếp nhận sự hỗ trợ ấy, như được tăng thêm một sức mạnh để quyết tâm học hành và thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ trong tương lai. Cháu vô cùng cảm ơn Báo Thanh Niên và bạn đọc của báo, đặc biệt là ông Lâm Tấn Lợi - Võng xếp Duy Lợi, đã giúp đỡ rất nhiều, để cháu viết tiếp được ước mơ của mình…”.
Bây giờ thì Nguyễn Đức Quang Nhật đã yên tâm ngày ngày lên giảng đường học tập. Những khó khăn phần nào đã lùi lại sau lưng. Và Thanh Niên lại tiếp tục miệt mài làm cầu nối kêu gọi bạn đọc dang tay giúp đỡ các phận người gian lao, khó khăn khác trong đời...
Bình luận (0)