Dần hình thành thói quen 'đã uống không lái'
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông thuộc Cục CSGT (C08) Bộ Công an, cho biết với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã tăng cường, kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn để hình thành cho người dân thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe". Việc hình thành thói quen này cho nhân dân là mục đích cao nhất, và cần phải duy trì thói quen này.
Theo đại tá Nhật, những vụ tai nạn giao thông nguyên nhân chính và chủ yếu là do rượu bia. Khi uống rượu bia, người điều khiển phương tiện không còn tỉnh táo để làm chủ phương tiện, tốc độ, không đi đúng được phần đường của mình và bất tuân các quy tắc giao thông, từ đó gây tai nạn hoặc tự tai nạn.
"Thói quen uống rượu bia rồi vẫn lái xe của người Việt đã tồn tại từ rất lâu. Vui uống, buồn cũng uống, ngày lễ tết cũng uống. Đáng nói, thói quen ở đây là đến hàng quán, nơi nhậu thì đi xe cá nhân, sau đó lại đi về nhà hoặc đi công việc sau khi có hơi men, đây là nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông rất lớn", đại tá Nhật chia sẻ.
Tín hiệu tích cực sau tháng cao điểm xử phạt nồng độ cồn ở TP.HCM
Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm, qua đó phạt hơn 6.576 tỉ đồng, tước 664.197 giấy phép lái xe và tạm giữ hơn 1 triệu phương tiện các loại. Trong đó, có tới hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 462.000 người so với năm 2022.
Từ việc tăng cường xử lý nồng độ cồn, tai nạn giao thông đã được kéo giảm đáng kể so với năm 2022. Cụ thể, giảm 5,5%, giảm hơn 1.900 người chết và giảm hàng ngàn người bị thương.
"Con số này thực sự có ý nghĩa, đồng nghĩa với đó là tết này gần 2.000 gia đình không phải đón xuân trong tang tóc, mấy nghìn đứa trẻ có đủ cha lẫn mẹ, mấy nghìn gia đình nội ngoại có đủ dâu, rể và hàng người không vướng vòng lao lý vì gây ra tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia", đại tá Nhật cho hay.
Đánh giá về công tác năm 2023, đại tá Nhật cho rằng năm qua là một năm thành công của lực lượng CSGT. Người dân đã thay đổi nhiều về tư duy, nhận thức và đã dần hình thành thói quen "đã uống không lái" trong nhân dân, lực lượng CSGT sẽ cố gắng hơn nữa để mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình hơn.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm tới
Trong năm 2023, việc lực lượng CSGT toàn quốc đẩy mạnh, kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn được người dân rất hưởng ứng và lan tỏa mạnh trên những nền tảng mạng xã hội. Để có những tín hiệu tích cực này, đại tá Nhật cho hay, lực lượng CSGT đã làm được rất nhiều. Trong đó, C08 đã tham mưu cho Bộ Công an để Bộ tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 23, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10 về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới với việc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Theo đại tá Nhật, với kinh nghiệm từ những năm trước, trong năm 2024, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục duy trì kết quả, nề nếp và sẽ xử lý kiên quyết, không vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ cũng như không can thiệp, tác động xin xỏ.
Đại tá Nhật cho hay, lực lượng CSGT sẽ xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ năm 2024 mà trong thời gian tiếp theo nữa, đến khi nào tạo thành thói quen cho nhân dân.
TP.HCM: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, lãnh đạo phải kiểm điểm
"Chúng tôi không đặt nặng vấn đề xử phạt mà phải làm sao kiểm tra, kiểm soát để tạo cho người dân thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe", đại tá Nhật cho hay.
Tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn đã kéo giảm, hiện kiểm tra hàng trăm người thì mới phát hiện một vài trường hợp vi phạm, song lực lượng CSGT sẽ vẫn duy trì trong cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, mùa lễ hội. Đại tá Nhật cho hay, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CSGT trong năm 2024 và những năm tới.
Xử lý nghiêm người cản trở, chống đối
Theo đại tá Nhật, quá trình lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng gặp nhiều trở ngại, nhiều cán bộ đã bị thương. Khi cơ thể có hơi men thì tinh thần con người rất dễ bị kích động, hay phát sinh những hành vi phản kháng, không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng, thậm chí là chống đối người thi hành công vụ.
Ví dụ như trường hợp Dũng Salon (tức Phạm Trung Dũng, 37 tuổi, H.Tứ Kỳ, Hải Dương) bị Công an Q.Ngô Quyền khởi tố về tội chống người thi hành công vụ vì không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn, còn yêu cầu kiểm tra giấy tờ, máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT rồi quay video phát lên mạng xã hội gây dư luận trái chiều.
Hay trường hợp Phạm Đình Huân (20 tuổi, trú H.Phú Xuyên, Hà Nội) bị Công an tỉnh Hà Nam khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người sau khi lái ô tô tông bị thương 2 CSGT đang kiểm soát nồng độ cồn, rồi bỏ chạy.
Theo đại tá Nhật, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm đúng nhiệm vụ, thẩm quyền nhưng việc kiểm tra thì phải những người có thẩm quyền. Người dân cần hiểu và phân biệt rõ thế nào là giám sát, kiểm tra để tránh gây cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Những trường hợp dùng đủ chiêu trò để cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ sẽ bị xử lý nghiêm.
Bình luận (0)