Sáng 15.3, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã ký văn bản gửi Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục rà soát hồ sơ lưu trữ 2 trường hợp nhầm con hy hữu.
Chị Lê Thanh Hiền, sống cùng cha mẹ đến năm 27 tuổi mới phát hiện mình không phải con đẻ của bố mẹ - Ảnh: Lê Nam |
Theo văn bản này, từ 13.5.2013, chị Lê Thanh Hiền đến nhà hộ sinh Đống Đa đề nghị giúp tìm hiểu thông tin về mẹ của chị là bà Phạm Tuyết Hoa, sinh tại nhà hộ sinh Đống Đa vào ngày 12.12.1987. Theo chị Hiền, chị đi làm xét nghiệm ADN, kết quả khẳng định chị không phải con đẻ của bà Phạm Tuyết Hoa.
Sau khi tiếp nhận đơn đề nghị của chị Hiền, Trung tâm Y tế Q.Đống Đa chỉ đạo Nhà hộ sinh Đống Đa tra hồ sơ, kết quả tra cứu từ sổ đẻ lưu cho biết: Sản phụ Phạm Tuyết Hoa, 25 tuổi ở tập thể Yên Lãng, đến nhà hộ sinh Đống Đa sinh con vào lúc 1 giờ 25 phút ngày 12.12.1987. Đến 4 giờ 35 phút cùng ngày sinh một bé gái nặng 2,9 kg.
Theo ghi chép, từ ngày 8 - 12. 12.1987 có 24 sản phụ đẻ. Tuy nhiên vì thời gian đã 26 năm nên các cán bộ y tế công tác tại nhà hộ sinh không nhớ được thông tin gì. Tháng 10.2014, Trung tâm Y tế Q.Đống Đa đã liên hệ và thông báo cho chị Lê Thanh Hiền về kết quả tìm kiếm thông tin theo đề nghị của chị.
Với trường hợp thứ hai, ngày 20.10.2015 Sở Y tế nhận được đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, ở Quán Thánh, Ba Đình) có nội dung: Ngày 10.10.1974, bà Hạnh sinh con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình (tại ngõ Phan Huy Ích). Sau khi sinh, 2 mẹ con bà được đánh cùng số 33, hôm sau lên phòng chăm sóc trẻ cho con bú thì được giao cháu bé đánh số 32. Bà cho rằng nhầm con và cùng nhân viên y tế kiểm tra lại tất cả trẻ sơ sinh đang được chăm sóc tại nhà hộ sinh nhưng không có trẻ nào có số 33.
Từ đó đến nay bà Hạnh nuôi dưỡng đứa trẻ mang số 32 nhưng linh cảm mách bảo đứa trẻ bà nuôi không phải là con đẻ của mình. Với nghi vấn “nhầm con”, tháng 9.2015, bà Hạnh đã đến trung tâm phân tích ADN và cho ra kết luận đứa trẻ không phải là con đẻ của bà. Vì vậy bà làm đơn trình bày đề nghị Sở Y tế Hà Nội giúp tìm lại con ruột.
Sau khi nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế Q.Ba Đình rà soát hồ sơ lưu trữ, liên hệ và tìm kiếm thông tin từ những cán bộ y tế làm việc tại nhà hộ sinh Ba Đình giai đoạn 1974-1975.
Sau thời gian tích cực rà soát và tìm kiếm thông tin nhưng không có kết quả (do thời gian quá lâu, nhà hộ sinh Ba Đình đã chuyển sang địa điểm mới, hồ sơ đã hết hạn lưu trữ và những cán bộ y tế công tác tại nhà hộ sinh thời điểm đó không có bất cứ thông tin nào liên quan), vì vậy, ngày 24.11.2015, Trung tâm Y tế Q.Ba Đình đã có văn bản thông báo với việc giải quyết đơn tìm con thất lạc với bà Nguyên Thị Mai Hạnh.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, đây là hai trường hợp hy hữu xảy ra đã lâu (42 năm, 29 năm), việc tìm thông tin manh mối rất khó khăn. Vì nhà hộ sinh Ba Đình không còn hồ sơ (hết hạn lưu trữ theo luật định), nhà hộ sinh Đống Đa còn lưu sổ đẻ nhưng việc tìm thông tin về những bà mẹ sinh con trong cùng khoảng thời gian rất khó (do thay đổi nơi sinh sống), nếu có tìm thấy cũng phải được họ hợp tác; cán bộ y tế làm việc tại Nhà hộ sinh thời gian trước đã mất hoặc không nhớ được thông tin gợi ý cho việc tìm kiếm.
Tuy nhiên, với tinh thần chia sẻ cũng như thể hiện tính nhân văn trong giải quyết đề nghị của bà Hạnh, chị Hiền, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế Q.Ba Đình, Đống Đa tiếp tục rà soát một lần nữa hồ sơ lưu trữ, động viên cán bộ y tế thời kỳ đó cố gắng nhớ lại thông tin liên quan về những trường hợp sinh đẻ cùng thời gian với bà Hạnh, mẹ chị Hiền.
Bình luận (0)