Tiếp tục tăng giá điện, liệu có thỏa đáng?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
31/07/2023 06:33 GMT+7

Mới tăng giá điện chưa đầy 3 tháng, Tập đoàn điện lực Việt Nam mới đây lại kiến nghị tiếp tục sớm điều chỉnh giá bán điện trong thời gian tới nhằm đảm bảo cân đối tài chính.

Thiếu hụt 22.000 tỉ đồng trong năm nay?

Tại hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050" do Hiệp hội Năng lượng VN tổ chức cuối tuần qua, Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã có những ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho tập đoàn này. Cụ thể, tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện, theo biến động các thông số đầu vào, nhằm bảo đảm cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, EVN mong muốn Chính phủ và các bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là "do thực hiện chính sách".

Tiếp tục tăng giá điện, liệu có thỏa đáng?  - Ảnh 1.

Ngành điện vẫn đang chật vật với khó khăn, dẫn đến khả năng tiếp tục tăng giá điện

ĐỘC LẬP

Từ ngày 4.5.2023, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh đã giúp EVN tăng doanh thu thêm khoảng 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022. Bên cạnh đó, năm nay, ngành vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ giá đồng USD vẫn đang ở mức cao, khiến các nhà cung cấp than trong nước dự kiến chỉ cấp nguồn than pha trộn có giá bán cao, hạn chế cấp than sản xuất trong nước; nguồn thủy điện có giá thấp nhưng tỷ trọng lại giảm dần do hiện tượng El Nino. 

Bản tham luận của EVN tại hội thảo nhấn mạnh: "Nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì dự kiến bắt đầu từ tháng 7 - 12, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện. Thời gian tới, EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy phát điện, do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện".

Theo báo cáo của EVN hồi tháng 6, trong 5 tháng đầu năm, công ty mẹ EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 36.305 tỉ đồng. Nếu tình hình thủy văn tiếp tục diễn biến bất lợi, giá các loại nhiên liệu vẫn giữ như hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp thì dự kiến cả năm 2023 EVN sẽ lỗ khoảng 51.468 tỉ đồng; tổng lũy kế số lỗ cả năm 2022 - 2023 là gần 78.000 tỉ đồng. Việc tiếp tục lỗ khiến EVN gặp nhiều khó khăn, dự kiến từ tháng 7 năm nay, tập đoàn sẽ bị thiếu hụt dòng tiền có thể lên tới trên 9.000 tỉ đồng và đến cuối năm 2023 sẽ thiếu hụt dòng tiền khoảng 22.000 tỉ đồng. Do không cân đối được tài chính, nên năm nay, tập đoàn tiếp tục cắt giảm chi phí sửa chữa lớn. Trước đó, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10 - 50%. Việc sửa chữa tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.

Trước đề xuất tăng giá điện nói trên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng việc EVN muốn tăng giá điện theo biến động các thông số đầu vào cũng hợp lý, nhưng trước tiên, cần minh bạch các con số đầu vào. Nếu kiểm toán, thanh tra làm rõ số lỗ là do khách quan thì buộc phải tăng giá điện. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi tại sao đang lỗ triền miên mà chi lương bổng của ngành này lại cao đến vậy. Số liệu từ báo cáo tài chính đối với các công ty con của EVN cho thấy tiền lương công nhân ngành này trên dưới 30 triệu đồng/tháng từ năm 2011.

Thứ hai, EVN kiên quyết xin tăng giá điện lúc này rất dễ tạo cú sốc cho doanh nghiệp và người dân bởi nền kinh tế năm nay quá nhiều khó khăn. Đơn hàng doanh nghiệp giảm, người lao động thất nghiệp, vật giá thực phẩm thiết yếu tăng chưa thấy điểm dừng… Thứ ba, việc người dân phản đối giá bán điện sinh hoạt đang bù cho giá điện sản xuất, đến nay chưa cơ quan nào, đơn vị nào đứng ra điều chỉnh, sửa đổi. Trong khi điện dành cho sản xuất chiếm phần lớn lượng điện tiêu thụ. "Theo tôi cũng như ý kiến của một số đại biểu mới đây, đề nghị thanh tra toàn diện ngành điện, làm rõ các chi phí của ngành điện trước khi yêu cầu tăng", ông Phú nêu quan điểm.

Chưa thỏa đáng, nhưng...

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong thực tế không ai muốn tăng giá điện. Giá điện do nhà nước quyết định trong khi EVN cũng là doanh nghiệp nên không thể có chuyện buộc bán điện thấp hơn giá vốn để rồi phải bù lỗ. Song cuộc chơi cần có sự công bằng, sòng phẳng hơn. Đó là khi Chính phủ đã để EVN độc quyền phân phối điện thì phải có cơ chế để giá bán bảo đảm doanh nghiệp không phải gồng lỗ kéo dài hay tăng giá điện vô tội vạ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nói việc tăng giá điện vì chi phí sản xuất tăng, nếu hợp lý thì không có gì để bàn. Hơn nữa, theo quy định, 6 tháng xem xét điều chỉnh tăng giá 1 lần và thẩm quyền của EVN có quyền tăng 3%. Như vậy, giá điện mới tăng từ ngày 4.5 vừa qua thì đến tháng 11 có thể điều chỉnh giá lần nữa. Tuy nhiên, theo ông, tăng giá điện lúc này thỏa đáng theo quy định, nhưng chưa thỏa đáng theo thực tế. Bởi chuyện lỗ lãi đến nay vẫn chưa được làm rõ và chưa thuyết phục được số đông.

Ở góc nhìn khác, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, đánh giá: EVN cũng đã chủ động công bố thông tin, là doanh nghiệp độc quyền của ngành và không được quyết định giá điện mà do cơ quan quản lý nhà nước quyết. Thế nên, phải đủ chi phí thì doanh nghiệp mới tồn tại. Nếu để lỗ chồng lỗ kéo dài, sẽ bị nén như lò xo rất nguy hiểm. 

Tuy vậy, thông tin của EVN có đúng hay không thì phải có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Cụ thể ở đây là cần cơ quan kiểm toán độc lập vào kiểm toán, xác định giá đầu vào thế nào, tiết kiệm ra làm sao, bao nhiêu phần trăm là lỗ do khách quan, bao nhiêu phần trăm lỗ vì chủ quan. Sau khi có báo cáo đánh giá, kiểm tra của kiểm toán, Bộ Công thương mới họp báo công bố kết luận kiểm tra, kiểm toán. Kế đó, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đưa ra ý kiến và cho phép có điều chỉnh giá hay không.

Chẳng hạn, sau khi EVN công bố kết quả kinh doanh có giá thành 5 đồng vì đầu vào biến động, nhưng kiểm toán chỉ xác nhận giá đầu vào 4 đồng thôi, từ đó, cơ quan chức năng sẽ dựa trên kết luận của kiểm toán để xác định đúng giá. Sau đó, mới chuyển đến cơ quan chức năng thẩm định lại nhằm đánh giá mức độ kinh doanh lỗ lãi thế nào và bước cuối cùng là công bố, quyết định cho điều chỉnh giá hay không. 

"Các công đoạn trong quá trình này cần công khai minh bạch để người dân nắm rõ vấn đề. Như vậy, việc tăng giá điện hay giảm giá điện lúc đó không còn là vấn đề bức xúc nữa", PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Ngành điện đã thực sự công khai, minh bạch thông tin để người dân, doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền cao hơn thực hiện quyền kiểm tra, giám sát thường xuyên hay chưa?. Nếu chưa rõ ràng, công khai minh bạch, làm sao nói tôi lỗ, tôi tăng giá là được?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.