Tiền điện mỗi gia đình sẽ tăng bao nhiêu khi EVN tăng giá bán lẻ điện?

04/05/2023 21:00 GMT+7

Giá điện bán lẻ bình quân tăng 3% so với mức hiện hành thì tiền điện của hộ sản xuất tăng thêm 307.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh, dịch vụ tăng thêm 141.000 đồng/tháng; hộ sử dụng điện sinh hoạt 50 kWh/tháng chỉ tăng thêm 2.500 đồng/hộ.

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều nay 4.5, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã thông tin về những tác động của quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920,3732 đồng/kWh, tương đương mức tăng 3% so với giá hiện hành.

Tiền điện mỗi hộ gia đình sẽ tăng bao nhiêu khi EVN tăng giá bán lẻ điện? - Ảnh 1.

Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chia sẻ với báo chí về tác động của quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân

PHAN HẬU

Ông Võ Quang Lâm cho biết, mức tăng này sẽ tác động không nhiều đến khách hàng đang mua điện trực tiếp từ EVN.

Trong cơ cấu khách hàng sử dụng điện của EVN, hiện có 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng đang trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng; sau khi tăng giá, tiền điện mỗi hộ tăng thêm 141.000 đồng/tháng.

Đối với nhóm hộ sản xuất, EVN có trên 1,8 triệu hộ, bình quân mỗi tháng đang trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng; sau khi tăng giá, tiền điện phải trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Trong nhóm khách hàng là các đơn vị hành chính, sự nghiệp, EVN đang có 662.000 khách hàng, bình quân mỗi tháng đang trả tiền điện ở mức 2,01 triệu đồng/tháng; sau khi tăng giá, tiền điện phải trả thêm là 40.000 đồng/tháng.

Cũng theo ông Võ Quang Lâm, theo tính toán của EVN, mức tăng 3% tác động không nhiều đến các hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Cụ thể, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ. Số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ. Số hộ sử dụng điện từ 51 - 100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ. Số hộ sử dụng điện từ 101 - 200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ. Số hộ sử dụng điện từ 201 - 300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ. Số hộ sử dụng điện từ 301 - 400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, cũng cho biết theo tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), nếu kịch bản giá điện tăng 5% sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,17%. Tuy nhiên, giá điện được điều chỉnh tăng 3% thì tác động rất nhỏ đến CPI.

Cũng theo ông Nam, nếu nhìn vào tác động đến một số mặt hàng thì tăng giá điện ảnh hưởng không nhiều đến sắt, thép, chỉ chiếm khoảng 0,16% giá thành; xi măng chiếm khoảng 0,45% giá thành; mặt hàng giấy nói chung chiếm khoảng 0,4% giá thành.





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.