Lãnh đạo EVN nói gì về quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân?

04/05/2023 18:32 GMT+7

Tăng giá bán lẻ điện bình quân chỉ là một trong rất nhiều giải pháp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai để giảm bớt khó khăn về tài chính khi trong năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỉ đồng.

Chiều 4.5, tại Hà Nội, EVN tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân tăng lên 3% so với mức giá hiện hành.

Lãnh đạo EVN nói gì về quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân? - Ảnh 1.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% giúp EVN giảm bớt khó khăn khi năm 2022 lỗ 22.462 tỉ đồng

TN

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920,3732 đồng/kWh, tăng 3% so với mức giá hiện hành sẽ giúp tổng doanh thu của tập đoàn trong năm nay tăng thêm khoảng 8.000 tỉ đồng. Nhưng khoản tài chính tăng thêm từ tăng giá điện này có góp phần giảm thiểu khó khăn cho EVN khi năm 2022 đã lỗ 26.462 tỉ đồng,

Theo ông Nam, tăng giá điện chỉ là một trong nhóm các giải pháp để giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN và bản thân tập đoàn này đã thực hiện nhiều giải pháp nội tại để cắt giảm chi phí.

Cụ thể, nếu năm 2022, các giải pháp tiết kiệm giúp chi phí của EVN giảm được 10% thì năm nay phải tăng lên 15%; các khoản sửa chữa lớn năm 2022 đã cắt giảm 30% thì năm nay sẽ giảm 40%; chi phí nhân công, tiền lương cũng phải cắt giảm. Ngoài ra, EVN đang thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện; huy động tối đa nguồn điện giá rẻ để đảm bảo cung ứng điện cho đất nước.

Ông Nam cho biết, EVN đang làm việc với nhà cung ứng nguyên liệu khí, than để giảm giá nguyên liệu đầu vào sản xuất điện cũng góp phần giảm chi phí đầu vào của tập đoàn; tiếp tục đàm phán các nhà đầu tư năng lượng tái tạo để điều chỉnh giá mua điện, để hài hòa lợi ích. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm bằng các khoản giảm phí, lệ phí.

"Bằng các biện pháp như vậy, khó khăn về tài chính của EVN sẽ giảm được rất nhiều", ông Nam nói.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Nam, quyết định tăng giá bán lẻ điện lần này không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bởi theo kịch bản, giá điện bán lẻ bình quân nếu tăng 5% thì CPI tăng 0,17% nhưng giá điện tăng 3% thì CPI tăng thấp hơn.

Sáng cùng ngày, EVN đã phát đi thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể theo Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27.4, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ ngày 4.5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Trước đó, ngày 31.3, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Điều này dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỉ đồng.

Xem nhanh 20h ngày 4.5: Tổng hợp tin tức đáng chú ý trong ngày

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.