Sáng 27.11, với 443/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua luật Công đoàn sửa đổi, có hiệu lực từ 1.7.2025. Tại dự thảo luật vừa được thông qua, Quốc hội thống nhất tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%.
Theo đó, luật quy định, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Cùng đó, luật sửa đổi cũng không quy định cụ thể tỷ lệ phân chia 75%/25% (75% để lại công đoàn cơ sở, 25% nộp về công đoàn cấp trên - PV) như các dự thảo trước đó mà giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thẩm quyền phân cấp thu và phân phối kinh phí công đoàn.
Luật vừa thông qua cũng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ. Tổ chức công đoàn các cấp thực hiện công tác kế toán, thống kê, báo cáo, quyết toán tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
So với luật hiện hành, luật bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ 2 năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, định kỳ 2 năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khoản thu kinh phí công đoàn 2% là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Có ý kiến đề nghị quy định về kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp dưới 500 người lao động là 2%; đối với doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người là 1,5%; đối với doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%, để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, kể từ khi có luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục, việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.
Mặt khác, kinh phí công đoàn được sử dụng phần lớn tại cơ sở (hiện nay là 75%) để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Doanh nghiệp có càng đông công nhân lao động thì càng cần nhiều kinh phí để chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc duy trì kinh phí công đoàn cũng là nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua công đoàn. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục quy định khoản thu kinh phí công đoàn 2%.
Các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
Dự thảo luật vừa được thông qua cũng bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo đó, luật Công đoàn sửa đổi quy định, doanh nghiệp thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn. Doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
Doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
Bình luận (0)