Nghiên cứu vừa được công bố trên tập san eLife cho biết những người sống trên 105 tuổi thường có một nền tảng di truyền độc đáo, giúp cơ thể họ tự sửa chữa DNA hiệu quả hơn, từ đó tránh được nhiều căn bệnh liên quan đến tuổi tác, chuyên trang ScienceDaily đưa tin.
Thành viên nhóm nghiên cứu, phó giáo sư Paolo Garagnani, chuyên gia về y học thực nghiệm tại Đại học Bologna (Ý), giải thích: “Lão hóa là một yếu tố nguy cơ phổ biến, có thể làm khởi phát nhiều loại bệnh”.
Trước đó, chuyên gia Garagnani và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu với sự tham gia của 81 tình nguyện viên “siêu thọ” (từ 105 tuổi trở lên). Các chuyên gia đã tiến hành giải trình tự bộ gien của nhóm người này và so sánh với bộ gien của 36 người khỏe mạnh khác, có độ tuổi trung bình là 68 tuổi.
Sau đó, nhóm nghiên cứu còn kiểm tra chéo kết quả trên với dữ liệu di truyền từ một nghiên cứu đã được công bố trước đó, có sự tham gia của 333 người Ý trên 100 tuổi và 358 người khoảng 60 tuổi.
Kết quả cuối cùng cho thấy ở những người sống trên 105 tuổi, nhóm nghiên cứu xác định được một số thay đổi di truyền liên quan đến 2 gien COA1 và STK17A.
Trong đó, STK17A liên quan đến 3 lĩnh vực quan trọng đối với sức khỏe của tế bào là điều phối phản ứng của tế bào đối với tổn thương DNA, loại bỏ tế bào bị tổn thương và quản lý lượng ô xy phản ứng nguy hiểm trong tế bào. Đây là những quá trình quan trọng liên quan đến sự khởi phát và phát triển của nhiều loại ung thư.
Còn gien COA1 được coi là “chìa khóa” để duy trì sự kết nối bình thường giữa nhân tế bào và ty thể, vốn được xem là nhà máy năng lượng của tế bào. Rối loạn chức năng ty thể được xem là yếu tố chính dẫn đến lão hóa.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những người trên 105 tuổi cũng có ít đột biến gien hơn so với nhóm đối chứng, từ đó cũng tránh được nhiều nguy cơ bệnh tật do tuổi tác, trong đó có bệnh tim.
Bình luận (0)