Vào mùa hè năm 2021, ông Florentino Rios đang làm việc tại SpaceX, công ty tên lửa của tỉ phú Elon Musk.
Khi đang cách mặt đất hơn 6 m, ông đã ra hiệu cho người điều khiển cần cẩu ngừng di chuyển. Nhưng người này đã không nhìn thấy ông ra hiệu.
Người điều khiển đã cố gắng di chuyển một thanh xà sau khi nó đã được cố định vào đúng vị trí, khiến một sợi dây xích bị đứt và đập thẳng vào mặt ông Rios.
“Tôi không thể nhìn thấy gì nữa. Vì vậy, tôi đã hét lên với bạn mình rằng ‘Tôi bị mất mắt, tôi bị mất mắt rồi’ và anh ấy không trả lời tôi vì anh ấy cũng bị đánh trúng".
Ông Rios đến bệnh viện ngay đêm đó. Vài ngày sau, các bác sĩ cho biết mắt ông đã bị mất thị lực. HIện nay, ông bị mù và không thể lái xe hay làm công việc xây dựng được nữa.
Ông nói SpaceX lẽ ra nên trang bị cho nhóm bộ đàm và hệ thống chiếu sáng tốt hơn tại địa điểm này.
"Điều tôi thấy khi làm việc tại SpaceX là nó không đủ an toàn", ông Rios nói.
Ông Rios không phải là nhân viên SpaceX bị thương nặng duy nhất.
Theo một cuộc điều tra của hãng tin Reuters, công ty này đã coi thường các quy định và tiêu chuẩn về an toàn lao động trong suốt nhiều năm.
Thông qua hồ sơ và các cuộc phỏng vấn của chính phủ, Reuters đã ghi nhận hơn 600 trường hợp bị thương kể từ năm 2014. Nhiều người bị thương nặng hoặc bị tàn tật, bao gồm các vết rách, gãy xương, dập nát bàn tay và chấn thương ở đầu. Tám vụ tai nạn dẫn đến phải cắt cụt chi. Một nhân viên đã chết vào năm 2014.
Ông Lonnie LeBlanc đã qua đời vì chấn thương ở đầu sau khi bị một luồng gió mạnh thổi bay khỏi xe kéo tại cơ sở SpaceX ở McGregor (bang Texas, Mỹ).
SpaceX đã không trả lời các câu hỏi chi tiết từ Reuters về báo cáo này.
SpaceX cho biết đã chứng minh các biện pháp an toàn của mình trong các cuộc thanh tra của chính phủ. Công ty cho biết họ cung cấp đào tạo chuyên sâu về an toàn cho người lao động.
Reuters đã phỏng vấn 30 người có hiểu biết về các biện pháp an toàn của SpaceX, bao gồm cả nhân viên hiện tại lẫn cựu nhân viên. Họ cho rằng tỷ lệ thương tích cao phản ánh tình trạng hỗn loạn ở nơi làm việc.
Những nhân viên chưa được đào tạo bài bản và quá mệt mỏi thường xuyên bỏ qua các quy trình an toàn cơ bản khi họ phải chạy đua với thời hạn gấp gáp của ông Musk cho các sứ mệnh không gian.
Theo hơn một chục nhân viên và cựu nhân viên, bao gồm cả một cựu giám đốc điều hành cấp cao, SpaceX giữ quan điểm rằng người lao động có trách nhiệm tự bảo vệ mình.
Trong khi đó, bản thân tỉ phú Musk tỏ ra không mấy quan tâm vấn đề an toàn khi đến thăm các địa điểm của công ty.
Một số nhân viên cho biết vị Giám đốc điều hành, trong những chuyến thăm nhà máy tên lửa ở California, đôi khi chơi với một loại súng phun lửa mới lạ có thể bắn ra ngọn lửa dày dài 1,5 hoặc 3 m.
Ông cũng không khuyến khích công nhân mặc đồ màu vàng an toàn vì ông ghét màu sáng.
Kể từ khi thành lập vào năm 2002, SpaceX đã đạt được những bước đột phá lớn, trong đó có việc trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa con người vào quỹ đạo.
Hiện nay, công ty có khoảng 13.000 nhân viên. Hơn 600 trường hợp bị thương ở SpaceX mà Reuters ghi lại chỉ chiếm một phần trong tổng số các trường hợp.
Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA) đã bắt đầu yêu cầu các công ty báo cáo tổng số ca thương tích hàng năm vào năm 2016.
Sáu cơ sở lớn của SpaceX trên khắp nước Mỹ đã không gửi báo cáo trong nhiều năm.
Reuters đã xem xét hồ sơ vi phạm về SpaceX tại OSHA và không thấy cơ quan này có biện pháp trừng phạt nào đối với lỗi báo cáo dữ liệu của SpaceX. Đối với những vi phạm được phát hiện sau tai nạn, cơ quan này chỉ phạt những khoản tiền nhỏ. Trong một trường hợp, SpaceX đã phải trả khoản tiền phạt 7.000 USD (hơn 170 triệu đồng) vì những vi phạm dẫn đến cái chết của một công nhân.
Theo OSHA, gần đây, họ đã tăng cường giám sát tất cả các công ty. Tuy nhiên, cơ quan này không bình luận về các quyết định thực thi liên quan đến SpaceX.
Cựu phó trợ lý thư ký OSHA Jordan Barab cho biết: “Việc ép công nhân làm công việc nguy hiểm, bất kể họ biết rằng công việc đó nguy hiểm, về cơ bản cho thấy rằng công ty này đang đặt lợi nhuận của mình lên trên sự an toàn của người lao động và đặt lợi nhuận của mình lên trên sức khỏe và tính mạng của người lao động".
Sau khi bị mất thị lực, ông Rios đã kiện SpaceX. Ông cáo buộc sự sơ suất của công ty đã gây ra thương tích do không thực hiện hoặc không tuân thủ các quy trình an toàn cho người lao động. Trong hồ sơ tòa án, công ty lập luận rằng nguyên nhân là do sơ suất của chính ông Rios.
Ông Rios chia sẻ: “Đó là một điều rất đáng buồn vì thật không may, tôi lại là người chu cấp cho các con và điều đó đã thay đổi hoàn toàn mọi thứ với tôi, thay đổi rất nhiều. Tôi cảm thấy không quen vì tôi từng là người không thích ngồi một chỗ. Tôi làm việc suốt ngày đêm để lo cho các con mình những gì chúng cần. Và bây giờ tôi không thể. Tôi cảm thấy rất buồn vì bây giờ muốn đi đâu cũng phải cần người giúp đỡ".
Bình luận (0)