Tiêu bản 'cụ rùa' hồ Gươm được xử lý ra sao?

20/01/2016 14:26 GMT+7

Tiến sĩ Vũ Ngọc Thành cho biết, việc làm tiêu bản "cụ rùa" mất chừng khoảng một tháng. Có những bộ phận như mắt rùa phải nhập từ nước ngoài.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Thành cho biết, việc làm tiêu bản "cụ rùa" mất chừng khoảng một tháng. Có những bộ phận như mắt rùa phải nhập từ nước ngoài.

Nguồn tin của Thanh Niên cho biết xác rùa hồ Gươm mà nhiều người quen gọi là "cụ rùa" sẽ được mang về nghiên cứu và bảo quản lâu dài tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Tuy nhiên, về quá trình này, ông Nguyễn Trung Minh, Giám đốc bảo tàng từ chối phát ngôn.
Đây không phải lần đầu có rùa với kích cỡ lớn chết ở hồ Gươm. Trước đó, hồi Đại lễ nghìn năm Thăng Long 2010, một cá thể rùa mai mềm với chiều dài 1,2 m nặng 52 kg đã chết và nổi lên tại đây. Tiến sĩ Vũ Ngọc Thành, nguyên cán bộ khoa Sinh, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội là người khi đó trực tiếp làm tiêu bản cá thể này cho biết: “Đấy là một con ba ba Nam Bộ, còn gọi là cua đinh. Trông đẹp lắm, hoàn toàn không ghẻ lở. Khi mổ thì không chảy máu. Khi làm tiêu bản nó bắt đầu thối rồi”.
Việc rùa kích cỡ lớn như vậy chết ở hồ Gươm vào thời điểm đó không được nhiều người biết đến do mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ. Ông Thành chia sẻ về quá trình làm tiêu bản rùa nói chung và cách làm của ông hồi 2010.
“Trước tiên phải lấy hết nội quan ra, tiêm chất chống thối vào những chỗ không lấy được cơ ra. Sau đó thì sấy, rồi cho thuốc chống mốc vào”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, riêng đôi mắt rùa thì không thể tiêm mà phải lấy mắt khác thay vào. “Ở nước ngoài có những nhà máy chế mắt đặc trưng cho những con vật này. Phải đặt mất độ 2 tháng mới nhập về, giá rẻ. Không chỉ rùa, tất cả mắt những con vật làm tiêu bản đều được nhập, thường là nhập ở Đức, trước kia nhập ở Trung Quốc, Liên Xô cũ”, ông nói.
Quá trình làm tiêu bản kéo dài khoảng một tháng (không kể thời gian phải đặt bộ phận nhập từ nước ngoài).
rua-ho-Guom
Cá thể rùa mai mềm từng chết ở hồ Hoàn Kiếm hồi 2010 đã được làm tiêu bản - Ảnh: Ngọc Thắng
Với tiêu bản của "cụ rùa" hồ Gươm, ông Thành cho biết có thể các nhà khoa học sẽ làm tương tự. Tuy nhiên, ông cũng cho hay, tuổi tác, giống loài của hai cá thể này có khác nhau. Cá thể đã chết hồi 2010 ước mới hơn mười tuổi.
So với tiêu bản tại Đền Ngọc Sơn, cách làm tiêu bản mới có khác ở việc giữ nguyên dải diềm thịt của rùa. Với rùa mai mềm hiện trưng bày ở Ngọc Sơn, những người làm tiêu bản đã cắt cụt hết dải thịt dài ở phía sau, cảm giác gần như tròn xoe. Tiêu bản này do đó đã phải làm lại, đắp thêm vật liệu khác tạo hình chỗ diềm thịt đó cách đây vài năm.
Một người nghiên cứu rùa, tiến sĩ Quảng Trường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện khoa học và Công nghệ VN) cho biết, cho tới nay, sau nhiều năm nghiên cứu có thể khẳng định trong hồ Hoàn Kiếm chỉ có một cá thể giải Thượng Hải - chính là “cụ rùa” theo dân gian gọi vừa qua đời. Số lượng ba ba Nam Bộ, vẫn thường gọi là cua đinh, hiện chưa rõ là bao nhiêu.
rua-ho-Guom
Tiêu bản rùa ở hồ Hoàn Kiếm tại Đại học KHTN Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.