Tiêu chuẩn chọn người yêu: Tìm người thấu hiểu hay để cung cấp tài chính?

Thái Duy
Thái Duy
23/06/2021 16:22 GMT+7

Mới đây, cư dân mạng tranh cãi về việc một cô gái trên sóng truyền hình được cho là có những tiêu chuẩn mang tính thực dụng khi lựa chọn người yêu. Vậy đặt ra tiêu chuẩn người yêu thế nào là phải?

Mới đây, trong một chương trình truyền hình về ghép đôi hẹn hò, người chơi tham gia ghép đôi là cô Trần Ngọc Đoan Minh (26 tuổi) gây sốc khi tiết lộ từng trải qua 12 mối tình. Trong đó, có 4 mối tình là sâu sắc, còn lại chỉ dừng ở mức tìm hiểu.

Muốn bạn nam chi tiền để mua đồ, đầu tư chứng khoán, bất động sản...

Dù khẳng định bản thân là người độc lập, không phụ thuộc bạn nam nhưng Đoan Minh lại đưa ra hàng loạt tiêu chí: “Đẹp trai, cao ráo là tiêu chí. Và em muốn bạn nam chi tiền cho em, để em mua đồ, đầu tư chứng khoán, bất động sản...”.
Tự nhận là một người bướng bỉnh, Đoan Minh cho biết sẽ nhận lỗi nếu trong trường hợp đó là với khách hàng, còn với bạn nam thì không. Biết nấu ăn nhưng cô nói sẽ không bao giờ nấu ăn cho bạn nam vì đối phương phải là người chiều chuộng mình.
Bên cạnh đó, tư tưởng sau khi kết hôn của Đoan Minh là dọn ra ở riêng, nhất quyết không sống cùng gia đình chồng. Ngay lúc đó, MC Cát Tường đặt câu hỏi: “Nếu nhà bạn trai hoàn cảnh neo đơn chỉ có một mình bạn ấy, ví dụ ba mẹ nhà ốm đau rồi làm sao?”. Đoan Minh đáp cô sẽ tìm bạn trai khác.
Ngay sau khi chương trình phát sóng, Đoan Minh trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội xoay quanh việc cô thẳng thắng đưa ra những tiêu chuẩn được cho là quá đà trên sóng truyền hình.

Làm mất hình tượng con gái hay là người thẳng thắn?

Nguyễn Tấn Lộc (19 tuổi), nhân viên khách sạn tại tỉnh Đồng Tháp, nói: “Tôi không ủng hộ lắm với cách bạn nữ đưa ra những yêu cầu có phần thực dụng và đặt nặng vấn đề về ngoại hình, kinh tế, trong khi đó thiếu mặt cảm xúc. Tôi có cảm giác bạn ấy giống như tìm bạn trai để cung cấp cho mình về tài chính chứ không phải tìm người để thấu hiểu, chia sẻ cho nhau”.
Tương tự, Nguyễn Hoàng Lê Tú Trân, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Tôi thấy bạn nữ có phần thực dụng khi đưa ra những quan điểm như thế. Cá nhân tôi, khi yêu tôi chưa bao giờ đòi hỏi vật chất với người yêu, chỉ mong hai đứa cùng vun vén cho tương lai”.

Tú Trân và người yêu

NVCC

Dương Thị Cẫm Dương, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng cô cảm thấy khó chịu khi nghe những lời của Đoan Minh trên sóng truyền hình. Cẫm Dương bày tỏ: “Bạn nữ này đang làm mất hình tượng con gái vì những người nam xem xong đôi khi họ sẽ đánh đồng rằng con gái hiện nay chỉ biết sống vì vật chất và sống ích kỷ”.
Trong khi đó, một số bạn trẻ thông cảm vì Đoan Minh đã dám nói lên suy nghĩ của cô về mẫu người bạn trai lý tưởng trước công chúng. “Phải mạnh dạn lắm mới dám nói ra được suy nghĩ của mình trong một chương trình truyền hình. Cô gái thẳng thắn bày tỏ về hình mẫu lý tưởng là không sai, tuy nhiên tôi nghĩ rằng cô cần dùng những lời lẽ tế nhị hơn”, Trương Thị Hoàng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu quan điểm.
Tương tự, Lê Thị Mai Anh, ngụ đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.5, TP.HCM, nói: “Tôi có thể thông cảm vì Đoan Minh chỉ nói ra những tiêu chí về bạn trai mà cô đang mong muốn. Những điều cô nói có hơi thực tế nhưng những gì cô này tìm kiếm chắc hẳn cô đã từng trải và người đàn ông yêu cô là tự nguyện”.
Một số bạn trẻ khác cho rằng Đoan Minh là nạn nhân của chủ nghĩa vật chất, thực dụng trong xã hội, tức là đặt sở hữu tài sản, tiền bạc lên hàng đầu khi đánh giá con người, thậm chí chọn người yêu.
Chẳng hạn, Phan Thị Ngọc Yến (22 tuổi), ngụ đường Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM, nói: “Tôi có thể thông cảm với bạn nữ trong chương trình vì bạn ấy cũng chỉ là nạn nhân của chủ nghĩa thực dụng. Trình trạng này hiện nay thực tế không hề ít, dẫn đến một số người thường đánh giá người khác bằng thước đo vật chất mà quên mất giá trị tinh thần”.
Anh Thái Đình Lãm, chuyên viên tâm lý và giảng dạy kỹ năng sống tại Trung tâm kỹ năng sống Rồng Việt (TP.HCM), cũng nhìn nhận định rằng: “Bạn nữ có thể bị ảnh hưởng do những sinh hoạt, lối sống trước đó. Suy cho cùng bạn nữ cũng là một nạn nhân trong lối suy nghĩ thực dụng vẫn tồn tại trong xã hội và trong mỗi người chúng ta”.
Tuy nhiên, anh Đình Lãnh cho rằng mọi người cũng không nên đánh giá, phán xét một người chỉ thông qua một chương trình truyền hình vì điều này sẽ là một sự đả kích tinh thần rất lớn, đôi khi sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống người đó.

Ngọc Yến và người yêu

NVCC

Tiêu chuẩn người yêu phải như thế nào?

Chia sẻ về vấn đề trên, chuyên viên tâm lý, nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An, Trưởng phòng đào tạo Trung tâm Ứng dụng tâm lý JobWay, cho rằng việc có những tiêu chuẩn trong tình yêu là điều cần thiết.
Tuy nhiên, chuyên gia Tâm An cũng lưu ý rằng, tiêu chí hoặc tiêu chuẩn đặt ra cần phù hợp với hiện tại và thực tế. Ngoài việc “đòi hỏi” đối phương cũng cần đặt câu hỏi “tôi có gì để xứng đáng với điều đó?” hoặc “tôi có thể làm gì, giúp đỡ gì cho họ?”.
“Luôn đòi “nhận” nhưng ngại “cho”, đó không phải là tình yêu, mà là mối quan hệ “ký sinh”. Đòi hỏi quá đáng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bản thân đang quá tự tin hoặc rất tự ti, luôn nghĩ rằng mình cần bù đắp và yêu thương”, chuyên gia Tâm An nêu quan điểm. 
“Đừng bước vào tình yêu với mong muốn 'người còn lại sẽ giải quyết vấn đề cho mình'. Tình yêu là nơi hai cá thể trưởng thành, cùng trở nên tốt hơn. Đừng biến tình yêu trở thành một quan hệ một chiều: Chỉ cho, hoặc chỉ nhận”, chuyên gia Tâm An nhắn nhủ với các bạn trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.