Kỳ thi này vừa là “rủi ro” cho những người thực hiện nghiêm túc đồng thời là “sự may mắn” cho những ai biết sử dụng kẽ hở.
Vụ gian lận sửa điểm thi ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang năm 2018 khiến dư luận bất bình và đến nay vẫn còn gây phẫn nộ trong việc xử lý là điển hình nhất cho thấy tiêu cực, gian lận trong thi cử sẽ tiếp tục còn đất sống nếu vẫn tổ chức theo kiểu “2 trong 1” như lâu nay đang thực hiện.
Với mong muốn đơn giản, nhẹ nhàng hóa một kỳ thi mang tính quốc gia duy nhất hiện nay, Bộ GD-ĐT gần như giao toàn quyền kỳ thi này cho địa phương. Từ khâu tổ chức thi đến chấm thi đều do Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chính, các trường ĐH chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện trong phần coi thi. Với những gì đã diễn ra trong năm 2018 cho thấy dù coi thi có nghiêm túc cỡ nào thì đòn quyết định vẫn là khâu chấm thi. Mà khâu này thì nằm gọn trong tay các địa phương. Một nhận định của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho thấy rõ hạn chế rất lớn của kỳ thi này. Vị lãnh đạo này nói: “Những kiểu như Hòa Bình, Sơn La... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi đã từng khẳng định với lãnh đạo tỉnh là tôi kiên quyết không làm chứ không phải tôi không làm được”.
Mãi cho đến khi vụ gian lận năm 2018 bị phát hiện, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, áp dụng công nghệ; đồng thời hạn chế quyền của địa phương bằng việc để các trường ĐH tham gia chấm thi. Tuy nhiên khi lòng tin đã mất thì người dân không dễ gì tin tưởng.
Thực tế chỉ một năm sau khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích, nhiều ý kiến đã cho thấy không thể nào đáp ứng được khi 2 tiêu chí hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế chỉ mới 4 năm thực hiện mà năm nào cũng phải điều chỉnh từ khâu đề thi, tổ chức thi, chấm thi và năm nào cũng phát sinh những vấn đề nổi cộm. Rối đến mức mà kỳ thi năm 2019 sắp tới lẽ ra thực hiện theo lộ trình nội dung đề thi bao gồm 3 năm lớp 10, 11, 12 thì chỉ còn chủ yếu lớp 12 !
Rõ ràng chính mục tiêu xét tuyển vào ĐH của kỳ thi này là “động cơ” để thực hiện gian lận. Vì thế kể từ khi thi “2 trong 1”, ngày càng nhiều trường ĐH tổ chức các phương thức xét tuyển khác không hoàn toàn lệ thuộc vào kết quả kỳ thi này. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy kỳ thi không đạt được các mục tiêu đề ra.
Vẫn cần một kỳ thi tốt nghiệp quốc gia nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh nhưng không phải tổ chức như hiện nay. Còn xét tuyển vào ĐH như thế nào sẽ do các trường quyết định. Đánh giá của xã hội sẽ là thước đo tin cậy để các trường nhìn vào đó không dám làm sai.
Thực tế cho thấy đã đến lúc kỳ thi “2 trong 1” không nên tồn tại.
Bình luận (0)