Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh
Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12.2021, trong đó dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.
Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ, cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ tư trên thế giới) và lạm phát, chi phí logistics tăng mạnh. Phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên ngành sản xuất TACN chịu tác động mạnh.
Giá nguyên liệu TACN tăng cao trong khi nông sản xuất khẩu VN lại bị ép giá |
Quang Thuần |
Dù Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu TACN theo quy định để giảm giá thành đầu vào cho sản xuất trong nước (lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu TACN thế giới tăng cao, hoạt động tái đàn trong nước tiếp tục được đẩy mạnh nên giá TACN thành phẩm cũng vừa bước vào đợt tăng giá mới. Mức tăng phổ biến từ 200 - 300 đồng/kg. Hiện giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt dao động phổ biến khoảng 12.300 - 13.000 đồng/kg; giá thức ăn hỗn hợp cho heo thịt đang dao động phổ biến ở mức 12.300 đồng/kg.
Chưa dừng lại ở đó, ngay từ đầu tháng 3, giá nhiều loại nguyên liệu để sản xuất TACN lại tiếp tục tăng và lập đỉnh mới. Cụ thể: Giá đậu tương ngày 2.3 tăng lên gần 1.700 USD/tấn, tăng 10% so với tháng trước; giá ngô tăng lên 738,5 USD/tấn, tăng 18,63% so với tháng trước. Việc giá TACN liên tục tăng cao trong khi giá thịt, trứng lại có xu hướng giảm đã gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.
Theo Bộ NN-PTNT, tình hình giá nguyên liệu tăng cao đã làm hạn chế sản lượng nhập khẩu của doanh nghiệp. Thống kê trong 2 tháng đầu năm, khối lượng đậu tương nhập khẩu về VN đạt 241.200 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 147,8 triệu USD, giảm 33% về khối lượng và giảm 22,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu lúa mì 2 tháng đầu năm đạt 674.000 tấn, trị giá 250 triệu USD, giảm 4,1% về khối lượng nhưng tăng 38,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, khối lượng bắp ngô nhập khẩu 2 tháng đạt 1,67 triệu tấn trị giá 532,7 triệu USD, giảm 1,1% về khối lượng nhưng tăng 39,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Gạo, tiêu, điều đều giảm
Trong khi các loại nông sản nhập khẩu tăng giá vùn vụt thì giá trị nông sản xuất khẩu của VN lại giảm. Trái với dự đoán rằng chiến sự Nga - Ukraine sẽ khiến giá lương thực tăng thì giá chào bán gạo VN trên thị trường thế giới gần như “án binh bất động”.
Hiện gạo 5% tấm đứng ở mức 403 USD/tấn; gạo 25% tấm giữ vững 378 USD/tấn; gạo 100% tấm 338 USD/tấn; gạo thơm Jasmine 518 - 522 USD/tấn. Ở trong nước, giá lúa gạo thậm chí còn liên tục sụt giảm.
Tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn tác động đến kinh tế toàn cầu, cụ thể chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng đến châu Âu - là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn của VN. Vì thế, ngành điều khó đạt được chỉ tiêu mà Bộ NN-PTNT đã giao từ cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của VN là hạt điều cũng đang trong tình trạng bất an vì giá giảm mạnh. Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, cho biết hết tháng 10.2021, giá nhân điều xuất khẩu vẫn còn cao. Cuối tháng 11.2021, giá bắt đầu đi xuống. Sang tháng 12.2021, giá tiếp tục giảm và giảm liên tục cho tới tháng 2.2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều ở mức 5.934 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng 12.2021. Trước tình hình này, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đã có một quyết định khá đột ngột là xin giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 3,8 tỉ USD xuống còn 3,2 tỉ USD.
“Trong xuất khẩu điều, thị trường EU chiếm khoảng 35% sản lượng. Hiện nay xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine nếu kéo dài hoặc tiếp tục bất ổn thì tác động rất nhiều đến xuất khẩu hạt điều trong năm 2022, do đó cần giảm chỉ tiêu xuống ở mức phù hợp với tình hình thực tế”, Chủ tịch Vinacas Phạm Văn Công thông tin.
Một ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác đang chịu cảnh rớt giá trên thế giới, đó là cà phê. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5.2022 giảm 88 USD/tấn, xuống mức 2.090 USD/tấn, giao tháng 7.2022 giảm 86 USD/tấn ở mức 2.071 USD/tấn. Giá cà phê xuất khẩu giảm đã kéo theo giá thu mua trong nước rớt mạnh. Ngày 2.3, tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.400 đồng/kg; tại H.Cư M’gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 40.000 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, giá cà phê thu mua ở mức 39.900 đồng/kg.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực cà phê, phân tích: “Chiến sự Nga - Ukraine làm giá khí đốt thiên nhiên và dầu thô tăng, giá nhiều sàn ngũ cốc tăng mạnh, nhưng lại không phải trường hợp của các mặt hàng nông sản nhiệt đới như cà phê, ca cao, đường ăn, bông vải. Có thể các quỹ đầu tư tài chính trên các sàn phái sinh nông sản tạm thời rút vốn để đặt cược làm ăn tại các thị trường ngũ cốc, nguồn lương thực vốn quan trọng hơn khi có chiến tranh. Vả lại, Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu quan trọng hai mặt hàng lúa mì, lúa mạch. Nên nói đúng hơn, các mặt hàng nông sản nhiệt đới và nhất là cà phê “bị đạn lạc”.
Bình luận (0)