Tiểu dự án phát triển ĐH Việt Nam vì sao chậm tiến độ ?

Quý Hiên
Quý Hiên
04/06/2024 06:05 GMT+7

Tiểu dự án phát triển ĐH VN ở ĐH Quốc gia Hà Nội đang có nguy cơ không hoàn thành được vào năm 2025 như kế hoạch.

Để góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, cuối tháng 6.2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt hỗ trợ tín dụng 295 triệu USD cho Dự án phát triển ĐH VN. Thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị tiên tiến và chuyển giao tri thức, dự án sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi 3 ĐH này thành các cơ sở giáo dục có khả năng cạnh tranh ở cấp khu vực với năng lực giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến.

 Tiểu dự án phát triển ĐH Việt Nam vì sao chậm tiến độ ?- Ảnh 1.

Định hướng kiến trúc cảnh quan ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

VNU

Theo WB, Dự án phát triển ĐH VN được thực hiện tại 3 cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu VN sẽ góp phần giải quyết một số thách thức chính mà hệ thống giáo dục ĐH đang phải đối mặt. Thông qua khoản tài trợ mới, cơ sở vật chất của các ĐH vốn quá tải và cũ kỹ sẽ được nâng cấp thành hạ tầng hiện đại, tích hợp, xanh và sẵn sàng cho chuyển đổi kỹ thuật số.

KỲ VỌNG

Tiểu dự án tại ĐH Quốc gia Hà Nội có tổng kinh phí là 125,18 triệu USD. Trong đó, vốn từ WB là 100,87 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ VN là 24,31 triệu USD. Với khoản tín dụng này, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng tại 3 khu vực với tổng diện tích đất 37,5 ha trong tổng số 1.000 ha của khuôn viên. Các hạng mục xây dựng bao gồm 18 tòa nhà từ 1 - 8 tầng với các lớp học, văn phòng, thư viện, phòng thí nghiệm, khu vực trung tâm thể thao và thí nghiệm để giảng dạy, học tập và nghiên cứu; xây dựng hai trạm xử lý nước thải, sân và đường nội bộ, hệ thống thoát nước.

Dự án xây dựng đặt tại 3 khu vực thuộc một số dự án thành phần của Dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, gồm: dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Công nghệ (khu vực 1), diện tích 8 ha; dự án đầu tư xây dựng khu các viện và trung tâm nghiên cứu (khu vực 3), diện tích 22,89 ha; dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm ĐH Quốc gia Hà Nội (khu vực 4), diện tích 6,6 ha. Dự án cũng sẽ xây dựng 2 trạm xử lý nước thải thuộc hạ tầng khung kết nối để xử lý nước thải chung cho cả khu vực dự án.

Việc ĐH Quốc gia Hà Nội được WB cấp khoản tín dụng để xây dựng tại Hòa Lạc sẽ mang lại những tác động tích cực. Mục tiêu của dự án là nâng cao chất lượng, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển thành công một trung tâm nghiên cứu xuất sắc của ĐH Quốc gia Hà Nội. Cơ sở hạ tầng mới sẽ giúp ĐH Quốc gia Hà Nội nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua cơ sở hạ tầng, công nghệ và quản trị. Các giảng viên, sinh viên và nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Công nghệ, viện và trung tâm nghiên cứu, cán bộ nhân viên của ĐH Quốc gia Hà Nội làm việc tại khu hành chính mới của ĐH này tại Hòa Lạc sẽ là những người trực tiếp thụ hưởng của dự án.

 Tiểu dự án phát triển ĐH Việt Nam vì sao chậm tiến độ ?- Ảnh 2.

CHƯA THỂ GIẢI NGÂN

Theo kế hoạch, việc triển khai công tác đấu thầu thi công xây dựng công trình, tư vấn giám sát thi công sẽ thực hiện từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2023, và triển khai thi công xây dựng các công trình từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2025.

"Theo kế hoạch thì dự án phải kết thúc năm 2025, nhưng vướng thủ tục giai đoạn đầu nên việc khởi động bị chậm. Năm 2023 ĐH Quốc gia Hà Nội đã phải xin hủy vốn đối với số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Nguyên nhân là vướng thủ tục pháp lý về vấn đề tài sản đảm bảo nên tiến độ triển khai không kịp theo kế hoạch, do vậy cũng không thể tiêu được tiền như dự kiến. Vấn đề này đã được tháo gỡ nên năm 2024 dự án lại tiếp tục được triển khai. Giờ đây, ĐH Quốc gia Hà Nội đang tập trung cao độ để xử lý các việc cho kịp tiến độ", ông Nguyễn Hiệu, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết.

Hiện tại, ĐH Quốc gia Hà Nội đã phân bổ, nhập TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) xong dự toán vốn, đã nhận được nguồn vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024 trên dịch vụ công là 645,77 tỉ đồng. Đơn vị này dự kiến sẽ sử dụng hết số vốn kế hoạch đã được giao, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào.

Vướng mắc chủ yếu là do các thủ tục liên quan tới nhà tài trợ. Theo yêu cầu từ nhà tài trợ, một số hoạt động cần lấy ý kiến "Không phản đối - NOL" từ nhà tài trợ trước khi triển khai như: kế hoạch tổng thể dự án, kế hoạch hằng năm, sổ tay vận hành dự án, kế hoạch đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn vay nước ngoài, đề cương nhiệm vụ đối với các đơn vị tư vấn đấu thầu... Thời gian triển khai các công việc này thường bị kéo dài do phải liên tục cập nhật, điều chỉnh trước khi nhà tài trợ có thư không phản đối gửi tới các đơn vị hưởng dự án.

Thực hiện thành công dự án không những có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng mà còn đối với sự phát triển của giáo dục ĐH VN. Do vậy, kính mong Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo và các bộ ngành tiếp tục có những hỗ trợ để dự án được hoàn thành theo tiến độ và kỳ vọng đã đề ra

Ông NGUYỄN THANH TUẤN (Giám đốc Ban Quản lý dự án WB, ĐH Quốc gia Hà Nội)

CANH CÁNH NỖI LO CHẬM THANH TOÁN VỐN

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án WB, ĐH Quốc gia Hà Nội, dù thời gian tới những khó khăn trong việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 được tháo gỡ thì các thủ tục hành chính hiện nay trong công tác thanh toán sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới việc đảm bảo tiến độ của dự án theo kế hoạch. Cụ thể, việc kiểm soát công tác thanh toán mất rất nhiều thời gian do hồ sơ thanh toán được thẩm định, kiểm soát tại Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính trước khi gửi nhà tài trợ thanh toán cho nhà thầu. Điều này dẫn đến việc chậm thanh toán vốn cho nhà thầu tại một số thời điểm như các dịp nghỉ lễ, tết của VN, các dịp nghỉ lễ Giáng sinh, Tết dương lịch của nhà tài trợ. Theo đó, rủi ro kinh phí được cấp trong năm không sử dụng được rất dễ xảy ra, khả năng dự án bị hủy dự toán và không cấp lại cho năm tiếp theo là rất cao.

Vì thế, ĐH Quốc gia Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước có phương án hỗ trợ để công tác thanh toán được triển khai thuận lợi trong thời gian tới.

Thời gian thực hiện dự án còn lại ngắn, khả năng việc dự án phải kéo dài sang kỳ trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là rất cao. Vì vậy, Bộ Tài chính cần tiếp tục hỗ trợ ĐH Quốc gia Hà Nội làm việc với nhà tài trợ tìm ra các giải pháp phù hợp để vừa đẩy nhanh tiến độ dự án, vừa bảo toàn nguồn vốn theo hiệp định tài trợ đã ký kết nhằm triển khai đầu tư đầy đủ các hạng mục dự án theo quyết định dự án đã được phê duyệt.

"Thực hiện thành công dự án không những có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng mà còn đối với sự phát triển của giáo dục ĐH VN. Do vậy, kính mong Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo và các bộ ngành tiếp tục có những hỗ trợ để dự án được hoàn thành theo tiến độ và kỳ vọng đã đề ra", ông Nguyễn Thanh Tuấn bày tỏ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.