Tiểu hành tinh ‘mở màn’ năm 2022 của trái đất

25/12/2021 21:07 GMT+7

Vừa sang năm 2022, trái đất sẽ đối mặt thách thức đầu tiên khi một tiểu hành tinh lướt gần địa cầu, nhưng dựa trên số liệu tính toán của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), chúng ta biết được nguy cơ của nó.

Mô phỏng hành trình của tiểu hành tinh 2014 YE15 quanh mặt trời

NASA/JPL

Trang Inverse dẫn thông tin từ NASA cho biết tiểu hành tinh 2014 YE15 sẽ tiếp cận địa cầu ở khoảng cách 7,4 triệu km vào ngày 6.1.2022.

Theo NASA, những thiên thể có kích thước lớn hơn 150 m, tiếp cận trái đất trong vòng 7,5 triệu km đều bị liệt vào nhóm “nguy hiểm tiềm tàng”. Với bề ngang 7 m, mà theo NASA so sánh cỡ xe buýt, 2014 YE15 không được xem là mối đe dọa lớn đối với sự sống trên địa cầu.

2014 YE15 lần đầu tiên được Đài thiên văn Mt. Lemmon (bang Arizona, Mỹ) nhận dạng trong cuộc khảo sát bầu trời vào năm 2014. Nó được phát hiện vào ngày 28.12 cùng năm, 2 ngày trước khi đến gần trái đất ở khoảng cách gấp 3 lần khoảng cách trái đất-mặt trăng.

Trước khi đón tiểu hành tinh 2014 YE15, trái đất cũng đối mặt một tiểu hành tinh khác vào ngày 29.12. Chưa rõ tên, nhưng tiểu hành tinh này có bề ngang 149 m, dự kiến sẽ cách địa cầu khoảng 3.540.000 km vào ngày hôm đó.

Hiện Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cũng lập danh sách các tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm cho trái đất. Trong số 1.302 cái tên trong danh sách, 2021 QM1 là tiểu hành tinh có xác suất 1: 3.322 va chạm với địa cầu ngày 2.4.2052, theo Đài CNET.

Trái đất sắp có thêm "con mắt nhìn vào quá khứ" với kính viễn vọng không gian Webb

Trước đó, ngày 17.8.2020 (giờ Việt Nam), một tiểu hành tinh tên 2020 QG suýt nữa đâm vào Trái đất. Nó chỉ cách địa cầu 2.945 km, khoảng cách kỷ lục của một tiểu hành tinh, nhưng không ai phát hiện được tung tích của nó khi ấy.

Điều này cho thấy mối nguy hiểm tiềm tàng mà các tiểu hành tinh có thể mang đến cho địa cầu và nhân loại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.