Cuối tuần qua, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cùng lãnh đạo các sở, ban ngành đã gặp mặt, lắng nghe phát biểu của các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Đăng (H.Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Tại đây, có 25 ý kiến của bà con tiểu thương về việc muốn lưu giữ chợ truyền thống ở địa phương; phản ảnh những bất cập trong việc di dời chợ Đồng Đăng sang Trung tâm thương mại, để nhường chỗ xây dựng công viên cây xanh.
Theo bà con, nếu xóa bỏ chợ này thì đời sống người dân địa phương sẽ bị ảnh hưởng, thất nghiệp, vì nếu phải di chuyển sang Trung tâm thương mại Đồng Đăng, sẽ không bán được hàng. Ở đó, xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc giao dịch, mua bán. Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với một số văn bản, cách ứng xử không đúng mực của một số cán bộ ở huyện Cao Lộc trong việc tiếp xúc, trả lời kiến nghị của dân.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết trong lộ trình xây dựng Đồng Đăng thành thị xã trong tương lai, có việc quy hoạch chợ Đồng Đăng. Trong quá trình làm việc, có những cán bộ cơ sở thiếu sâu sát, có lời ăn tiếng nói không đúng sẽ được xem xét, xử lý nghiêm minh.
“Về vấn đề giữ lại chợ truyền thống hay không, tập thể lãnh đạo tỉnh sẽ tiến hành thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan và trả lời thỏa đáng bằng văn bản trong vòng 10 ngày tới”, ông Thưởng nói.
Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, ông Thưởng vẫn nhiều lần nhắc lại việc quy hoạch chợ Đồng Đăng trở thành nơi vui chơi giải trí, công viên cây xanh, mà lãnh đạo tỉnh đã có quyết định phê duyệt cách đây vài năm.
Trong buổi đối thoại, ngoài 50 người được mời vào hội trường UBND TT.Đồng Đăng trực tiếp gặp, trình bày ý kiến với lãnh đạo tỉnh, còn lại hàng trăm người đứng xung quanh trụ sở thị trấn, mong ngóng kết quả cuộc họp. Luật sư mà các tiểu thương thuê tư vấn pháp luật cho vụ khiếu nại di chuyển chợ, cho dù có đầy đủ giấy tờ cần thiết, nhưng bảo vệ không cho vào hội trường, gây bức xúc cho bà con.
Vì thế, trong hai ngày 10 và 11.7, nhiều tiểu thương vẫn liên tục tìm gặp lãnh đạo các cấp ở địa phương chuyển đơn kiến nghị của mình. Bà con còn dán những khẩu hiệu trước cửa nhà, trên các phương tiện giao thông, thể hiện quyết tâm giữ chợ truyền thống đã có tuổi đời trên 120 năm, gắn bó mật thiết với cuộc sống và tình cảm của người dân nơi đây.
Bình luận (0)