Ngày 27.9, Indonesia ban hành lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm bảo vệ thương nhân và thị trường kinh doanh truyền thống.
TikTok cho biết ưu tiên hàng đầu của công ty là tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại. Do đó, tính năng giao dịch thương mại điện tử trên TikTok Shop Indonesia đã dừng kể từ 17 giờ ngày 4.10.
Trước đó, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga nói rằng mạng xã hội và thương mại điện tử không thể kết hợp với nhau như trường hợp của ứng dụng TikTok và TikTok Shop. Như vậy, TikTok sẽ phải tách tính năng TikTok Shop ra thành hai ứng dụng độc lập. Nếu không tuân thủ, Indonesia sẽ đóng cửa TikTok.
Tống thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi tăng cường quản lý các mạng xã hội. Ông Widodo cho biết làn sóng các nền tảng mạng xã hội là một nguyên nhân khiến doanh số của doanh nghiệp nội địa sụt giảm vì thị trường tràn ngập sản phẩm nhập khẩu.
Chuyên gia tại ngân hàng DBS của Singapore nhận định rằng việc TikTok Shop hoạt động như một ứng dụng độc lập có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Lý do là vì hầu hết các giao dịch mua hàng trên TikTok Shop khá ngẫu hứng, nếu tách riêng khỏi TikTok sẽ dẫn đến việc sụt giảm người truy cập.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc, có 125 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở Indonesia. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, Indonesia, với dân số hơn 270 triệu người, có gần 52 tỉ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm ngoái. Trong đó, 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu thông qua các phiên phát trực tiếp.
Bình luận (0)