Tìm nguyên nhân thảm kịch bóng đá Indonesia: Hơi cay, cửa khóa, và truyền thống bạo lực

La Vi
La Vi
05/10/2022 13:37 GMT+7

Theo một quan chức giám sát nội bộ của Ủy ban Cảnh sát Quốc gia Indonesia, cảnh sát nước này đã sử dụng sai hơi cay để giải tán người hâm mộ nổi loạn trong một sân bóng đá khiến ít nhất 125 người thiệt mạng.

Cảnh sát, chuyên gia và khán giả - cùng với các đoạn phim được ghi lại - cho thấy thảm kịch hôm 1.10 là do một số yếu tố gây ra. Các yếu tố này bao gồm hơi cay, sân vận động quá tải, người hâm mộ nóng giận và các lối ra bị khóa.

Quan chức này cho biết không có lệnh sử dụng hơi cay đối với đám đông và không rõ lý do tại sao một số lối ra đã bị khóa.

Người hâm mộ đưa một người trúng hơi cay ra khỏi đám đông ở Sân vận động Kanjuruhan

reuters

Anh Ahmad Nizar Habibi, người hâm mộ Arema FC, cho biết: "Sao lại đem người hâm mộ làm vật hy sinh? Nếu cảnh sát chỉ đánh hay cầm dùi cui đuổi, hay bị đá thì chúng tôi có thể chạy, chúng tôi có thể tìm chỗ nấp. Nhưng bị xịt hơi cay, chúng tôi phải làm gì đây? Sân thì bị đóng, không có cửa nào mở cả, người hâm mộ bị xịt thẳng hơi cay".

Khán giả cho biết một số cổng ra đã bị khóa, gây tắc nghẽn khi người hâm mộ cố gắng chạy trốn.

Bình luận viên bóng đá Yusuf Kurniawan cho biết: "Sai lầm chết người nhất là sử dụng hơi cay và gây hoảng loạn vì hơi cay bay lên khán đài ảnh hưởng đến cả những người không xuống sân. Mọi người hoảng loạn và họ bị ngạt thở khi cố gắng tìm lối ra, mà cũng bị khóa. Và đó là lý do tạo nên sự hỗn loạn và gây chết người".

Một sĩ quan quân đội chia buồn cùng người thân của nạn nhân qua đời trong thảm kịch hôm 1.10

reuters

Cơ quan quản lý bóng đá thế giới FIFA cấm sử dụng "hơi cay kiểm soát đám đông" và vũ khí tại các trận đấu.

Cảnh sát cho biết quyết định triển khai hơi cay là một trong những vấn đề đang được điều tra.

Khi đất nước Indonesia đang chịu cảnh đau thương và tìm kiếm câu trả lời, tâm điểm chỉ trích có thể đổ dồn vào cảnh sát. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề thực ra phức tạp hơn nhiều.

Hành xử côn đồ và bạo lực trong bóng đá không phải là điều mới mẻ ở Indonesia. Để lường trước rủi ro, cảnh sát đã cấm các cổ động viên bên phía đối thủ Persebaya Surabaya tham dự. Và yêu cầu tổ chức trận đấu vào ban ngày, như vậy sẽ dễ kiểm soát an ninh hơn, theo cơ quan giám sát bóng đá tư nhân Save our Soccer (SOS).

Nhưng SOS cũng cho biết các nhà tổ chức đã in 42.000 vé cho một sân vận động được thiết kế để chỉ chứa 38.000 người.

"Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho cảnh sát. Đây là những sai lầm của tập thể", SOS nói.

Người phát ngôn từ Arema FC chưa đưa ra bình luận ngay lập tức. Liên đoàn bóng đá Indonesia đã cấm hai quan chức câu lạc bộ vĩnh viễn vì vụ việc.

Người phát ngôn của cảnh sát quốc gia và Đông Java từ chối trả lời câu hỏi về các biện pháp an ninh, nhưng 10 sĩ quan đã bị đình chỉ để chờ điều tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.