Tìm giải pháp cho việc EU cấm nhập khẩu sản phẩm được tạo ra gây mất rừng

Thúy Liễu
Thúy Liễu
17/05/2024 21:29 GMT+7

Ngày 17.5, Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) phối hợp Forest Trends tổ chức hội thảo "Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu".

Hội thảo cung cấp thông tin về Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) và chia sẻ về thực trạng chuỗi cung ngành cao su của Việt Nam, tập trung vào nguồn cung trong nước và nguồn cung nhập khẩu. Từ đó, các chuyên gia đề xuất các giải pháp hướng tới đáp ứng đầy đủ các quy định của EUDR và phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam.

Cấm nhập khẩu vào EU nếu sản phẩm gây mất rừng

Ngày 29.6.2023, Quy định chống phá rừng (EUDR) do Liên minh châu Âu (EU) ban hành chính thức có hiệu lực.

Theo quy định này, 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su, sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu và/hoặc gây mất rừng, suy thoái rừng. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của EUDR là truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các sản phẩm cao su được nhập khẩu vào EU cần đảm bảo truy xuất được tới các thửa đất nơi cao su được khai thác.

Cao su là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam (bên cạnh gỗ và cà phê) xuất khẩu vào EU chịu sự kiểm soát của EUDR. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su từ Việt Nam vào thị trường này đạt gần 470 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. EU hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su Việt Nam.

Nguồn cung cao su nguyên liệu đầu vào hiện nay cho ngành cao su Việt Nam gồm nguồn trong nước và nhập khẩu. Nguồn trong nước từ diện tích 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền (cung trên 50% trong tổng lượng cung trong nước) và nguồn cao su đại điền (chiếm dưới 50%). Năm 2023, nguồn cung trong nước đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

Hiện trên 200.000 ha cao su đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC, với 100% diện tích này thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG). Một diện tích nhỏ khoảng 6.000 ha thuộc một số doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ tiểu điền đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Diện tích còn lại chưa có chứng chỉ.

Còn nguồn nhập khẩu ngày càng quan trọng. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 1,4 triệu tấn cao su nguyên liệu, với trên 80% từ Campuchia, còn lại từ Lào và một số nguồn khác.

Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam phát biểu tại hội thảo

THÚY LIỄU

Đầu ra xuất khẩu là các mặt hàng cao su, bao gồm cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su. Đây là các mặt hàng có nguồn gốc từ cao su trong nước (đại điền, tiểu điền) và cao su nhập khẩu.

Ông Hoàng Thành, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: "Để đáp ứng yêu cầu trong quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR), các sản phẩm từ cao su muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần được đảm bảo đã thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm giải trình (Due diligence), bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó".

Tương tự, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam, chia sẻ: "Các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc VRG không đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu của EUDR. Bởi các diện tích này đã được trồng từ lâu, đất đai có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất".

Xây dựng khung kế hoạch thích ứng với quy định EUDR

Tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Quang, cán bộ nghiên cứu của Forest Trends, nhận định khó khăn lớn nhất của ngành cao su Việt Nam trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc của ngành cao su Việt Nam nằm ở phần cung nguyên liệu của cao su tiểu điền trong nước và phần cao su nhập khẩu.

Hiện chuỗi cung tiểu điền tương đối phức tạp, cao su khai thác từ các hộ đi qua nhiều khâu trước khi được đưa vào chế biến. Một số diện tích cao su tiểu điền chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất. Thông tin về nguồn cung nhập khẩu từ Campuchia và Lào còn rất ít. Chuỗi cung nhập khẩu hiện không cho phép việc truy xuất nguồn gốc.

Về phía quản lý nhà nước, ông Nguyễn Trung Kiên, công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau khi nắm bắt thông tin, Bộ đã cho xây dựng khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR.

Theo đó, Bộ sẽ cho thành lập hợp tác công - tư (PPP) trong thực hiện EUDR với ngành hàng gỗ và cao su. Thời gian dự kiến trong năm 2024 và Cục Lâm nghiệp cùng các đơn vị liên quan sẽ chủ trì xây dựng.

Tìm giải pháp cho việc EU cấm nhập khẩu sản phẩm được tạo ra gây mất rừng- Ảnh 2.

Dự án cao su ở Campuchia do VRG phát triển

VRG

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai các hoạt động, cuộc họp chuyên sâu nhằm tuyên truyền phổ biến và giải đáp thắc mắc liên quan quy định EUDR. Đồng thời, Bộ sẽ cho xây dựng bộ quy tắc ứng xử để xử lý các trường hợp đã gây mất rừng và suy thoái rừng.

Về các giải pháp kỹ thuật, ông Kiên cho biết, sẽ xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đáp ứng quy định EUDR về các mặt hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su. Việt Nam sẽ chủ động xây dựng các gói giải pháp kỹ thuật và gửi cho Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị phản hồi.

Về nguồn vốn thực hiện, theo ông Kiên, các đơn vị có thể huy động nguồn lực hỗ trợ từ EU. Một số dự án do EU đồng tài trợ gồm dự án "Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng (SAFE)" do EU và BMZ đồng tài trợ thông qua GIZ; dự án hỗ trợ chuyển đổi bao trùm hướng tới chuỗi cung ứng cà phê bền vững, hợp pháp và không phá rừng ở Brazil, Ecuador, Zambia, Việt Nam và Công gô; dự án "Cam kết với Indonesia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về quy định của EU về giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng"…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.