Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng

22/09/2023 17:57 GMT+7

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thẳng thắn đánh giá thực trạng, nguyên nhân, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt trên địa bàn TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 22.9, tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn Lâm Đồng. Tham dự có các chuyên gia đến từ Nhật Bản và hàng chục chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học (ĐH), các viện nghiên cứu, các nhà quản lý và một số công ty chuyên về địa chất, kiểm định, xây dựng... trong cả nước.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 1.

Xử lý sạt trượt đất ở khu vực đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt)

LÂM VIÊN

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết mục đích hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng tình hình sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP.Đà Lạt nói riêng trong thời gian vừa qua.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo tại Đà Lạt ngày 22.9

LÂM VIÊN

Ông Phúc mong muốn các chuyên gia xác định nguyên nhân, các yếu tố gây rủi ro, đề ra các giải pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại, giúp cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả từ bước dự báo thiên tai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng. Bên cạnh đó đưa ra giải pháp kỹ thuật, định hướng công tác thiết kế, thi công, vận hành, bảo trì các công trình bảo vệ mái dốc, tiêu thoát nước...

Sạt trượt bởi nhiều nguyên nhân, do quản lý, con người

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng, nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ, ngập lụt ở TP.Đà Lạt và Lâm Đồng là do lượng mưa tập trung, mưa nhanh trong lưu vực có độ dốc lớn. Đặc điểm lũ, ngập lụt ở khu vực tỉnh Lâm Đồng thường có phạm vi ảnh hưởng hẹp, thời gian lũ lên và xuống nhanh, phổ biến dưới 2 ngày.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 3.

Đường phố Đà Lạt biến thành sông sau cơn mưa lớn hồi tháng 7.2023

LÂM VIÊN

Trong hai tháng 6 và 7.2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài làm nền đất yếu, gây ra nhiều vụ sạt trượt, sụt lún đất, ngập úng cục bộ ở TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc, H.Lâm Hà… Trong đó, có những vụ sạt trượt nghiêm trọng như vụ sạt trượt ta luy ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, ở Trạm CSGT đèo Bảo Lộc… làm chết nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản.

Chưa kể, đoạn đường tránh QL20, thuộc địa phận P.Lộc Sơn (Bảo Lộc) cũng liên tục xảy ra sụt lún đất làm gãy đứt mặt đường. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn, 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 4.

Sạt lở đất ở TP.Đà Lạt

LÂM VIÊN

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên giảng viên chính về kỹ thuật xây dựng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), chiều 21.9, ông cùng đoàn chuyên gia đi khảo sát thực tế một số khu vực sạt trượt đất, ngập lụt ở TP.Đà Lạt. Theo ông Hiệp, ngoài yếu tố thời tiết mưa nhiều, phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân sạt trượt còn do "nhân tai". Quan sát khu vực sạt trượt đất ở hẻm Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt), có quá nhiều công trình xâm hại thung lũng, lấn đồi… đây là yếu tố bất lợi dễ xảy ra sự cố sạt trượt đất. Nguyên nhân do chủ đầu tư, nhà thầu và cả quản lý nhà nước.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 5.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp phát biểu tại hội thảo

LÂM VIÊN

Có chuyên gia nhận định, sạt trượt, ngập lụt ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Ở các tỉnh Tây bắc xảy ra nhiều vụ sạt trượt và cũng gây chết người. Ở Tây nguyên, các tỉnh phía nam, sạt trượt không nhiều, nhưng riêng Đà Lạt khi xảy ra sạt trượt, ngập lụt luôn được dư luận quan tâm. Còn GS-TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ Địa Chất Hà Nội, đề nghị cần có đánh giá toàn diện căn cơ lâu dài. Nguyên nhân sạt trượt đất do đâu, có phải do việc tác động xây dựng các công trình.

Cần xác lập các ngưỡng cảnh báo và kịch bản ứng phó

GS-TS Đỗ Minh Đức (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết qua kết quả nghiên cứu của ông và nhóm cộng sự cho thấy tình trạng sạt lở tại Lâm Đồng hoàn toàn có thể đưa ra cảnh báo sớm dựa trên các kết quả quan trắc, phân tích trên các vùng đất dốc ở Việt Nam. 

Ông Đức cũng đề nghị Lâm Đồng cần có dự báo và cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở tại các khu vực trọng điểm để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Riêng TP.Đà Lạt trước mắt cần xác lập các ngưỡng cảnh báo và kịch bản ứng phó cho từng công trình ở các mức nguy cơ khác nhau và về lâu dài cần xây dựng, ban hành hướng dẫn chi tiết các công trình xây dựng trên đất dốc.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 7.

Ông Takami Kanno, Công ty địa chất Kawasaki (Nhật Bản), hiến kế lập bản đồ phân vùng mức độ rủi ro ngập lụt và sạt trượt đất tại Lâm Đồng

LÂM VIÊN

Còn ông Takami Kanno, Công ty địa chất Kawasaki (Nhật Bản), cho rằng tại Nhật Bản việc lập bản đồ phân vùng mức độ rủi ro đã được thực hiện từ lâu. Ở Lâm Đồng nếu được thực hiện thì lập bản đồ phân vùng mức độ rủi ro ngập lụt và sạt trượt đất.

Tuy nhiên, ở Việt Nam việc sử dụng ảnh chụp từ máy bay và phương pháp quét laser để lấy dữ liệu địa hình sẽ gặp nhiều bất lợi. "Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh từ các ứng dụng trực tuyến, hình ảnh từ vệ tinh miễn phí để đánh giá về hiện tượng nứt, lồi lõm của mặt đất; sự xuất hiện các đặc điểm lở đất, khối sụt trượt… ", ông Takami Kanno nói và cho rằng sớm hình thành bản đồ phân vùng mức độ rủi ro để cơ quan chức năng và cả người dân có thể sử dụng, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khi có nguy cơ cao về trượt lở đất hay ngập lụt.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 8.

Tìm kiếm nạn nhân bị đất vùi lấp tại Trạm CSGT đèo Bảo Lộc

LÂM VIÊN

Đồng quan điểm với ông Takami Kanno, PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Lâm Đồng sớm xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, bản đồ dự báo ngập lụt đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch. Cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.

Tìm giải pháp chống sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt-Lâm Đồng - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kết luận hội thảo

LÂM VIÊN

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cảm ơn các chuyên gia đã thẳng thắn đưa ra những nguyên nhân và giải pháp phòng chống ngập lụt, sạt trượt đất. Ông Phúc cũng cho rằng quy hoạch xây dựng kém và chưa có bản đồ cảnh báo; quản lý nhà nước có vấn đề cùng với địa chất phức tạp là nguyên nhân gây sạt trượt, ngập lụt thời gian qua.

Xem lại hệ thống thoát nước

Sau các ý kiến từ chuyên gia, ông Phúc chỉ đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng tiếp thu và tiến hành xây dựng bản đồ nguy cơ sạt trượt, cảnh báo sớm từ các hệ thống thiết bị, thông báo đến người dân. "Chỗ nào cho làm khu dân cư, chỗ nào không, chỗ nào hạn chế. Hạn chế tối đa "nhân tai", tác động vào núi đồi, mạch nước ngầm. Với TP.Đà Lạt phải xem lại hệ thống thoát nước, nạo vét sông suối để chống ngập úng, đặc biệt trong quá trình đô thị hóa vùng ven", ông Phúc nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.