Hội thảo về Giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' nhằm tạo sự 'bứt phá' trong phát triển qua thực tiễn chính quyền đô thị kiểu mới thành phố Thủ Đức, diễn ra ngày 16.12, tại TP.HCM, do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ phối hợp các đơn vị tổ chức. Tại hội thảo, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ nhận định, TP.Thủ Đức đang “tắc nghẽn” ở 3 nhóm vấn đề lớn là thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị và nguồn nhân lực.
TP.Thủ Đức được thành lập trên cơ sở gộp 3 đơn vị hành chính (Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức), quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người (cao nhất TP.HCM, tương đương TP.Đà Nẵng). Mật độ dân số cao nhưng các hoạt động quản lý và tổ chức bộ máy của TP.Thủ Đức cơ bản vẫn là một đơn vị hành chính như nhiều đơn vị quận, huyện khác của TP.HCM.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Thành phố phát biểu tại hội thảo |
phan thu hoài |
Điểm nghẽn của TP.Thủ Đức hiện nay, theo các chuyên gia chia làm 2 loại: những khó khăn đã tồn tại trước đó và những khó khăn từ sau hình thành TP.Thủ Đức. Việc sáp nhập 3 quận thành TP.Thủ Đức cũng có phần làm cho những khó khăn về cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đẩy lên cao.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Thành phố nhận định, nếu đã cho Thủ Đức danh xưng thành phố thì phải có tính tự chủ.
ThS Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cơ chế chính sách của TP.Thủ Đức rõ ràng phải liên quan đến TP.HCM. Tuy nhiên hiện nay chính cơ chế đặc thù của TP.HCM vẫn còn chưa rõ.
ThS Lê Văn Thành nêu giải pháp tại hội thảo |
phan thu hoài |
Các giải pháp đặt ra
Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó các chuyên gia nhấn mạnh về việc TP.HCM hỗ trợ, giúp đỡ TP.Thủ Đức giai đoạn đầu.
Việc phân cấp, phân quyền vẫn dựa trên hệ thống pháp lý và thể chế chung với TP.HCM nhưng TP.Thủ Đức cần sắp xếp lại các chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí theo hướng chính quyền đô thị. Những vấn đề không thuộc về quản lý nhà nước cần được giải phóng để bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức nhẹ bớt.
“TP.Thủ Đức cần tập thích nghi, sắp xếp lại một số nhiệm vụ trong bộ máy, phạm vi nào có thể tự chủ thì nên tự chủ”, ThS Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh.
TP.Thủ Đức cần có sự điều hành của đầu tàu TP.HCM, chia mức độ tự chủ ra nhiều giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn đầu, các sở, ban ngành của TP.HCM có ý kiến và hướng dẫn chuyên môn đối với những quyết định của TP.Thủ Đức.
Các giải pháp về nguồn nhân lực cũng được đặt ra, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể tuyển thêm nhân lực chất lượng cao từ các quận, tỉnh khác, hoặc các chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, TP.Thủ Đức cần bộ phận tham mưu cho lãnh đạo, đặt hàng tư vấn về các vấn đề khó khăn của thành phố để xây dựng chiến lược lâu dài.
Bình luận (0)