Để TP.HCM phát triển xứng tầm hơn

Đình Phú
Đình Phú
24/09/2022 06:13 GMT+7

Sáng 23.9, dẫn đầu đoàn công tác của T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Thành ủy TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng tại TP.HCM từ sau Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Dự buổi làm việc, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng. Các Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Minh Hưng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành T.Ư...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt TP.HCM

TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ nhiệm kỳ Đại hội 11 của Đảng bộ TP.HCM đến nay đã gần tròn 2 năm, có thể tạm chia làm 3 giai đoạn lịch sử: 1/3 thời gian đầu tập trung triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, lãnh đạo tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. 1/3 thời gian tiếp theo tập trung toàn lực ứng phó đại dịch Covid-19, với những thử thách khốc liệt chưa từng có. 1/3 thời gian cuối dồn sức kiểm soát dịch bệnh, khắc phục hậu quả và triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp kéo dài còn tồn đọng…, với tinh thần “luôn ra sức phát huy truyền thống kiên cường, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, quyết tâm làm hết sức mình, xây dựng, phát triển thành phố ngày càng phồn vinh”.

TP.HCM phục hồi kinh tế có nhiều khởi sắc

Độc Lập

Phục hồi kinh tế có nhiều khởi sắc

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM (nhiệm kỳ 2020 - 2025) từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM trải qua 4 đợt dịch, trong đó nặng nề nhất là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta (từ 27.4 - hết tháng 9.2021). Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội (giảm sâu trong năm 2021); mặc dù năm 2022 đã phục hồi nhưng cũng sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu chung của nhiệm kỳ.

Mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP.HCM thành một thành phố “giàu có”; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông Phan Văn Mãi cho hay tình hình phục hồi và phát triển TP.HCM từ tháng 1 - 9.2022 có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ; từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021 đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào 6 tháng đầu năm 2022 (và dự kiến 9 tháng sẽ đạt 9,71%). Quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch Covid-19 (quy mô kinh tế/GRDP theo giá hiện hành của thành phố năm 2022 đạt 1.481.661 tỉ đồng, tăng 137.988 tỉ đồng, tương ứng tăng 10,27% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch). Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 90% (tương đương 350.000 tỉ đồng). Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ; thu hút FDI đạt 2,91 tỉ USD.

Để có được kết quả tích cực này, ông Phan Văn Mãi cho hay trong 2 năm qua, Thành ủy TP.HCM luôn tập trung công tác lãnh đạo nhằm đổi mới công tác quản trị thành phố, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển. Song song đó, tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư; ưu tiên triển khai các dự án có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, cải thiện môi trường, các dự án giao thông trọng điểm kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía nam…

Các điểm sáng luôn xuất hiện ở thành phố

Ảnh

Tôi có một vài đề xuất mang giá trị tham khảo trong thời gian tới. Trong giai đoạn hiện nay cần phải thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức. Truyền thống của thành phố là năng động đổi mới; giai đoạn trước và giai đoạn đầu của đổi mới, các điểm sáng luôn xuất hiện ở thành phố. Hiện nay pháp luật khá đầy đủ, nhưng còn nhiều xung đột thì sự năng động, sáng tạo gặp nhiều rủi ro, các đột phá chưa có kết quả khách quan thì cán bộ có thể đối mặt với những vi phạm, phán xử hiện hữu khách quan.

Vậy thì chúng ta cùng bàn bạc tháo gỡ để vượt qua khó khăn, đó là lựa chọn duy nhất của thành phố; nếu ngồi than thì chúng ta chỉ than thở suốt thôi, còn nếu đối mặt với nó để vượt qua thì sẽ tìm cách.

Tôi nhớ lại câu chuyện được ghi trong lịch sử của Thành ủy TP.HCM, khi mua gạo cứu đói giúp người trước đổi mới, thì đồng chí Võ Văn Kiệt (khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM - PV) đã hỏi các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy rằng, các đồng chí muốn giữ được chức mà để cho dân đói, hay để dân ấm no mà chúng ta có thể mất chức, thậm chí có thể đi tù, thì chọn cái gì. Và lựa chọn của tập thể là đột phá để có gạo lo cho dân. Tôi cho rằng bài học này còn nguyên giá trị với chúng ta trong giai đoạn hiện nay, và tôi tin rằng nếu quyết tâm thì sẽ vượt qua.

TP.HCM cần khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện các khâu đột phá, nhất là hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc mà người dân đang đối mặt. Trong quá trình làm phải chặt chẽ, không lấy lý do khẩn trương để làm ẩu được. TP.HCM cũng cần nỗ lực để không nằm trong nhóm trung bình thấp về các chỉ số cải cách hành chính.

TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất chính sách mới, vượt trội trên một số lĩnh vực. Tôi đề nghị các cơ quan T.Ư tích cực hơn trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thành phố, vì giải quyết cho thành phố cũng là vì cả nước.

Ông Võ Văn Thưởng (Thường trực Ban Bí thư)

Cần cơ chế đặc thù tạo thêm động lực phát triển

Về các kiến nghị, đề xuất, ông Phan Văn Mãi nêu 5 nhóm nội dung then chốt. Trong đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trọng tâm là định hướng chiến lược, chủ trương và cơ chế để thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và phát triển. T.Ư tiếp tục chọn thành phố là nơi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của nhà nước không còn phù hợp.

Nhận diện rõ nguy cơ để chủ động ứng phó

Ảnh

Có thể khẳng định, TP.HCM có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước, giữ vững ổn định thành phố là giữ vững ổn định đất nước, thành phố phát triển là đất nước phát triển.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phải đối mặt với thách thức rất lớn, cần chủ động nhận diện rõ nguy cơ để chủ động ứng phó, giải quyết. TP.HCM là địa bàn đối mặt với nhiều loại hình tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, đô thị hóa nhanh, TP.HCM chịu nhiều áp lực, nguy cơ mất an ninh, an toàn. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đang gặp rất nhiều thách thức, với diện tích và dân số lớn dẫn đến việc khó quản lý dân cư, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quản trị xã hội, quản lý người nước ngoài, quản lý cư trú, quản lý giao thông, phòng cháy chữa cháy. Nếu lơ là, có thể xảy ra thảm họa bất cứ lúc nào, và chúng ta cũng khó cứu tế hay sửa sai...

Đại tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an)

Cùng với đó, mở rộng việc phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố; hoàn thiện về thể chế cho TP.Thủ Đức phù hợp với quy mô và vai trò theo mô hình “thành phố trong thành phố”. Có chính sách tương xứng để phát huy tiềm năng, thu hút được nguồn lực phát triển, trong đó có trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ưu tiên các nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia; đồng thời với chính sách và cơ chế huy động các nguồn lực tài chính mà thành phố có nhiều lợi thế.

TP.HCM cũng kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội quan tâm chỉ đạo tổng kết và tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) kịp thời, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện nghị quyết mới của Quốc hội. Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM. Định kỳ hằng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc với TP.HCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển.

Để mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào

Chia sẻ đây là lần thứ 15 vào thăm và làm việc với TP.HCM trên cương vị Tổng bí thư, kết luận buổi làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực trên các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà TP.HCM đang đối mặt, đặc biệt là những mất mát sau đại dịch Covid-19.

Phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực

Ảnh

Với tiềm năng, lợi thế vượt trội, TP.HCM hoàn toàn có nhiều cơ hội bứt phá mạnh mẽ hơn, hội đủ điều kiện để xây dựng, phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và thế giới. Và đây có thể là động lực mới, không gian phát triển mạnh mẽ hơn cho TP.HCM.

Vấn đề lập quy hoạch với tư duy dài hạn, chiến lược và biện pháp triển khai khả thi; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ; tiên phong trong đổi mới sáng tạo… cũng là tiền đề tạo thêm không gian phát triển cho TP.HCM.

Ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ KH-ĐT)

Theo đánh giá của Tổng bí thư, Thành ủy TP.HCM đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, xử lý có kết quả những tồn đọng, sai phạm, những vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm, trước hết là những vụ việc có sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được các cấp ủy, tổ chức đảng từ thành phố đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất nghiêm túc...

Tổng bí thư ghi nhận và đánh giá cao ý thức tự phê bình và phê bình trong việc nhận diện những mặt còn tồn tại, hạn chế của Thành ủy TP.HCM, như: vai trò đầu tàu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của thành phố đối với vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL và cả nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, chậm được khắc phục, có mặt ngày càng gay gắt hơn.

Đề cập về định hướng, nội dung trọng tâm trên các lĩnh vực công tác để TP.HCM tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Tổng bí thư lưu ý TP.HCM cần nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp đổi mới; tiếp tục tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên. Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo T.Ư, Chính phủ, Quốc hội xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ; trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV.

Theo Tổng bí thư, TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội để TP.HCM thực sự là thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh… “Để mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP.HCM thành một thành phố “giàu có”; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên”, Tổng bí thư nói.

Hoan nghênh TP.HCM đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù, Tổng bí thư chỉ rõ: “Phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm…”.

Về các đề xuất, các kiến nghị rất cụ thể, xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn phát triển của TP.HCM, Tổng bí thư đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở T.Ư theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với thành phố để giải quyết với tinh thần “TP.HCM vì cả nước” và “cả nước vì TP.HCM”; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, xứng tầm hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.