Tiếp tục chương trình nghị sự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41, sáng 9.9, đã diễn ra phiên họp Ủy ban Kinh tế AIPA với chủ đề "Vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19" dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Covid-19 đã làm đảo ngược hàng thập kỷ phát triển kinh tế
Phát biểu chào mừng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc tới các lĩnh vực hợp tác của khu vực, cộng đồng kinh tế ASEAN. Chủ đề hội nghị lần này mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách với mọi quốc gia thành viên AIPA.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong rằng Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ gợi mở và đưa ra được những khuyến nghị để các nước AIPA chia sẻ kinh nghiệm, ứng phó với tình huống khẩn cấp và đề xuất giải pháp nhằm gắn kết, phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Campuchia cũng khẳng định, đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và biến thành khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa từng có mà chúng ta chưa hiểu rõ được. Kinh tế đối mặt tăng trưởng âm toàn cầu, số người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực tăng lên. Covid-19 đã làm đảo ngược hàng thập kỷ phát triển kinh tế.
“Trong một thế giới toàn cầu hoá, không nước nào tồn tại được một mình, đặc biệt trong tình hình khủng hoảng hiện nay”, đại diện Campuchia nêu quan điểm và nhấn mạnh ASEAN cần tăng cường sự cố kết để có thể đáp ứng vai trò là khu vực quan trọng trên thế giới, để phục hồi mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Các đại biểu từ quốc gia khác tham dự hội nghị cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực. Đại diện Brunei cho rằng kế hoạch phục hồi cần ưu tiên sáng kiến giúp nhanh chóng vượt qua những ảnh hưởng, trong đó nới lỏng đi lại trong khu vực để có thể phục hồi, làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư trong nội khối.
Trong khi đó, đại diện Singapore nhấn mạnh và cho rằng trong cuộc chiến trước đại dịch mỗi nước có thể có biện pháp khác nhau để giải quyết khó khăn, song từ đó cũng có thể học hỏi lẫn nhau cũng như tìm ra các biện pháp hiệu quả khác.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19, đại diện Singapore cho biết nước này mở ra 4 loại ngân sách, gồm quỹ kiên cường, quỹ chống chịu, quỹ đoàn kết và quỹ thống nhất, 4 quỹ này được Chính phủ hỗ trợ. Bên cạnh đó, Singapore còn có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp giữ việc làm cho người lao động, chính sách nay được gia hạn đến tháng 3.2021.
Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa khu vực
Trong phần phát biểu của mình, đại diện đoàn Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cũng đồng tình cho rằng đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ.
|
“Đoàn Việt Nam quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN; gây cản trở rất lớn đến kinh tế các nước ASEAN, hoạt động thương mại nội khối và ngoại khối”, ông Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh và cho rằng liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ có tầm quan trọng sâu sắc.
Trên tinh thần đó, đoàn Việt Nam đề xuất 6 giải pháp “mang tính đột phá, khả thi” và mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện, trong đó có tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số. xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các tiểu vùng khác của ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)