Tìm giải pháp trị ngập lụt

31/08/2024 05:57 GMT+7

Không chỉ những khu vực thấp trũng, nước đã tràn lên cả vùng núi cao, tới những nơi trước nay chưa bao giờ trải qua chuyện ngập. Những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo tình trạng ngập lụt lan nhanh và rộng khắp cả nước.

Ngập không chừa vùng nào

7 giờ sáng qua 30.8, thông tin đầu tiên trong ngày mà chị Thu Hương (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) tìm kiếm trên các trang báo điện tử là dự báo thời tiết. Thấy dự báo Hà Nội có mưa rào và dông vài nơi, chị vội nhắn tin hẹn đối tác luôn vào buổi sáng, thay vì ăn trưa như dự kiến. Nguyên nhân là chiều hôm trước (29.8), chị Hương đã phải trải qua một trận mưa ngập kinh hoàng trên đường từ cơ quan chạy tới điểm hẹn. Khoảng gần 13 giờ, cơn mưa trắng trời bất ngờ đổ xuống tầm tã. Vừa kịp ghé vào gầm cầu vượt Ngã tư Sở để mặc áo mưa, chị Hương đã ướt hết áo. Chạy vội tới điểm hẹn, lúc đi tới đường Hoàng Văn Thái (Q.Thanh Xuân), nước đã lút tới quá nửa bánh xe.

"Lúc đó chỉ sợ có ai dừng lại hay tạt ngang mà mình phải chống chân xuống đất thì coi như toi đời. Đến nơi, từ trên xuống dưới ướt như chuột lột, nước mưa hòa cùng nước cống bẩn kinh khủng. Mưa bất ngờ quá nên mình cũng không kịp chuẩn bị trước để dời hẹn. Nay đi đâu cứ phải xem dự báo thời tiết từ sớm, chứ ở mấy chỗ rốn ngập như thế này, sợ lắm", chị Hương cám cảnh.

Tìm giải pháp trị ngập lụt- Ảnh 1.

Nhân dân bản Phé, xã Tông Cọ, H.Thuận Châu, Sơn La phải di chuyển bằng phao làm từ săm ô tôđể đi lấy thức ăn khi mưa lũ, ngập úng xảy ra

ẢNH: TTXVN

Suốt 1 tuần qua, những trận mưa lớn đổ xuống liên tiếp biến nhiều tuyến đường từ ngoại thành tới trung tâm TP.Hà Nội thành biển nước. Có những cơn mưa xuyên đêm với lượng mưa lớn bao trùm cả thành phố. Tại khu vực Đan Phượng hay Phú Xuyên, có những cơn mưa lớn với vũ lượng lên tới 233 - 247 mm, rất hiếm gặp. Khu vực trung tâm gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng… cũng không thoát khỏi tình trạng ngập úng với lượng mưa đo được lên tới hơn 100 mm.

Hình ảnh các phương tiện chết máy hàng loạt, người dân Hà Nội bì bõm dắt xe lội nước nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ những người dân các tỉnh thành miền Nam. Đến giờ, sự việc hàng chục bình gas trôi lênh đênh trên đường N3 (P.Mỹ Phước, TP.Bến Cát, Bình Dương) vẫn còn gây ám ảnh với nhiều người. Mưa lớn, nước ngập cuốn trôi các bình gas của một công ty sản xuất bình gas ở P.Mỹ Phước, trong khi trên đường NB16 gần đó, cũng bị nước mưa cuốn trôi nhưng không phải bình gas mà là cả chiếc ô tô.

Người dân xung quanh phải hỗ trợ tài xế "bơi" giữa đường để đẩy chiếc xe về điểm có thể cố định. Cùng với đó, hàng loạt xe máy chết máy phải chờ xe chuyên dụng của lực lượng chức năng đưa tới vùng an toàn. Gần đây, tỉnh Bình Dương liên tục xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi bị ngập nặng. TP.HCM rồi đến Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…, ngập úng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân tất cả các đô thị vùng Đông Nam bộ.

Chưa dừng lại ở vùng đồng bằng, trung du, nước còn kéo ra tới miền biển. Ghi nhận vào chiều 28.8, mưa lớn kéo dài từ 27.8 đã khiến 230 căn nhà trên địa bàn H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị ngập. Trong đó, 48 căn nhà ngập sâu phải di dời người và tài sản, 1 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái. Đặc biệt, cả vườn thanh long và nhà dân ở khu vực ven đường ĐT 719B đoạn xã Hàm Mỹ cũng bị nước nhấn chìm, khiến bà con nông dân khốn đốn. Tiến về vùng biển miền Trung, 2 năm gần đây, Đà Nẵng liên tục chứng kiến những trận mưa vượt ngưỡng lịch sử, gây ngập lụt nhiều tuyến đường khắp TP. Khái niệm "hễ mưa là ngập" từ TP.HCM giờ đã lan ra tới TP biển miền Trung, thậm chí có những khu phố còn được ghi nhận ngập tới gần 2 m.

Đô thị ngập, vùng biển ngập, đến cả những vùng núi cao như Đà Lạt, Tây nguyên, các tỉnh miền núi phía bắc cũng không thoát. Mấy ngày qua, hình ảnh thầy Hoàng Văn Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Vinh (xóm Lũng Nặm, xã Quang Vinh, H.Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) phải bơi vào kiểm tra tài sản, thiết bị giáo dục trong trường, được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Ít ai có thể hình dung đến cả vùng núi cao Đông Bắc cũng có những khu vực ngập sâu như vậy. Tốc độ thoát nước ở khu vực này còn chậm hơn các đô thị vùng trũng rất nhiều. Bước qua ngày thứ 5 sau cơn mưa, gần như cả xã vùng cao này vẫn đang chìm trong biển nước, chỉ có hai xóm với khoảng 140 hộ dân không bị ngập. Tuy nhiên, với việc các vùng xung quanh ngập nặng, hai xóm này bị cô lập tới gần 1 tuần.

Phía dưới, tỉnh Thái Nguyên cũng đang oằn mình chống lũ. Mưa lớn không chỉ gây ngập sâu mà còn làm sập một cây cầu dân sinh, chia cắt khoảng 30 hộ dân thuộc tổ dân phố Thống Nhất, TT.Quân Chu. Nhiều cầu tràn khác tại khu vực này cũng bị ngập, nước chảy siết. Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hại.

Do biến đổi khí hậu hay đô thị hóa quá nhanh?

Theo các chuyên gia, ngập lụt, sụt lún đang ngày càng lan rộng, lan nhanh một phần là do hệ lụy từ biến đổi khí hậu. Mưa lũ tràn về từ tháng 4 thay vì thường là tháng 8, mùa mưa nhưng nắng nóng phủ rộng, nhiệt độ mùa đông xuống thấp hơn, mùa hè lại lên cao hơn và kéo dài... ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, thậm chí là dị biệt. Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhìn nhận những diễn biến cực đoan của thời tiết là biểu hiện rõ nét của tác động từ biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên, điều lo ngại nhất không phải là lượng mưa tăng lên bao nhiêu, nước biển dâng lên bao nhiêu mà chính là những thiên tai dị thường ngoài tầm kiểm soát.

Tìm giải pháp trị ngập lụt- Ảnh 2.

Thầy Hoàng Văn Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Vinh (H.Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) bơi giữa biển nước để kiểm tra từng lớp học hôm 24.8

Ảnh: Chụp màn hình

Nếu ngày trước, lượng mưa trung bình năm đo được khoảng 2.000 mm, bây giờ đạt 2.100 - 2.200 mm. Đáng lo ngại là mưa gió đi về các thái cực, lúc ít quá, lúc lại đổ xuống nhiều quá. Hay như nước triều dâng, thay vì lên đỉnh vào tháng 11, tháng 12 thì nay có thời điểm lại lên cao ngay từ tháng 9. Diễn biến thời tiết cực đoan khiến các biện pháp ứng phó rất bị động. Cùng lúc nếu mưa ào xuống, triều ào lên thì không hệ thống thoát nước nào chịu nổi, không thể tránh khỏi ngập.

Bên cạnh đó, theo bà Lê Thị Xuân Lan, tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM và các đô thị đang phát triển như Bình Dương, Đồng Nai…, tình trạng bê tông hóa diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cao ốc, nhà cao tầng không chỉ khiến hiệu ứng nhiệt tăng lên, lưu thông không khí bị cản lại mà còn lấp hết các đường thoát nước tự nhiên, gây ngập úng triền miên. Đô thị hóa nhanh cũng để lại hệ lụy khi quy hoạch lệch pha giữa giao thông và xây dựng, hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa, dòng chảy bị lấn chiếm.

Đồng tình rằng tốc độ đô thị hóa là một phần nguyên nhân dẫn đến tốc độ thoát nước trong những cơn mưa lớn tại các TP chậm hơn, gây ngập úng cục bộ, song, TS Nguyễn Hữu Nguyên, hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng yếu tố lớn nhất vẫn là do hệ quả của biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Hữu Nguyên lý giải: Trước đây khi các đô thị có nhiều không gian thoát nước tự nhiên hơn thì thực tế diện tích đất ngấm nước có thể hấp thụ được khoảng trên dưới 10%. Sau đó, khi đô thị phát triển, các công trình mới mọc lên, mưa to mới ngập thì bê tông hóa có thể coi là yếu tố quyết định gây ngập.

Tuy nhiên, với diễn tiến khí hậu biến đổi, nước biển dâng lên thì giả sử giờ có bỏ hết bê tông đi thì nước biển vẫn dâng, triều cường vẫn lên, các đô thị vẫn ngập. Còn đối với các vùng đất cao như Đà Lạt, Tây nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên… thì do hệ thống thoát nước chưa theo kịp diễn biến của thiên nhiên. "Đây là những khu vực cao, dễ thoát nước, trước chưa ngập bao giờ nên chính quyền địa phương cũng chủ quan. Nhưng, giờ thiên tai bất thường, mưa lớn hơn, nhiều hơn, hệ thống thoát nước chưa đạt yêu cầu, chưa kịp duy tu sửa chữa, nâng cấp, nên ngập thôi", TS Nguyễn Hữu Nguyên chỉ rõ.

Tăng không gian thoát nước, dứt điểm các công trình lớn

Theo thống kê, Hà Nội, TP.HCM và các địa phương mỗi năm đều chi ngân sách lớn để triển khai nhiều giải pháp chống ngập như nâng cấp hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, xây dựng bản đồ số về các điểm ngập, sử dụng "siêu máy bơm" chống ngập… Thế nhưng, cứ điểm ngập này được xóa thì nước lại tràn sang điểm khác, ngập vẫn hoàn ngập.

Tìm giải pháp trị ngập lụt- Ảnh 3.

Người dân TP.HCM ngao ngán cảnh ngập nước

Ảnh: Phạm Hữu

Chuyên gia đô thị - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng gốc rễ của vấn đề là do phát triển đô thị thiếu bền vững, thiếu quy hoạch không gian dành cho nước. Cụ thể, thiếu bền vững là hạ tầng thoát nước không tương xứng với diện tích sàn mét vuông đất tăng thêm. Thậm chí nhiều khu vực chỉ xây nhà mà không có hạ tầng thoát nước. Cùng với đó, các địa phương phát triển bê tông hóa cao nhưng lại dành rất ít không gian xanh cho mặt nước. Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng hơn với những vùng đất cao bởi có thêm yếu tố về độ dốc, nước không có chỗ thấm, theo dốc đổ xuống sẽ càng khó thoát, sinh ra lũ…

Với góc nhìn như vậy, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM nói riêng cũng như các đô thị mới nói chung muốn giải quyết tận gốc vấn đề ngập lụt thì cần rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian và phát triển hạ tầng, cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị, trong đó quy hoạch lại không gian dành cho nước. Những khu vực đang có công viên bị lấn chiếm, sông hồ bị lấp… thì nên trả lại không gian xanh. Ở những khu vực đã xây dựng dày đặc, không còn diện tích, không gian xanh mặt nước nữa thì buộc phải có những giải pháp công trình như xây hồ điều tiết ngầm. Song song, cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị cũng như cách thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên đặc biệt nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả các công trình chống ngập theo nguyên tắc kết hợp quy mô công trình từ lớn đến trung đến nhỏ. Cụ thể, để giải quyết phần thoát nước thì cần rà soát, hoàn thiện, nâng cấp toàn bộ hệ thống thoát nước theo kịch bản những cơn mưa sẽ ngày càng lớn hơn, lượng nước nhiều hơn. Đối với các trường hợp nước ngập do triều như tại TP.HCM, phải tính toán tới những công trình đê bao, nếu không làm đê bọc hết được phía tây TP thì có thể làm từng khu vực, kết hợp với máy bơm hay những công trình nhỏ tại nhà dân do người dân tự khắc phục.

"Chúng ta không thể đôn nền toàn TP, cũng không thể dời TP đi chỗ khác hay mong hết ngập hoàn toàn được. Phải xác định sống chung, nhưng không có nghĩa là cứ để nước ngập hết đường, hết nhà, mà sống chung theo nghĩa tìm cách khắc phục thường xuyên. Mỗi nhà dân, người dân tự có ý thức, có phương án chống ngập tràn vào nhà mình; còn TP thì phải có những công trình trung, công trình lớn tiêu thoát nước, ngăn triều dựa trên những kịch bản thiên tai xấu nhất. Quan trọng là tiến độ các dự án phải được đảm bảo, làm nhanh, làm đúng hạn, dứt điểm, không để lỗi thời", TS Nguyễn Hữu Nguyên nêu ý kiến.

Tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận công tác quy hoạch hiện chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế tại các địa phương.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp, thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung xây dựng luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; luật Cấp thoát nước, luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải. Thứ hai là nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Thứ ba là tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị. Giải pháp thứ tư là tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý, thoát nước thải đô thị.

Cũng chính việc xây dựng nhiều hơn các công trình lớn, cùng với khai thác cát tràn lan, khai thác nước ngầm quá dữ dội nên tình trạng sụt lún của vùng ĐBSCL cũng như TP.HCM đang diễn ra với tốc độ khốc liệt. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ngập lụt trong đô thị.

Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.