Tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh quanh những ngôi sao chết

Khánh An
Khánh An
16/05/2020 15:00 GMT+7

Chuyên san Astrophysical Journal Letters vừa đăng nghiên cứu của các nhà thiên văn học tại Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng có thể có sự sống trên các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời hiện xoay quanh những sao lùn trắng.

Sao lùn trắng là thiên thể được tạo ra khi các ngôi sao có khối lượng thấp và trung bình “chết”, tức tiêu thụ hết nhiên liệu phản ứng hạt nhân bên trong. Các chuyên gia cho rằng khả năng tìm kiếm sẽ thuận lợi hơn khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đưa viễn vọng kính James Webb vào không gian thay cho viễn vọng kính Hubble trong thời gian tới.
Theo nghiên cứu, các sao lùn trắng có kích cỡ tương đương trái đất và môi trường khá ổn định trong hàng tỉ năm sau khi nguội dần nên nhiều khả năng có thể ẩn chứa dấu vết của sự sống. Bầu khí quyển của những hành tinh xoay quanh chúng có ánh sáng yếu hơn các ngôi sao mới nên viễn vọng kính hiện đại có thể tìm thấy các yếu tố liên quan đến sự sống như ô zôn và khí mê tan.
“Chúng tôi từ lâu đã muốn biết rằng liệu ánh sáng từ sao lùn trắng - ngôi sao đã chết từ lâu - có cho phép chúng ta quan sát được sự sống trong bầu khí quyển của hành tinh quanh chúng hay không”, theo bà Lisa Kaltenegger, Giám đốc Viện Carl Sagan tại Đại học Cornell. Dự kiến NASA sẽ đưa viễn vọng kính James Webb lên không gian vào năm 2021 với khả năng nhạy bén hơn cả viễn vọng kính Hubble trong việc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.