Tìm lại dấu xưa: Cây cổ thụ bạch mai 300 năm

Hoàng Phương
Hoàng Phương
07/03/2024 07:12 GMT+7

Sài Gòn xưa có cây mai đặc biệt bông trắng, lá xanh, thân và tang rất lớn, mỗi năm hoa nở một lần vào rằm Thượng Ngươn, ở vùng Chợ Lớn. Vì cây mai mọc trước chùa nên gọi là chùa Cây Mai. Khi Pháp chiếm Sài Gòn, chùa Cây Mai bị giặc biến thành đồn và tên gọi đồn Cây Mai có từ đó.

Tao đàn thi xã Bạch Mai

Có nhiều sách báo chép về bạch mai. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả chi tiết: "Gò Cây Mai cách trấn lỵ 30 dặm rưỡi về phía nam. Gò đất nổi cao, nhiều cây mai già cỗi xòe tàn, nhưng lúc nở không bung trắng như tuyết, chỉ dựa trên lá giữ mùi thơm, giống mai này thụ linh khí mà mọc, không đem trồng nơi khác được. Trên có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh Phật, chiều khua chuông lớn, âm thanh vang vọng trong mây khói, tựa như ở núi Linh Thứu giữa cõi Phật. Suối trong quanh chân gò, buổi chiều các cô gái chống xuồng hái sen. Ngày tốt tiết lành, thi sĩ văn nhân quảy vò bưng rượu leo từng bậc mà lên, ngâm vịnh dưới hoa nơi đầu gò, câu chữ ngát hương, thật là một thắng cảnh cho người du lãm".

Tìm lại dấu xưa: Cây cổ thụ bạch mai 300 năm- Ảnh 1.

Bài báo nói về bạch mai trên giai phẩm Thần Chung xuân Nhâm Thìn 1952

Tư liệu

Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa, chùa Cây Mai có tên chữ là Thứu Lãnh tự và Mai Sơn tự, khi xưa cất trên nền một ngôi chùa cổ của người Khmer, xung quanh có ao rộng và sâu. Mỗi năm, ở đây tổ chức đua ghe ngo vào đầu mùa và cuối mùa làm ruộng. Thời Minh Mạng, chùa được tu bổ lại. Tương truyền Nguyễn Tri PhươngPhan Thanh Giản có lập ở đây một nhà thủy tạ có gác cao. Tại chùa còn có cội mai già bông trắng, từng trải mấy phen biến cố và đã làm đầu đề cho một bài thơ của Tôn Thọ Tường.

Chuyện kể rằng vào năm Canh Tý 1840, trong lúc đang học ở Huế, được tin cha mất, Tôn Thọ Tường bỏ học về quê chịu tang. Ba năm sau, Tôn cưới vợ người Chợ Lách, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Lấy vợ xong thì trở ra kinh, lấy tư cách dòng dõi công thần mà xin tập ấm. Triều đình chiếu lệ ban cho Tôn võ hàm Ân kỵ úy, viện lẽ rằng nội tổ của Tôn là công thần phái võ. Nhưng Tôn không hài lòng vì sở trường của ông ta là văn nên cố xin tập ấm theo hàm văn. Triều đình không chấp thuận nên ông trở về Gia Định.

Tìm lại dấu xưa: Cây cổ thụ bạch mai 300 năm- Ảnh 2.

Chùa Sắc tứ Linh Thứu ở Tiền Giang

Hoàng Phương

Đến kỳ thi Hương ở Gia Định năm 1855, Tôn Thọ Tường ra thi nhưng lại hỏng vì phạm trường quy. Ba năm sau, kỳ thi Hương 1858, Tôn không ra thi nữa mà chỉ ngồi xem người ta thi. Bấy giờ, trong đám học trò đi thi có nhiều kẻ con nhà quyền quý mà học dốt. Biết Tôn có tài nên tới nhờ thi thế và ông nhận lời. Sự việc bại lộ, Tôn bị bắt giải về kinh.

Sách Điếu cổ Hạ kim, Nguyễn Liên Phong chép: "Khi Tôn bị giải tới kinh, vua Tự Đức dạy quan thanh tra rằng: "Trẫm nghe tiếng Tôn Thọ Tường làm thơ Nôm hay lắm. Nhà ngươi thử hỏi nó lúc đi đường có làm bài nào hay không? Nếu có thì dâng lên cho trẫm xem?" Tôn bèn viết bài thơ tự thuật, dâng lên vua. Vua xem rồi ngẫm nghĩ giây lâu, cho đòi Tôn vào yết kiến và phán: "Trẫm xem bài thơ của mi làm. Tội mi lẽ thời phải trừng trị, song vậy mà trẫm tưởng vì con nhà dòng dõi trâm anh". Liền dạy quan thanh tra xá tội, lại còn thưởng cho năm chục lượng bạc về Nam Kỳ".

Trở về Gia Định, Tôn lấy văn chương tiêu khiển, chiêu tập văn nhân thi sĩ lập ra nhóm thi xã Bạch Mai, lấy chùa Cây Mai làm nơi tụ họp, ngâm vịnh. Theo Nguyễn Bá Thế, đặt tên thi xã Bạch Mai vì bấy giờ có một loại hoa mai cánh trắng rất khó trồng, nhưng trồng được thì sự đẹp đẽ thanh tân khôn xiết tả.

Khi Pháp chiếm Sài Gòn, thì chùa Cây Mai bị biến thành đồn Cây Mai. Vì vậy mà Tôn Thọ Tường có bài Vịnh chùa Cây Mai nổi tiếng: "Đau đớn cho mai cách dưới đèo/Mười phần trong sạch phận cheo leo/Sương in tuyết đóng nhành thưa thớt/Xuân đến thu về sãi quạnh hiu!/Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế/Tò le kèn lạ mặt trời chiều/Những tay rượu thánh thi thần cũ/Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu".

Thời bấy giờ, trong dân gian có câu ca dao: "Lớp sau Thanh Giản tiếng đồn/Là Phan Hiển Đạo với Tôn Thọ Tường/Ông thời nho nhã văn chương/Ông thời thi phú tót đường diệu công". Sau khi hòa ước Nhâm Tuất 1862 ký kết, Tôn bắt đầu rẽ sang con đường làm việc cho Pháp.

Ngoài cây bạch mai nói trên, tờ giai phẩm Thần Chung xuân Nhâm Thìn 1952 có bài viết về 2 cây bạch mai khác ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và chùa Sắc tứ Linh Thứu (nay thuộc xã Thạnh Phú, Châu Thành, Tiền Giang). Theo ký giả Dã Hạc, ở Nam Việt thời điểm đó có 3 cây bạch mai. Cây bạch mai thứ hai trước một ngôi chùa dưới chân núi Bà Đen mà tác giả nói đã chính mắt nhìn thấy vào năm 1932. "Riêng cây bạch mai ở chùa Sắc tứ Linh Thứu gốc không to nhưng cành nhiều. Các vị lão thành mà tôi hỏi qua đều bảo cây mai này được chiết ra từ một nhánh của bạch mai ở chùa Cây Mai, Chợ Lớn". Nhưng cây bạch mai này hiện không còn.

Trong khi đó, cách chùa Linh Thứu khoảng 20 km, hiện vẫn còn một cội bạch mai khác đã tồn tại hơn 300 năm tại đình Phú Tự (ấp Phú Hào, P.Phú Hưng, TP.Bến Tre). Đình Phú Tự được xây dựng trên 300 năm khi những lưu dân Việt đầu tiên đặt chân tới vùng đất này phá rừng, lập ấp. Cội bạch mai hiện có tàng rất lớn, đường kính rộng khoảng 5 - 7 m, nằm ngay trước sân đình, lá xanh um, thân cây sần sùi, rêu mốc. Đây là cội bạch mai độc đáo và độc nhứt của toàn vùng.

Trong khi mai vàng mỗi năm phải lãi (lặt) lá và trổ bông một lần vào dịp Tết Nguyên đán thì bạch mai không cần lãi lá mà bông vẫn nở rộ vào thời điểm rằm tháng giêng. Trước khi trổ bông, từ trong cành cây nhú ra những chùm nụ màu xanh, tròn, to gần bằng trái sung. Những nụ ấy sẽ nở ra những bông hoa 4 cánh trắng tinh với chùm nhụy vàng rất đẹp và tỏa ra mùi thơm dịu dàng, lan tỏa cả một vùng. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.