Nhớ nhà báo Đinh Phong - Một cây cổ thụ của làng báo Việt Nam

18/09/2020 06:44 GMT+7

Đầu năm 1967, Báo Nhân Dân dành 3 số báo (từ ngày 6.1.1967 - 8.1.1967) để tường thuật, tuyên truyền Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước được tổ chức tại Hà Nội.

Nhà báo Đinh Phong được chọn đi viết tuyên truyền cho đại hội. Ông đã viết về nhân vật Anh hùng Vai (Hồ Đức Vai) - một anh hùng quân đội người dân tộc Vân Kiều đến từ Tây nguyên. Còn nhà báo Trần Đình Vân viết tác phẩm Sống như anh về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Các cuốn sách về tấm gương anh hùng dũng sĩ miền Nam hồi đó in khổ nhỏ được bọn trẻ chúng tôi truyền tay nhau đọc say mê. Tôi lúc đó là đứa bé trên 10 tuổi, có ba mẹ làm trong Báo Nhân Dân nên cũng được quen biết các nhà báo hồi ấy. Sau đợt viết về Đại hội Chiến sĩ thi đua, nhà báo Đinh Phong cùng nhiều nhà báo nổi tiếng của Báo Nhân Dân lên đường vào chiến trường.
Sau năm 1975, gia đình tôi vào Sài Gòn sinh sống. Nhà báo Đinh Phong cũng rời chiến trường, trở về công tác tại Đài truyền hình TP.HCM với cương vị Phó giám đốc. Rồi sau đó ông là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM.
Trong suốt thời gian sau 1975, tôi học ngữ văn và báo chí rồi trở thành đồng nghiệp của ông. Tôi có nhiều bài phỏng vấn ông, nhiều buổi học nghiệp vụ do ông dạy, dự nhiều cuộc họp do ông chủ trì. Tôi cũng là người hâm mộ ông, bởi những tố chất mà một người cầm bút cần có thì ở ông thuộc loại thượng thừa. Bắt đầu khởi nghiệp từ lúc rất trẻ ở báo Đảng, ông trải nghiệm hầu hết các lĩnh vực trong nghề nghiệp, từ phóng viên tập sự với các nhà báo nổi tiếng đến việc độc lập tác chiến khi thường trú ở Quảng Ninh. Ông từng phụ trách mảng bưu điện trong nhiều năm liền. Nhưng với nhiều ban ngành, với nhiều tỉnh, nhiều đơn vị quân đội và lực lượng làm báo trong chiến khu (R) thì ông cũng thân thiết đến nỗi có thể nhắc tên từng cán bộ, nhớ từng kỷ niệm, chia sẻ mọi chuyện vui buồn cùng mọi người dù hàng chục năm đã trôi qua.
Nhà báo Đinh Phong tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực báo chí, văn học, điện ảnh, truyền hình, du lịch, giảng dạy... và là người sáng lập, nhà tổ chức, ban giám khảo... của nhiều phong trào, cuộc thi, giải đua xe Cúp truyền hình, Tiếng hát truyền hình, các giải nghề nghiệp.
Tôi may mắn được tham gia khá nhiều sự kiện cùng ông. Ấn tượng của tôi là ông luôn có một năng lượng dồi dào để viết, để nói, để hoạt động, cho dù có nửa đêm tôi “dựng” ông dậy để phỏng vấn thì chỉ sau vài giây là ông có thể bắt đầu trả lời một cách suôn sẻ, mạch lạc, đâu vào đấy. Trong mỗi phát biểu của ông luôn có sự phát hiện, sự tìm tòi, không rập khuôn và luôn chỉ ra hướng cải thiện vấn đề đang tồn tại.
Khối lượng tác phẩm sách báo và truyền hình của nhà báo Đinh Phong thật đáng nể. Một trong những dấu ấn để lại trong tôi, đó là khi mọi người đặt ra vấn đề: “Có nên có khen thưởng chức danh nhà báo nhân dân, nhà báo ưu tú như các lĩnh vực khác không?” thì nhà báo Đinh Phong có ý kiến không đồng tình. Ông nói: “Danh hiệu của nhà báo là do bạn đọc phong tặng thông qua các tác phẩm của họ”.
Khi tôi đến thăm, ông nói: “Làm nghề báo phải có đóng góp bằng những tác phẩm. Điều tôi tự hào nhất, hạnh phúc nhất là sau khi Bác Hồ mất, mọi người thấy trên bàn của Bác có hai cuốn sách của nhà báo Đinh Phong”.
Nhà báo Đinh Phong (tên thật Nguyễn Văn Túc), sinh năm 1938, quê quán: Thừa Thiên-Huế, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, từ trần ngày 17.9.2020, hưởng thọ 83 tuổi.
Lễ viếng nhà báo Đinh Phong được cử hành lúc 9 giờ ngày 19.9.2020 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 20.9.2020, an táng tại Nghĩa trang Thành phố (Củ Chi).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.