Nghe mãi mà thuộc chứ chẳng hiểu Bàu Ấu xứ ở đâu và nghĩa làm sao? Hóa ra là một bàu nước có nhiều củ ấu rồi thành tên gọi một vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử. Tên Bàu Ấu giờ "hóa thân" vào cây cầu sắt ở phía bắc gác chắn đường lên Sơn Hà: cầu Bàu Ấu. "Trùm" lên xứ Bàu Ấu ấy là Hà Nhai, từ xã qua thôn.
TỪ TÊN XÃ SANG TÊN THÔN
Câu mở đầu cho mỗi lệ cúng là nói từ thời trước năm 1975. Hồi ấy, huyện được gọi là quận, Sơn Trung là đơn vị hành chính của xã (Tịnh Hà ngày nay), Hà Nhai là ấp. Thói quen ấy, các cụ cao niên vẫn duy trì cho đến sau ngày thống nhất đất nước.
Nhiều người ở thôn Hà Nhai hiện nay vẫn thường thắc mắc điều này: Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) lúc làm tuần vũ Quảng Ngãi (1750) có bài thơ Hà Nhai vãn độ (cảnh đò chiều ở bến Hà Nhai), nói về cảnh đẹp và buồn mênh mang của dòng sông Trà ở bến đò Hà Nhai, trong khi đó thôn Hà Nhai hiện nay thì cách bến đò trong thơ của Nguyễn Cư Trinh những 2 - 3 cây số! Có nhầm lẫn gì đây chăng? Hoàn toàn không có sự nhầm lẫn nào cả. Sự "dịch chuyển" của các địa danh đã dẫn đến sự "vô lý" trên đây.
Trước đây, Hà Nhai là tên của một xã thuộc tổng Tịnh Thượng, phủ Bình Sơn, bao gồm các thôn Hà Nhai, Ngân Giang, Thọ Lộc và một phần của thôn Trường Xuân ngày nay. Sau này, xã Hà Nhai được đổi thành xã Tịnh Hà (sau năm 1945 và sau 1975) rồi Sơn Trung (sau năm 1954 - 1975). Nó cũng được chia nhỏ ra nhiều thôn, trong đó vẫn giữ lại tên gọi cũ, tức Hà Nhai nhưng lại là đơn vị hành chính của một thôn.
Tuần vũ Nguyễn Cư Trinh vịnh 12 cảnh đẹp, trong đó có "Hà Nhai vãn độ" từ lúc nó còn là đơn vị hành chính của một xã. Vậy nên, bến đò ven sông Trà ấy thuộc xã Hà Nhai ngày trước chứ không phải là thôn Hà Nhai bây giờ.
RUỘNG CÔNG, ĐẤT CÔNG
Sự "vô lý" thứ hai cũng được nhiều người thắc mắc: Vì sao dân thôn Hà Nhai mà có công điền công thổ tận Thọ Lộc? Như đã nói trên đây, công điền của Hà Nhai nhưng nằm ở Thọ Lộc là vì số ruộng công ấy đã có từ thời còn là xã Hà Nhai. Công điền, công thổ là đất canh tác của làng chứ không thuộc cá nhân hay tổ chức nào.
Trước năm 1945, mỗi ngôi làng truyền thống của người Kinh (như Hà Nhai chẳng hạn) đều có một số đất dưới dạng ruộng công do hội đồng kỳ dịch quản lý. Công điền có nhiều hạng tùy theo hương ước của làng đề ra. Thường thì ruộng công được dùng vào mục đích cho thuê để thu lợi nhuận nhằm trang trải chi phí cho làng qua các "lệ" cúng giỗ, thanh minh và các hoạt động phục vụ cộng đồng khác.
Số ruộng công này cũng dành ra một phần diện tích để giúp đỡ cho những người cùng cố là công dân của làng bằng việc cho thuê ruộng hoặc giúp những người có công lớn với làng. Giúp ở đây được hiểu là làng cho thuê một số diện tích đất công ấy chứ không phải cho không. Dù là với mục đích gì, ruộng công khi giao cho người canh tác thì cũng không được phép chuyển nhượng quyền sở hữu mà chỉ giao cho quyền canh tác tạm thời.
Xã Hà Nhai thời phong kiến có đến 52 mẫu công điền thuộc địa phận thôn Thọ Lộc ngày nay. Nhờ quản lý tốt số công điền này nên hằng năm, ngoài chi dùng cho việc làng, số lãi còn lại, hội đồng kỳ dịch quyết định mua thêm đất. Do vậy, Hà Nhai mới có 42 mẫu ruộng công nữa ở Thành Bàu (gần ga Đại Lộc thuộc xã Tịnh Thọ ngày nay).
Ông Nguyễn Tùng, trước năm 1975 là ấp trưởng ấp Hà Nhai từ năm 1964 -1975 là người trực tiếp đi đo đạc toàn bộ diện tích công điền của ấp Hà Nhai thời ấy, giải nghĩa: "Không phải xã nào cũng có công điền đâu mà thường là những địa phương "có uy", tức là những bậc tiền hiền đi khai khẩn đất hoang, trong đó có cả những vị chức sắc "có tâm". Họ dành một số diện tích đất khai hoang để sung vào "đất công". Đất ấy sẽ sử dụng vào những mục đích cho thuê để lấy lãi nhằm phục vụ cho các chi phí việc công ở làng, tưởng thưởng cho người có công lớn…".
TÊN GỌI MỘT VÙNG ĐẤT
Có lần tôi hỏi cha tôi về tên gọi Bàu Ấu xứ, ông giải thích: Bàu Ấu là bàu nước có nhiều cỏ ấu, thế thôi. Chỗ cầu Bàu Ấu hiện nay, nguyên nó là một bàu nước chứ chưa thành kênh như bây giờ. Năm 1947, chính quyền Việt Minh đã huy động sức dân đào một kênh nối với sông Trà, bắt đầu từ thôn Ngân Giang xuyên qua Bàu Ấu, chạy thẳng xuống cầu kênh băng qua quốc lộ 1, thẳng tới Tịnh Hòa. Con kênh Sơn Tịnh này là công trình thủy lợi quan trọng nhất thời Việt Minh, nó giải hạn cho hàng trăm héc ta đất phía bắc sông Trà mà hệ thống kênh dẫn của bờ xe nước sông Trà không vươn tới được. Nó cũng góp phần rửa mặn cho cánh đồng Châu Me xã Tịnh Hòa.
Các lão nông ở huyện Sơn Tịnh từng sống qua thời Việt Minh hẳn còn nhớ là dọc theo con kênh đào hàng chục cây số, chỉ làm ban đêm vì sợ máy bay Pháp và hoàn toàn bằng sức người này, có rất nhiều "xe nước một bánh", cần mẫn mang nước ngọt lên đồng, tưới tắm cho hàng trăm héc ta dọc hai bên kênh vào mỗi mùa nắng hạn.
Xứ Bàu Ấu giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người già. Thậm chí, tên gọi ấy cũng không còn thấy xuất hiện trong các lễ cúng thanh minh nữa. Tôi viết những dòng này với mong muốn đánh thức một địa danh "Bàu Ấu xứ" như một sự tri ân những bậc tiền nhân đã có công khai mở ngôi làng ấy từ 500 năm trước. (còn tiếp)
Bình luận