Tìm lại dấu xưa: Trăm năm bến Củi

Phạm Anh
Phạm Anh
14/03/2024 07:23 GMT+7

Bến Củi trên sông Trà Bồng (nay thuộc TT.Châu Ổ, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã từng tồn tại hàng trăm năm, thương thuyền khắp nước, và cả từ Trung Quốc, đã vào đây mua bán.

BẾN CŨ, ĐÒ XƯA

Theo nhiều vị cao niên, đoạn sông Trà Bồng chảy qua H.Bình Sơn ngày xưa có hàng loạt bến đò. Khi đó chủ yếu là đi bộ và ngựa, nhưng ngựa là hàng xa xỉ, chỉ có quan lại và nhà giàu mới có tiền mua nên người dân sống dọc hai bờ sông Trà Bồng đi lại, vận chuyển bằng đường thủy là thuận lợi nhất.

Tìm lại dấu xưa: Trăm năm bến Củi- Ảnh 1.

Bờ kè phía tây sông Trà Bồng (TT.Châu Ổ, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) là nơi vết tích bến Củi một thời

PHẠM ANH

Bến đò dọc sông này thường hay lấy tên người, hoặc gắn với việc giao thương mà đặt ra. Điển hình như đoạn sông Trà Bồng từ TT.Châu Ổ lên xã Bình Mỹ (H.Bình Sơn) có hàng loạt bến đò: bến Thủ, bến Trường, bến Đụn, bến Củi, bến Thạch An… Gắn với những bến đò thường có chợ mua bán gần đó.

Theo cụ Nguyễn Tòa (84 tuổi, ở tổ dân phố An Châu, TT.Châu Ổ), ở thôn An Châu ngày xưa có bến Thủ, vốn là tên của một người ở sát bến đò. Bến luôn tấp nập ghe thuyền, có cả ghe bầu về đây mua bán. Ngay từ sáng sớm, bến này đã đông người, phần thì người chen chúc qua sông, phần thì ghe thuyền bán mua. Người bản xứ bán chè xanh, các loại bánh và đồ ăn uống, hàng nông sản.

Đến nay, khi giao thông phát triển, bến Thủ giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người già. Một số người cho rằng, bến Thủ ngày trước giờ đã có cây cầu bắc ngang từ xã Bình Dương qua Giao Thủy (TT.Châu Ổ) nên đò không còn nữa. Giống số phận như bến Thủ, hàng loạt bến đò dọc sông Trà Bồng cũng phôi phai theo năm tháng, rồi lãng quên dần.

Ngược sông Trà Bồng, chúng tôi đến xã Bình Mỹ (H.Bình Sơn) để tìm đến bến đò Thạch An đi sang xã Bình Minh (H.Bình Sơn). Bến đò này vẫn còn nhưng chỉ vài năm nữa cũng sẽ thành quá vãng, bởi đã có cầu bắc qua sông Trà Bồng.

Theo ông Phan Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Mỹ, sát bến đò Thạch An có chợ Thạch An. Trong cuốn Dư địa chí Quảng Ngãi, chợ Thạch An tồn tại 400 năm qua. Xưa, chợ này có một góc nhỏ chỉ bán trầu nên nhiều người nói đó là chợ Trầu. Ông Tuấn cho biết một nhà nghiên cứu văn hóa từng nói mấy trăm năm trước có thương thuyền người Hoa từng đến chợ Thạch An bán đồ gốm sứ, vải vóc… và mua về đường, quế, trầu và các sản vật từ miền thượng Trà Bồng. Cũng theo đó, tại xã Bình Mỹ hiện có họ Lăng, Đinh… được cho là gốc người Hoa, từng đến mua bán và định cư nơi này.

GẮN VỚI LÀNG GỐM Mỹ Thiện

Bến Củi ở TT.Châu Ổ từng tồn tại hàng trăm năm và gắn với làng nghề gốm Mỹ Thiện nổi tiếng nhưng giờ không còn dấu vết. Nơi ấy, bây giờ là bờ kè và nhà cửa san sát.

Ông Đinh Tấn Tiến (63 tuổi, ở TT.Châu Ổ) cho biết làng Mỹ Thiện xưa có hai xóm: xóm Gốm và xóm Củi. Tên xóm gắn với nghề. Ở xóm Gốm hầu hết các hộ làm gốm (gốm Mỹ Thiện), còn xóm Củi là nơi cung cấp củi để đưa vào nung gốm Mỹ Thiện.

Tìm lại dấu xưa: Trăm năm bến Củi- Ảnh 2.

Lò nung gốm ở làng gốm Mỹ Thiện còn sót lại

PHẠM ANH

Ngày trước, khi chưa có bờ kè, bờ sông ở sâu trong xóm Gốm. Từ sông Trà Bồng vào xóm Gốm, người dân đào một lạch nước sâu vài mươi mét, rộng cũng hàng chục mét. Sau này, qua nhiều trận lụt, sông Trà Bồng bồi, lở nhiều lần. Con lạch cũng cạn dần và bờ sông lùi xa dần xóm Gốm. "Xóm Củi là bãi bồi bên sông ngày xưa. Sau đó, người dân mới di cư ra làm nhà ở. Xóm Củi ra đời sau xóm Gốm", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, bây giờ, người dân ở xóm Củi khi đào móng xây dựng nhà cửa vẫn phát hiện dây neo nằm sâu dưới cát. Có thể đây là dấu vết của tàu thuyền neo đậu tại bến Củi ngày xưa. Vị trí Trường mầm non Họa Mi bây giờ chính là nơi chất củi để nung gốm ngày xưa.

Cụ Phạm Hậu (94 tuổi, ở làng Mỹ Thiện) cho biết ngày trước làng gốm Mỹ Thiện rất sầm uất. Cả làng tập trung làm gốm cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho thương lái các nơi, bán cho cả thương thuyền Trung Quốc. Hồi đó, sông Trà Bồng nước sâu chứ không cạn như bây giờ, mùa nắng luôn có cả chục ghe bầu chực sẵn lấy gốm Mỹ Thiện chở đi. Lúc ấy người dân còn gánh gốm sau khi nung ra bờ sông Trà Bồng cho thương thuyền, nhưng con lạch chảy ra sông chính là đường vận chuyển gốm thuận lợi nhất để đưa ra bến Củi rồi vận chuyển lên thuyền buôn.

Đến năm 1982, làng gốm Mỹ Thiện thành lập hợp tác xã và dù chỉ làm 6 tháng/năm nhưng rất sung túc, thịnh vượng, thậm chí hàng không đủ giao cho khách. Khoảng từ năm 1992, làng gốm làm ăn thất bát dần. Lý do chính là vì thiếu nguyên liệu đất sét và củi nung gốm. Đến nay, cả làng này chỉ còn vợ chồng ông Đặng Trịnh (63 tuổi) còn giữ lửa nghề để mưu sinh.

Vào thăm lò gốm của ông Trịnh, so với 10 năm trước, vợ chồng ông sản xuất tất bật hơn. Đó là nhờ sự hỗ trợ thông tin của địa phương. Thêm vào đó, tay nghề khéo léo của vợ chồng ông Trịnh đã thu phục được khách hàng gần, xa. Khi trò chuyện, ông Trịnh say sưa nói về bến Củi, làng Gốm xưa, pha một chút luyến lưu.

Bây giờ, cuộc sống thay đổi, cả làng không còn người theo nghề truyền thống cha ông để lại, ngay con của ông Trịnh cũng không chọn nghề gốm. "Nghề nắn, tạo hình gốm chỉ truyền cho phụ nữ, mà nay cả làng chỉ có một mình tôi biết và làm. Nguy cơ nghề gốm thất truyền quá rõ", bà Phạm Thị Cúc (vợ ông Trịnh) nói.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi (nhà nghiên cứu ở Quảng Ngãi), thương thuyền vào cửa Sa Cần (H.Bình Sơn) có dấu vết từ thời Đường, Minh, Thanh. Hải trình của họ là ghé vùng biển Sa Cần để lấy nước ngọt và sau nữa là hình thành con đường buôn bán trên biển để mua bán đồ gốm sứ Đông Nam Á. Khi ấy sông Trà Bồng nước sâu, tàu buôn Trung Quốc cập vào bến Củi, bến Thạch An và chợ Châu Ổ, chợ Thạch An là có cơ sở. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.