Tìm lại dấu xưa: Ngôi chùa cổ có tượng phúc thần Ganesha với 2 'trứng Phật'

Phạm Anh
Phạm Anh
13/03/2024 07:25 GMT+7

Cửa biển Sa Cần có nhiều di tích gắn với những giai thoại bí ẩn do người xưa để lại như: miếu thờ bà Võ Hậu, giếng Tiên… nhưng bí ẩn nhất là Linh Tiên tự với giai thoại về việc xây chùa năm 1545 và tượng phúc thần Ganesha với "trứng Phật".

Xây chùa xua đuổi thú dữ

Theo hướng dẫn của người dân, vào một buổi chiều muộn, chúng tôi đến Linh Tiên tự (còn gọi là chùa Linh Tiên, ở thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Tìm lại dấu xưa: Ngôi chùa cổ có tượng phúc thần Ganesha với 2 'trứng Phật'- Ảnh 1.

Tượng thần mình người đầu voi Ganesha trong Linh Tiên tự

PHẠM ANH

Ngôi chùa khá đẹp, cách cửa biển Sa Cần chừng hơn 100 m. Linh Tiên tự uy linh hướng về phía nam, lưng dựa vào núi, bên trong có nhiều tượng Phật.

Đại đức Thích Tịnh Nghĩa, trụ trì Linh Tiên tự, cho biết do chùa cũ nằm phía sau lưng nhà máy xi măng Đại Việt nên chùa dời ra xây tại đây. Theo vị đại đức này, Linh Tiên cũ ở thôn Tân Hy 1 được xây dựng từ năm 1545 bởi dòng họ Ngô Công được cho là từ Nghệ An vào lập nghiệp trên đất này.

Chuyện kể rằng, ông tổ dòng họ Ngô ở xứ này là Ngô Công Đường và con là Ngô Công Từ. Khi hai cha con đến lập nghiệp, vùng đất Tân Hy ở cửa biển Sa Cần còn hoang vu. Nơi sông Trà Bồng đổ ra biển ở cửa Sa Cần có nhiều ngọn núi trấn giữ đôi bờ. Giữa cửa biển lại có hai hòn núi, gần là hòn Bà, xa hơn là hòn Ông. "Hòn Ông, hòn Kẽm, hòn Bà/Hòn Ông ai đắp, Cổ Ngựa bà ai xây" câu ca dao mà người dân vùng này hay hát về cửa biển quê mình.

Thời đó, vùng núi này có nhiều thú rừng, nhất là cọp. Thấy không an toàn cho người đi lại, hai cha con họ Ngô phát nguyện lập am thờ Phật trên núi. Từ đó, tiếng chuông chùa từ bi ngân xa, tiếng kinh kệ tụng niệm hằng ngày đã cảm hóa, xua đuổi đàn thú dữ đi nơi khác. Nhờ vậy, dân tứ xứ đi lại làm ăn hay đến chùa thăm viếng, góp công góp sức xây chùa. Cũng vì đó, vùng đất này có tên là xóm Đồng Chùa, ngọn núi dựng am thờ Phật của cha con họ Ngô gọi là núi Chùa. Tuy nhiên, người dân trong vùng cho biết, do bão tố thường xuyên nên chùa bị hư hại nhiều lần và đã 2 lần chùa được dời xuống thấp hơn (vào năm 1609 và năm 1724).

Tìm lại dấu xưa: Ngôi chùa cổ có tượng phúc thần Ganesha với 2 'trứng Phật'- Ảnh 2.

Một góc khuôn viên Linh Tiên tự ở chân núi Chùa, xóm Đồng Chùa, thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi

PHẠM ANH

Đào giếng được tượng thần và "trứng phật"

Linh Tiên tự có khoảng 20 tượng Phật bằng gỗ và 1 tượng bằng đá khá lớn. Ngoài ra, chùa còn nhiều tượng nhỏ bằng gỗ, đá và đặc biệt là đồng đúc, có niên đại từ thế kỷ 16 - 17. Các pho tượng ở chùa này không cùng niên đại, có thể do phật tử dâng cúng vào các thời gian khác nhau. Đại đức Thích Tịnh Nghĩa cho biết, ngày xưa, Linh Tiên tự có pho tượng Phật Thích Ca đúc bằng đồng, là tượng cổ nhưng khi dời về chùa mới ở thôn Tân Hy 2 thì bị mất, nay tìm chưa ra.

Cũng theo Đại đức Thích Tịnh Nghĩa, pho tượng mình người, đầu voi trong chùa là tượng thần Ganesha. Đây là một vị thần đáng kính trong Ấn Độ giáo, con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Theo bộ kinh Purana Shiva, thần Ganesha do chính nữ thần Parvati một lần đi tắm đã lấy chất bẩn trên cơ thể mình tạo ra một đứa trẻ khôi ngô, canh chừng cho mình tắm.

Lúc đó, thần Shiva đi xa lâu ngày mới về, khi vào thăm vợ thì bị đứa trẻ kia cản lại nên chém chết đứa trẻ. Nữ thần Parvati tức giận nói đó là con mình, thần Shiva đành tìm cách cho đứa trẻ sống lại. Thần Shiva lấy đầu một con voi đặt lên cổ đứa trẻ kia, thổi sự sống vào. Từ đó, thần Ganesha mang hình dáng mình người, đầu voi và là phúc thần, luôn mang lại điều tốt đẹp cho người khác.

Tìm lại dấu xưa: Ngôi chùa cổ có tượng phúc thần Ganesha với 2 'trứng Phật'- Ảnh 3.

Giếng cổ hàng trăm năm được cho là nơi đào thấy tượng thần Ganesha và 2 quả trứng

PHẠM ANH

Theo Đại đức Thích Tịnh Nghĩa, thời gian Linh Tiên tự có được tượng phúc thần Ganesha được ghi chép chưa thống nhất, có tài liệu ghi năm 1726 và tài liệu khác ghi năm 1852. Dù thời gian có khác nhau nhưng chuyện tìm thấy tượng Ganesha lại giống nhau. Đó là khi đào giếng nằm ở góc đông bắc Linh Tiên tự (chùa cũ) đã phát hiện tượng thần Ganesha bằng đá trắng cùng 2 viên đá như quả trứng ngỗng, người trong vùng gọi là "trứng Phật".

Tượng Ganesha được cho là có cùng hệ với phong thái Mỹ Sơn vào thế kỷ 8 - 9. Hiện tượng thần được dời về thờ cúng trong chùa Linh Tiên (mới xây) nhưng hai "trứng Phật" thì đã bị mất trộm.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa (57 tuổi, ở thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông), dù chùa đã dời đi nhưng hằng ngày vẫn có người đến hương khói, dọn dẹp. Linh Tiên tự cũ được xây dựng theo kiểu kiến trúc có tiền đường, chánh điện, hậu cung. Ở phía đông bắc chùa vẫn còn giếng nước từng tìm thấy tượng phúc thần Ganesha. Người dân trong vùng vẫn đến đây thắp hương, cầu khấn vì cho rằng chùa rất linh thiêng.

TS Nguyễn Đăng Vũ (nhà nghiên cứu ở Quảng Ngãi) cho biết ông từng khảo sát Linh Tiên tự. Tuy nghiên cứu chưa kỹ nhưng đây là ngôi chùa đặc biệt, bởi ngoài tượng phúc thần Ganesha thì bên trong chùa còn ghi lại tên những người đóng góp xây chùa.

"Tôi sẽ đến Linh Tiên tự để nghiên cứu kỹ hơn, chắc chắn sẽ có nhiều điều hay ở ngôi chùa này. Xã Bình Đông thời chiến tranh bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chùa Linh Tiên lại phải trùng tu, xây dựng nhiều lần nên nhiều người đóng góp vào cũng là điều không lạ", TS Vũ nói. (còn tiếp).

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chùa Linh Tiên có tên gọi là chùa Tân Hy: "Năm Tự Đức thứ 5 (năm 1852), người trong làng được viên đá trắng đầu voi mình người, lại được hai viên đá tròn to bằng trứng ngỗng, rồi lập chùa mà thờ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.